Nước ép trái cây là loại nước tách được tối đa lượng nước, vitamin và khoáng chất trong trái cây như nước ép dưa hấu, táo, dứa… Nhưng để tăng thêm hương vị và nhiều dưỡng chất cho cốc nước ép, Nhiều người lựa chọn việc kết hợp đa dạng các loại rau, củ, quả như cải kale, táo và gừng; rau bina, táo và dứa; cần tây, táo, cải kale và chanh… Mùi nồng của cần tây hay rau bina sẽ được giảm bớt khi kết hợp với táo, dứa.
Ảnh minh họa.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều các loại nước ép trái cây đóng chai nhưng không phải loại nào cũng thực sự tốt cho sức khỏe. Những loại thức uống này có chứa calo của trái cây, khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa theo một cách khác so với các loại thức ăn chứa calo. Do đó, khi tiêu thụ calo dưới dạng lỏng cùng các loại thức ăn khác sẽ dẫn tới dư thừa calo. Đặc biệt đối với những người đang có kế hoạch giảm cân thì cần phải kiểm soát lượng calo tiêu thụ trong cơ thể.
Bên cạnh đó, trong nước ép đóng chai có hàm lượng đường Fructose khá cao mà chỉ có gan là cơ quan duy nhất có thể chuyển hóa lượng lớn đường fructose. Khi gan nhận quá nhiều đường, lượng đường dư thừa sẽ chuyển hóa thành mỡ, tích tụ trong gan, dẫn đến bệnh kháng insulin.
Ảnh minh họa.
Lượng đường dư thừa từ nước ép trái cây cũng làm tăng triglycerid, cholesterol xấu và gây tích tụ mỡ bụng trong ít nhất 10 tuần. Thậm chí, việc tiêu thụ nhiều hơn 2 chai nước ép mỗi ngày sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh gút ở nữ giới.
Nước ép trái cây đóng chai thường có thành phần axit cao hơn so với nước ép trái cây thông thường. Khi axit kết hợp với lượng đường cao sẽ khiến vi khuẩn xấu phát sinh trong đường ruột, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Lượng axit này còn gây ảnh hưởng tới men răng, làm tăng nguy cơ sâu răng.
Đối với những người tự ép nước trái cây tại nhà thì thường có thói quen loại bỏ phần vỏ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, vỏ của một số loại quả là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, do đó nếu bỏ vỏ, nước ép sẽ có hàm lượng chất xơ rất thấp.
Ảnh minh họa.
Trong các loại trái cây đều có chứa một hàm lượng đường nhất định tốt cho sức khỏe, vì vậy, bạn cần hạn chế thêm nhiều đường vào nước ép trái cây tươi để tăng thêm vị ngọt. Cơ thể tiếp nhận quá nhiều đường sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Bạn cũng không nên pha nước ép trái cây với sữa. Protein có trong sữa sẽ phản ứng axit tartaric trong nước ép, gây trở ngại cho quá trình hấp thụ của cơ thể và còn có thể gây đau bụng với những ai có dạ dày yếu.
Ngoài ra, có rất nhiều loại nước ép trái cây sẽ gây hại nếu uống chung với thuốc. Cụ thể là nước ép bưởi có chất làm giảm nồng độ một loại enzyme trong thành ruột non, khiến sự hấp thu thuốc vào cơ thể bị thay đổi, dẫn đến nguy cơ thuốc xâm nhập nhiều vào máu, tạo ra hiện tượng quá liều và những hiệu quả không mong muốn. Nước cam, nước táo có thể làm giảm sự hấp thu của một loại thuốc, làm chất sinh học ở ruột không thể hoạt động để vận chuyển thuốc vào máu.
Vào buổi sáng, bạn nên lưu ý không được uống nước ép trái cây, khi đó các chất axit có trong nước ép sẽ gây tổn hại dạ dày. Tốt nhất, bạn nên uống nước ép trái cây ở giữa hai bữa ăn, sau khi vận động hoặc khi mệt mỏi mà cơ thể cần bổ sung thể lực nhanh chóng.
Vitamin C trong trái cây rất dễ bị biến chất hoặc bay hơi khi gặp nhiệt độ cao. Vì vậy, việc hâm nóng nước ép sẽ làm triệt tiêu loại vitamin có trong hầu hết các loại trái cây này.