Lương Sơn - Hòa Bình: Nhà máy sản xuất sữa chua trân châu Hạ Long hoạt động khi chưa đủ các thủ tục pháp lý

Thảo Huyền

Thủ tục pháp lý chưa hoàn thiện, xây dựng nhà xưởng không phép, chưa có hệ thống xử lý thu gom rác thải, tự ý đặt trạm điện trên phần đất công của UBND xã… là những bất cập đang xảy ra tại Công ty Cổ phần sữa chua trân châu Hạ Long. Những vấn đề trên đáng nhẽ cần được xử lý triệt để nhưng dường như UBND huyện Lương Sơn đang cố tình “hợp thức hóa” cho sai phạm đã xảy ra.

Mập mờ thủ tục pháp lý

Theo tìm hiểu của PV, hiện Công ty Cổ phần sữa chua trân châu Hạ Long đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh tại số nhà 23, ngõ 158 (Phố Hoàng Văn Thái, Phường Khương Mai, Quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội). Công ty Cổ phần sữa chua trân châu Hạ Long có mã số thuế là 0108984694.

Hiện công ty Cổ phần sữa chua trân châu Hạ Long đã tiến hành xây dựng một loạt công trình diện tích nhà xưởng có quy mô lớn trên địa bàn thôn Suối Sếu A, xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Điều đáng nói là trong quá trình xây dựng, đơn vị này cũng chưa hoàn thiện đầy đủ các thủ tục pháp lý để đi vào hoạt động.

Những vi phạm về thủ tục này cần phải nhắc đến như: Chưa có cam kết bảo vệ môi trường, chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật... Điều đáng nói, nước thải trong quá trình sản xuất không được xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm khiến người dân sống ở khu vực xung quang vô cùng bức xúc. Được biết, chất thải rắn cũng như rác thải của Trân châu Hạ Long chưa ký kết với một đơn vị nào có đủ chức năng vận chuyển và xử lý.

Trong quá trình tìm hiểu thông tin chúng tôi được biết, xưởng sản xuất của doanh nghiệp này đã xây dựng trên đất trồng cây lâu năm. Không những thế, để phục vụ cho quá trình hoạt động, đơn vị này còn tự ý xây dựng 1 trạm điện cao thế trên diện tích đất của UBND xã Nhuận Trạch, có dấu hiệu thiếu an toàn.

Trạm điện xây dựng trên đất công, nhà xưởng không phép của Công ty Cổ phần sữa chua trân châu Hạ Long (Ảnh PV ghi nhận ngày 11/12/2020)

Tìm hiểu thêm cho thấy, ngày 8/7/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình cấp giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống cho Công ty tại địa chỉ xóm Suối Sếu A. Nhưng điều lạ là dù Công ty này chỉ được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình cấp chứng nhận địa điểm kinh doanh nhưng lại ngang nhiên tiến hành sản xuất sản phẩm.

Đối chiếu với các quy định pháp luật cho thấy, sau khi thành lập cơ sở sản xuất dưới hình thức công ty hoặc hộ kinh doanh cá thể, cơ sở sản xuất cần xin giấy phép đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các ngành nghề thực phẩm yêu cầu theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP về an toàn thực phẩm thì mới được tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy, đơn vị hiện chỉ có giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống thì chưa đủ điều kiện để sản xuất.

Vấn đề nghiêm trọng hơn được đặt ra ở đây là khi hệ thống cửa hàng của Công ty Cổ phần sữa chua trân châu Hạ Long vô cùng lớn mạnh, hoạt động theo hình thức nhượng quyền thương hiệu với hàng trăm cửa hàng trên toàn quốc, lượng sản phẩm sữa chua được tiêu thụ hàng ngày sẽ vô cùng lớn. Điều này gây ra sự quan ngại sâu sắc cho sức khỏe của người tiêu dùng khi chất lượng sản phẩm thực phẩm chưa được cơ quan chức năng kiểm nghiệm phê duyệt.

Huyện có “vượt cấp” để “hợp thức hóa cho sai phạm”?

Tại Văn bản số 43 /UBND-TCKH V/v Thẩm định hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất sữa chua trân châu Hạ Long tại thôn Suối Sáu A gửi Sở Kế hoạch và Đầu ngày 08/01/2021 cho thấy UBND huyện Lương Sơn trình bày việc thực hiện công văn số 3645/SKHĐT-DN, ngày 31/12/2020 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc thẩm định hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư Dự ản nhà máy sản xuất sữa chua trân châu Hạ Long tại thôn Suối Sếu A và có ý kiến như sau: Dự án Nhà máy sản xuất sữa chua trân châu Hạ Long phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện trạng đất là đất ở nông thôn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình và các Cổ đông của Công ty Cổ phần sữa chua trân châu Hạ Long đã nhận chuyển nhượng, do vậy công tác giải phóng mặt bằng thuận lợi. Dự án nằm trong khu dân cư của thôn Suối Sếu A, xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn.

Văn bản số 43 /UBND-TCKH V/v đang đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm đối với UNBD huyện Lương Sơn

Tuy nhiên văn bản cũng chỉ rõ việc, vị trí dự án chưa phù hợp với quy hoạch chung theo Quyết định số 1763/QĐ-UBND ngày 14/9/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh, chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, chưa có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021.

Cùng với đó UBND huyện Lương Sơn đồng ý bổ sung danh mục dự án vào quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất năm 2021, cập nhật bổ sung điều chỉnh quy hoạch chung theo Quyết định số 1763/QĐ-UBND ngày 14/9/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng ý chủ trương đầu tư Dự án nhà máy sản xuất sửa chua trân châu Hạ Long.

Không chỉ đồng ý chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất sữa chua trân châu Hạ Long, UBND huyện Lương Sơn còn đề nghị các Sở ban ngành quan tâm, thẩm định các hạng mục liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp này.

Cũng theo như nội dung văn bản này, có thể thấy phê duyệt hoạt động của Nhà máy sản xuất sữa chua trân châu Hạ Long mới là trên giấy tờ, mọi hạng mục hoạt động đều chưa được thẩm định phê duyệt, đặc biệt là vấn đề đánh giá tác động môi trường, xử lý rác thải… của doanh nghiệp vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Để có thêm những thông tin chính xác và khách quan, PV đã nhiều lần liên hệ theo đường dây nóng của Công ty Cổ phần sữa chua trân châu Hạ Long nhưng không nhận được sự phản hồi từ phía Công ty này.

Câu hỏi lớn ở đây là sức khỏe người tiêu dùng sẽ ra sao trước việc một công ty đi vào hoạt động lại bỏ qua vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm? Có hay không việc UBND huyện Lương Sơn đang “hợp thức hóa cho sai phạm” là câu hỏi cần công khai với dư luận.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Dung Hà