Liên quan đến việc tranh chấp diện tích đất tại địa chỉ số 64-66-68 Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3, Tp Hồ Chí Minh như báo ĐS&PL đã phản ánh qua bài viết "Cảnh báo cắt điện trên mảnh đất có tranh chấp đã thực sự thuyết phục chưa?". Mới đây, tòa soạn tiếp tục nhận được đơn thư tố cáo của công ty TNHH NS Vườn Biển về việc cắt điện trái pháp luật và vi phạm việc giải quyết yêu cầu gia hạn Hợp đồng mua bán điện của Tổng công ty Điện lực TP.HCM và công ty Điện lực Sài Gòn.
Nhà hàng Vườn Biển
Cụ thể trong đơn thư bà Nguyễn Thị Hải Phụng, giám đốc công ty TNHH NS Vườn Biển cho biết mặc dù công ty TNHH NS Vườn Biển (công ty Vườn Biển) đã tuân thủ, thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật về việc mua điện, tuy nhiên công ty Điện lực Sài Gòn vẫn “năm lần bảy lượt” cắt điện mà không thông báo lý do chính đáng.
Như đã đưa tin, trước đó công ty Vườn Biển đã ký hợp đồng mua bán điện với Tổng công ty Điện lực Thành Phố Hồ Chí Minh mà đại điện là công ty Điện lực Sài Gòn. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động công ty Vườn Biển có xảy ra tranh chấp quyền sử dụng lô đất địa chỉ 64-66-68 Trần Quốc Thảo (nơi công ty đang kinh doanh nhà hàng Vườn biển) với công ty TNHH Đầu Tư Xây dựng Kinh Doanh nhà Thảo Loan. Do đó, công ty Điện lực Sài Gòn ngang nhiên cắt điện với lý do công ty Vườn Biển không cung cấp được các chứng từ pháp lý có hiệu lực liên quan đến việc thuê, sử dụng đất.
Từ lúc xảy ra tranh chấp công ty Điện Lực Sài Gòn đã năm lần bảy lượt gửi công văn thúc ép công ty Vườn Biển, buộc công ty Vườn Biển phải cung cấp chứng từ pháp lý liên quan đến việc thuê, sử dụng mặt bằng tại 64-66-68 Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3, nếu không công ty Điện Lực Sài Gòn sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng mua bán điện. Điều đáng nói, tại thời điểm này vẫn đang trong quá trình giải quyết tranh chấp và TAND quận 3 thụ lý vụ kiện, chưa xác định được ai mới là người có quyền sử dụng đất.
Bà Phụng cho biết thêm: “Việc công ty Điện Lực Sài Gòn ngang nhiên cắt điện của chúng tôi là hoàn toàn sai hợp đồng mua bán điện đã ký. Tại điều 13 của hợp đồng có ghi rõ trường hợp phát sinh tranh chấp, hai bên giải quyết bằng thương lượng. Nếu hai bên không tự giải quyết được thì có thể đề nghị Sở Công Thương hòa giải. Trong trường hợp không đề nghị hòa giải không thành hai bên có quyền khởi kiện. Tuy nhiên trong thời gian đó thì bên A (tức công ty Điện Lực Sài Gòn) không được ngừng cấp điện và bên B (tức công ty Vườn Biển) chúng tôi có nghĩa vụ vẫn phải thanh toán tiền điện. Vậy mà họ vẫn cắt điện là hoàn toàn sai”
Công ty TNHH NS Vườn Biển liên tục phải sử dụng máy phát công suất lớn để phục vụ kinh doanh cho công ty do không được cung cấp điện
Đỉnh điểm là đến ngày 24/7/2019 vừa qua công ty Điện Lực Sài Gòn đã cho tổ cắt điện gồm 20 người thực hiện việc cắt điện công ty Vườn Biển tại trạm điện phía ngoài Công ty mà không đưa ra bất kỳ giấy tờ, căn cứ nào đúng quy định về việc cắt điện. Trong khi cùng ngày Sở Công thương đã chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực TP.HCM, công ty Điện Lực Sài Gòn rà soát lại các căn cứ pháp lý và tiến hành một buổi làm việc giữa 2 bên để thỏa thuận ký hợp đồng mua bán điện.
Cũng theo bà Phụng công ty Vườn Biển đã thực hiện thủ tục gia hạn hợp đồng và cung cấp đầy đủ hồ sơ theo hướng dẫn của ngành điện nhưng công ty Điện Lực Sài Gòn vẫn không đồng ý gia hạn mà không đưa ra bất cứ một lý do nào chính đáng
Việc cắt điện tại công ty Vườn Biển vào ngày 15/7 và 24/7 buộc tới nay doanh nghiệp này phải thuê máy phát điện để sử dụng phục vụ hoạt động kinh doanh của nhà hàng. Điều này đã gây thất thoát gần trăm triệu đồng cho doanh nghiệp.
Trước việc mật mờ không rõ nguyên nhân vẫn tự ý cắt điện của Công ty Điện Lực Sài Gòn đã làm thất thoát gần trăm triệu đồng cho công ty Vườn Biển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt đông của công ty này. Trước thực trạng này, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc sớm đưa ra câu trả lời thỏa đáng, công bằng cho các bên. Tránh tình trạng này về lâu dài gây ảnh hướng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin sự việc!
Căn cứ Thông tư 30/2013/TT-BCT Quy định điều kiện, trình tự ngưng, giảm mức cung cấp điện Điều 5. Ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp Bên bán điện ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp trong các trường hợp sau: 1. Ngừng, giảm mức cung cấp điện theo kế hoạch của bên bán điện khi có nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, xây lắp các công trình điện, điều hòa, hạn chế phụ tải do thiếu điện và các nhu cầu khác theo kế hoạch. 2. Ngừng cấp điện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân có liên quan trong trường hợp để đảm bảo an toàn phục vụ thi công các công trình. 3. Ngừng, giảm mức cung cấp điện theo yêu cầu của bên mua điện. Điều 6. Ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp Bên bán điện ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp trong các trường hợp sau: 1. Do có sự cố xảy ra trên lưới điện cấp điện cho bên mua điện; sự cố trong hệ thống điện gây mất điện mà bên bán điện không kiểm soát được. 2. Có nguy cơ gây sự cố, mất an toàn nghiêm trọng cho người, thiết bị và hệ thống điện. 3. Do hệ thống điện thiếu công suất dẫn đến đe dọa sự an toàn của hệ thống điện. 4. Do sự kiện bất khả kháng. Điều 7. Ngừng cấp điện do tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật Bên bán điện được ngừng cấp điện trong các trường hợp sau: 1. Bên mua điện có hành vi vi phạm quy định tại: a) Các Khoản 1, 4, 5, 6, 7 và Khoản 8 Điều 7 Luật Điện lực (Các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện). b) Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 46; Điểm b và Điểm c Khoản 2 Điều 47 Luật Điện lực. 2. Bên mua điện không thực hiện thanh toán tiền điện theo quy định tại Khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. 3. Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật Điện lực, Luật Xây dựng, pháp luật về bảo vệ môi trường. 4. Bên mua điện không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng, không duy trì biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. |
Nhóm PV