“Mày biết tao là ai không?” – câu nói đang thành trend mấy ngày nay – được cho là phát ngôn của một vị đại gia thành đạt.
Sau khi có hành vi bị tố là sàm sỡ một cô gái trẻ trên máy bay trong tình trạng say rượu, người đàn ông trung niên ngồi ghế hạng thương gia trên chuyến bay VN253 từ Hà Nội đi TP.HCM của Vietnam Airlines hôm 26/7 đã bị phi hành đoàn lập biên bản và mời xuống máy bay.
Tuy nhiên, thay vì xin lỗi và chấp hành quy định chung, người này được cho là đã lớn tiếng dọa nạt nhân viên hàng không và hất hàm nói: “Mày biết tao là ai không?”.
Và, vị khách trung niên đó đã không phải chờ đợi lâu. Nhu cầu nổi tiếng đã được báo chí và cộng đồng mạng đáp ứng ngay sau đó: Ông là Vũ Anh Cường sinh năm 1960, đại diện pháp luật Công ty TNHH Thế kỷ 21 Bình Trưng Tây, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Đất Lành.
Nhưng trên tất cả, ông được biết đến là vị khách bị đuổi khỏi máy bay với lý do được ghi trên biên bản là có hành vi sàm sỡ. Thực sự cô gái có bị sàm sỡ hay không thì cần phải chờ đợi kết luận của cơ quan điều tra. Mặc dù đã có ít nhất 2 người lên tiếng tố cáo hành vi của ông này: Cô gái trẻ và nữ tiếp viên trưởng. Nhân chứng đang chống lại vị khách thương gia, song chúng ta chưa nên lên án hành vi của ông này trước khi có kết luận chính thức.
Ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh thái độ hành xử của ông Cường thông qua câu nói đầy thách thức: “Mày biết tao là ai không?”
Khi nói câu đó, hẳn là ông Cường không chỉ muốn người khác biết đến mình thông qua một cái tên. Nó ẩn chứa hàm ý rằng ông có thể tác động hoặc huy động một ai đó có quyền lực cao hơn những người đang từ chối chuyên chở ông.
Nhưng rất tiếc mối quan hệ quyền lực đó đã không phát huy tác dụng. Ngược lại, nó đã khiến vị đại gia vướng phải hàng loạt thị phi.
Ông cũng bị tìm tòi thông tin cá nhân, khui ra nhiều vụ lùm xùm làm ăn với khách hàng trong quá khứ… Được người khác biết mình là ai – theo cách này – thật chẳng vui vẻ gì.
Được biết, cách đây hơn 10 năm, một nữ doanh nhân là tổng giám đốc tập đoàn bảo hiểm cũng gây ra một vụ lộn xộn trên máy bay. Bà này có gì đó không hài lòng, chửi bới tiếp viên bằng ngôn ngữ rất thông tục. Câu nói “Mày biết tao là ai không?” cũng được ghi vào biên bản.
Từ đó, thi thoảng người ta lại được nghe câu này lặp đi lặp lại trong cuộc sống. Nó cho thấy một thực tế: Có một bộ phận công dân tự cho rằng mình có thứ hạng cao hơn những người còn lại, và thứ hạng này, một cách bất thành văn, được xây dựng trên những mối quan hệ “khủng” khiến người bình thường không dám đụng vào.
Lại nói về vai trò của các mối quan hệ trong xã hội thì phải khẳng định rằng đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công của mỗi người. Người Nhật có câu: “Quan hệ tốt coi như đã hoàn thành tới 70% công việc”. Ngạn ngữ Anh cũng có câu tương tự: “Show me your friends, I’ll tell you who you are” (tạm dịch: Hãy nói cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người thế nào).
Khái niệm quan hệ mà người Nhật, người Anh nói chủ yếu là quan hệ giao tiếp, ứng xử, quan hệ hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, cụm từ “quan hệ” chủ yếu nói về quan hệ thân quen, nhờ vả.
Một người đi đường vi phạm luật lệ giao thông bị cảnh sát xử phạt, việc đầu tiên anh ta làm không phải là nhận lỗi và chấp hành mà là... gọi điện cho người thân. Chỉ khi không có mối quan hệ thân quen nào hỗ trợ, anh ta mới phải dùng đến những biện pháp khác.
Đi vào cơ quan hành chính nhìn thấy cảnh xếp hàng chen chúc, lập tức gọi điện cho người thân là lãnh đạo để được chen ngang.
Những câu chuyện này phản ánh một thực tế bất cập và một đặc điểm xấu xí trong tính cách của người Việt.
Tất nhiên để thay đổi điều này là câu chuyện không thể một sớm một chiều. Nó trước tiên đòi hỏi tính nghiêm minh của pháp luật, tiếp đến là thái độ thượng tôn pháp luật của người thừa hành, đồng thời là sự tự trọng trong ứng xử của mỗi người.
Hãy dạy con khi chúng còn là một đứa trẻ, thay vì gọi cha mẹ ra giải quyết xung đột cá nhân, hãy có thói quen nhận lỗi và tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình.
Một khi phải tự chịu trách nhiệm về mình, tôi tin xã hội sẽ bớt đi nhiều người có hành vi “hoang dã” kiểu đụng chạm thoải mái vào phụ nữ, bé gái như những chuyện xảy ra thời gian vừa rồi.
Nên nhớ, ở các nước phương Tây, nhất là khu vực Trung Đông, da thịt và thân thể phụ nữ là ranh giới cuối cùng “bất khả xâm phạm”. Phụ nữ Phương Tây vốn suy nghĩ thoáng, quan hệ thoáng, nhưng theo kiểu đồng thuận, chứ đàn ông không thể “vỗ mông xã giao”, “nựng yêu” hay là “trượt tay” vô lý như ở ta.
Vào nhầm nhà vệ sinh, bế hay trêu đùa các bé gái, nhìn sâu vào mắt phụ nữ quá 10 phút bị gọi cảnh sát… là những rắc rối mà người Việt từng gặp phải khi sinh hoạt ở nước ngoài. Những hoàn cảnh đó, câu nói “Mày biết tao là ai không?” là vô giá trị.
Như vậy, để tồn tại câu nói này trong xã hội, theo tôi, là do dân trí chưa cao và do quan hệ pháp luật chưa đủ ưu việt mà thôi.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Theo Người đưa tin