Tình trạng bảo kê ở chợ Long Biên đang thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày gần đây. UBND TP Hà Nội đã có công văn yêu cầu Công an TP Hà Nội điều tra làm rõ, đồng thời, các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc điều tra.
Theo tìm hiểu của phóng viên, để có thể tồn tại buôn bán, bà con tiểu thương tại chợ đầu mối Long Biên sẽ phải đóng tiền "bãi" – hay còn gọi là tiền bảo kê.
Sự việc không chỉ khiến các tiểu thương bị chèn ép đến cùng cực phải rút tiền túi "cống nộp" cho xã hội đen, bởi nếu không, họ sẽ không có chỗ đỗ xe để chuyển hàng, mà không có chỗ đỗ xe coi như hết đường làm ăn.
Tiểu thương ở chợ Long Biên (quận Ba Đình) phải đóng tiền bảo kê cho một người đàn ông. (Ảnh: Phunuonline).
Trong chương trình Sự kiện và bình luận sáng 29/9 của VTV, PGS.TS, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn - Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học, Học viện Cảnh sát nhân dân đã có những chia sẻ quan điểm trước vụ việc thu tiền bảo kê tại chợ Long Biên.
Theo PGS.TS, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, vụ việc này xảy ra cho thấy một sự coi thường kỷ cương pháp luật ngay giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội và những nguy cơ khiến cuộc sống của người dân đang bị đe dọa. Vấn đề đó gây bức xúc dư luận, khiến xã hội phải lên tiếng để đấu tranh, ngăn chặn.
"Nhân vật Nguyễn Kim Hưng (Hưng kính) trong câu chuyện này chỉ là một nhân viên trong ban quản lý nhưng tại sao họ thực hiện được hành vi này?
Đó là do sự thờ ơ, vô trách nhiệm của chính những cơ quan quản lý hay việc phát hiện, xử lý không kịp thời của các cơ quan liên quan" - PGS.TS Đại tá Đỗ Cảnh Thìn phân tích.
PGS.TS Đại tá Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, nhóm người này tác oai tác quái được không phải vì chúng quá mạnh mà bởi cơ quan, người quản lý đảm bảo an ninh và lực lượng chức năng vô trách nhiệm, thậm chí ở đằng sau còn có những vấn đề mang tính tiêu cực. Đôi khi, chính những kẻ này khống chế những người có trách nhiệm.
"Vụ việc đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ. Do đó, việc nhóm người này phạm tội gì và những tội nào thì còn phụ thuộc vào kết quả điều tra. Tuy nhiên, qua quan sát có thể thấy rõ các nhóm người này đã phạm tội cưỡng đoạt tài sản được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Hành vi dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác đe dọa, chiếm đoạt tài sản, nếu như đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì hành vi đấy có hình phạt rất nghiêm khắc, thậm chí đến 20 năm tù.
Nếu cứ để những hành vi này diễn ra, sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các tiểu thương cũng như những người hoạt động dịch vụ và bên cạnh đó, kỷ cương trật tự xã hội bị xâm phạm nghiêm trọng, mất đi lòng tin của người dân khi tội phạm không bị xử lý" - PGS.TS, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn nói.
Qua khảo sát của phóng viên, có thể thấy rõ hành vi của Hưng "Kính" mang bóng dáng tên trùm xã hội đen khét tiếng "Khánh Trắng" nhiều năm trước đây. Tên này, với thái độ ngông nghênh đe nẹt, quát nạt tiểu thương tại chợ đầu mối Long Biên nếu cự nự luật ngầm của hắn.
Ngoài tiền vào cổng thu theo quy định của ban quản lý chợ, nhiều tiểu thương còn phải nộp tiền bãi, thứ tiền không hề có trong quy định từ 200.000 - 350.000 đồng/lượt tùy theo trọng tải. Như vậy, theo tính toán sơ bộ, hàng trăm tỷ đồng đã vào túi những kẻ côn đồ xã hội đen lộng hành này.
Sau khi các cơ quan báo chí vào cuộc phản ánh, PV đã trở lại chợ khảo sát tình hình. Tuy nhiên, bất chấp sự vào cuộc của báo chí, tình trạng côn đồ đi thu tiền vẫn diễn ra ngang nhiên như không hề có chuyện gì xảy ra.
Vấn đề đặt ra tại sao nhóm côn đồ có tổ chức tồn tại bao nhiêu năm ở đây, thậm chí công luận đã lên tiếng gay gắt, những tiếng nói căm phẫn vang lên, nhưng BQL chợ vẫn làm ngơ như không biết, chính quyền sở tại không biết, công an không biết?
Dư luận đặt câu hỏi, liệu có phải chính quyền và công an đang bảo kê, dung túng cho những tên côn đồ, xã hội đen này lộng hành?
Theo VTC News