Đây là cơ hội để đông đảo các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn những giá trị của phòng trào Tết trồng cây mà Người đã phát động 60 năm về trước. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019), 50 năm ngày mất của Người (2/9/1969 - 2/9/2019).
Triển lãm đã trưng bày 18 bức ảnh khổ lớn chụp Bác Hồ trong những ngày về thăm Sầm Sơn năm 1960 và thu hút hơn 300 cây cảnh, 50 tác phẩm đá quý nghệ thuật của các đơn vị và nghệ nhân đến từ 14 tỉnh thành trên toàn quốc.
Sinh thời Bác Hồ luôn chăm lo đến việc trồng cây; Ảnh tư liệu
Thông qua Triển lãm giúp thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu rõ hơn truyền thống cách mạng vẻ vang của Xứ Thanh văn hiến anh hùng. Thanh Hoá - mảnh đất “địa linh nhân kiệt” nơi sản sinh ra những bậc anh hùng hào kiệt, nhà văn hoá lớn của dân tộc như: Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Văn Hưu, Lê Lợi, Lê Thánh Tông, Đào Duy Từ…Mảnh đất và con người nơi đây đã góp phần không nhỏ vào quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nơi vinh dự được nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm.
1. Từ Tết trồng cây đến mỹ tục mới của nhân dân
Với những người làm công tác Sinh Vật Cảnh Xứ Thanh thì đây là một hoạt động thiết thực kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ phát động Tết Trồng cây (28/11/1959 - 28/11/2019) với tư tưởng là một cuộc cách mạng cách quan, thiên nhiên và môi trường sinh thái "làm cho phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ngày càng được cải thiện".
Đã 60 năm trôi qua, những lời dạy của người là kim chỉ nan soi sáng cho nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh mà toàn Đảng, toàn dân ta đang nỗ lực đẩy mạnh hướng đến xây dựng "Nông nghiệp thịnh vượng, Nông dân giàu có, Nông thôn văn minh, hiện đại".
Trong 15 bài viết, bài nói về chủ đề Tết Trồng cây, Bác Hồ đã đề cập đến khái niệm Nông thôn mới và nông nghiệp tiên tiến. Theo Người, Nông thôn mới không phải là quá trình kiến tạo ra những giá trị mới đối lập với cái cũ, cái hiện có, mà Nông thôn mới là sự "cải thiện" những cái cũ, cái hiện có. Làm cho nó trở nên hoàn thiện hơn. Và mục tiêu xuyên suốt của nó là phải "làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện".
Với Bác, trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần mà còn có ý nghĩa sâu sắc là giáo dục đạo đức lao động cho nhân dân; đặc biệt là giáo dục tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái; lối sống hòa đồng giữa con người với thiên nhiên của người Việt đã được trao truyền bao thế hệ.
Trong bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc vào ngày 14/9/1958, Bác đã xác định rõ việc trồng cây cũng giống như việc trồng người là việc làm xuất phát từ lợi ích thiết thực trước mắt cũng như lâu dài nhằm phục vụ cuộc sống: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Người cho rằng, đó là một nhiệm vụ nặng nề, nhưng rất vẻ vang.
Toàn cảnh khu trưng bày Sinh Vật Cảnh
Trong những bài viết, Bác Hồ nêu rõ tác dụng của việc trồng cây, đó là công việc "tốn kém ít mà ích lợi nhiều”, làm cho “nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.
Bác Hồ đã viết Tết trồng cây "cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia”. Điều đó có thể thấy, ý nghĩa của "Tết trồng cây” là hết sức thiết thực và lớn lao. Lời kêu gọi "Tết trồng cây” của Bác đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân cả nước, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam.
Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, Bác vừa viết báo nhắc nhở nhân dân thực hiện Tết trồng cây, vừa đi thăm và tham gia trồng cây cùng với nhân dân. Người luôn biểu dương những địa phương, đơn vị, cá nhân trồng cây tốt và nhắc nhở những địa phương, những hợp tác xã chưa quan tâm đến việc tổ chức "Tết trồng cây”.
Một cuộc Triển lãm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước
Bác nhấn mạnh việc thực hiện “Tết trồng cây” một cách liên tục, bền bỉ và vững chắc thì không chỉ góp phần vào nhiệm vụ phát triển “kinh tế văn hóa” mà còn làm cho “phong cảnh của ta cũng thật sự là non sông gấm vóc, tươi đẹp vô cùng”. Không chỉ có vậy Người còn lưu ý Tết trồng cây có ý nghĩa chính trị to lớn.
Phong trào Tết trồng cây do Bác Hồ phát động đã trải qua vừa tròn 60 mùa Xuân. Hưởng ứng lời kêu gọi Tết trồng cây của Người, ai ai cũng rất hạnh phúc khi đã góp phần tạo ra được nhiều thế hệ cây xanh cho đất nước. Và những thế hệ cây xanh được trồng từ những năm đầu của phong trào nay đã trở thành những cây cổ thụ sum suê trên các đường phố, nẻo đường của các làng bản, góp phần tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cho đất nước.
Để góp phần đưa những tư tưởng của Người qua Tết trồng cây lan tỏa những giá trị thiết thực trong cộng đồng, hơn 20 nhà cách mạng tiền bối đã trình bày với Đảng và Nhà nước về việc thành lập Hội Sinh vật cảnh Việt Nam năm 1989. Hội Sinh vật cảnh Việt Nam một tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nhận về mình sứ mệnh tiếp tục phát huy ý nghĩa của Tết trồng cây góp phần bảo tồn, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; cải thiện môi trường sinh thái; cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân… Sau 30 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay Sinh vật cảnh đã là một ngành kinh tế sinh thái giá trị cao thu hút hơn 4 triệu người lao động góp phần tạo ra giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD hàng năm trong nhóm ngành rau, hoa, quả, cây cảnh…
Bác Hồ kính yêu đã đi xa, đất trời trải qua 50 mùa Xuân mới. Tết trồng cây đã trở thành một mỹ tục mới tốt đẹp trong nhân dân. Từ lời dạy của Người, phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc luôn được toàn Đảng, toàn dân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể. Tấm gương sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên, tư tưởng, triết lý sống tiến bộ về bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững của Người đã trở thành kim chỉ nam hành động đúng đắn cho các thế hệ hôm nay và mãi về sau.
2. Bác Hồ với Thanh Hóa
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần trực tiếp về thăm cũng như gửi thư động viên, thăm hỏi, biểu dương những thành tích của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hoá.
Ngày 20-2-1947, Bác Hồ về thăm Thanh Hoá lần đầu tiên và khai hội với đồng bào Thanh Hoá tại thị trấn Rừng Thông (huyện Đông Sơn); buổi chiều Bác gặp và nói chuyện với các đại biểu thân sĩ, trí thức, phú hào; buổi tối nói chuyện với nhân dân thị xã Thanh Hoá ở trước Nhà thông tin thị xã. Qua các buổi nói chuyện, Bác bày tỏ mong ước Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá làm sao để xây dựng tỉnh nhà thành một tỉnh kiểu mẫu. “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”. Bác cũng chỉ rõ xây dựng tỉnh “kiểu mẫu” trên mọi mặt phải bắt đầu từ cá nhân mỗi người trước tiên: Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu, một nước kiểu mẫu… Trước lúc chia tay, Bác nhắn gửi tha thiết tới đồng bào với lời hẹn ngày trở lại: “Đồng bào trong tỉnh hãy xắn tay áo làm đi, lần sau về đây tôi sẽ thấy mỗi người là một người “kiểu mẫu”.
Mười năm sau, ngày 13-6-1957, nhân dân Thanh Hoá vinh dự được đón Bác về thăm lần thứ hai. Người đã khen ngợi và ghi nhận những đóng góp to lớn của nhân dân Thanh Hóa trong vai trò “hậu phương lớn” của kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là sự chi viện sức người, sức của cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong buổi nói chuyện, Người không chỉ nhắc đến những người con ưu tú mưu lược, dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì cách mạng như: Lò Văn Bường, Trần Đức, Tô Vĩnh Diện, Lê Công Khai... chẳng những làm vẻ vang cho cả tỉnh mà còn vẻ vang cho cả non sông gấm vóc Việt Nam. Bác còn biểu dương những công trình kinh tế mà Thanh Hoá xây dựng được trong quá trình khôi phục và cải tạo kinh tế miền Bắc xã hội chủ nghĩa như đập Bái Thượng, đê sông Mã, sông Chu; những địa phương có nhiều thành tích xoá nạn mù chữ trong phong trào bình dân học vụ như xã Vĩnh Khang… Tình cảm của Bác qua hai lần về thăm là nguồn cổ vũ, động viên kịp thời, thôi thúc nhân dân Thanh Hóa tiếp tục chi viện sức người, sức của, quyết tâm chiến đấu hy sinh vì lý tưởng cao đẹp “Không có gì quý hơn độc lập tự do” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Bác Hồ với nhân dân trong lần về thăm Thanh Hóa; Ảnh tư liệu tại Triển lãm
Năm 1960, tại Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ VI, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu và căn dặn địa phương những lời thật tâm huyết. Người nhấn mạnh vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong phong trào thi đua yêu nước: “Thi đua tốt là phải làm nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Bốn chữ ấy đi liền với nhau. Nhanh, nhiều nhưng không tốt, không rẻ là không được”. Bác luôn mong muốn và tin tưởng tổ chức công đoàn và lực lượng công nhân sẽ làm gương xung phong cho đồng bào ở hậu phương. Bác đã chia sẻ những khó khăn với bà con nông dân về nền nông nghiệp cũ kỹ và lạc hậu. Muốn nông nghiệp của Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung phát triển phải có biện pháp cải tiến nông cụ hiện có theo hướng đơn giản, ai cũng làm được. Muốn làm được công việc này thì công nhân phải giúp nông dân một cách có kế hoạch. Sự chỉ bảo ân cần và những lời động viên của Bác trong buổi gặp gỡ ấy mãi là kỷ niệm sâu sắc trong tiềm thức mỗi người con tỉnh Thanh được gặp và trực tiếp nghe Bác dặn dò.
Về thăm Thanh Hoá lần thứ 3 này, Bác đã có dịp nghỉ lại ở khu vực Đền Cô Tiên - Sầm Sơn là tặng phẩm vô giá của thiên nhiên, bãi biển kỳ thú, nên thơ cùng với nhiều sử tích từ ngàn xưa để lại. Sau khi đi thăm và thưởng ngoạn cảnh đẹp của Sầm Sơn, Bác đã tắm biển và kéo lưới cùng bà con ngư dân, gặp gỡ và trao đổi với cán bộ ở đây. Bác căn dặn: Nếu nơi đây có một hệ thống dịch vụ khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới Hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải từ đây... Khắc ghi lời dạy của Người, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Sầm Sơn đã từng bước phát huy thế mạnh kinh tế biển, đưa ngành du lịch - thuỷ sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng và phát triển khu du lịch Sầm Sơn trở thành một trong những địa danh nổi tiếng, là niềm tự hào của ngành du lịch Thanh Hoá cũng như du lịch cả nước.
Ngày 16-12-1961, Bác trở lại thăm Thanh Hóa. Thời gian ấy, miền Bắc bắt đầu thực hiện kế hoạch 5 năm, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội đồng thời làm nghĩa hậu phương lớn, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam chống Mỹ, cứu nước. Bác đã đến thăm Nhà máy cơ khí Thanh Hoá, Hợp tác xã Thành Công. Người ân cần thăm hỏi các cháu trường mầm non, thăm Hợp tác xã nông nghiệp điển hình Yên Trường (Yên Định). Nói chuyện với đồng bào, cán bộ, Bác khẳng định: “... Tỉnh ta có ngót 12 vạn đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động, đó là một lực lượng rất lớn. Cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên cần phải thực sự xung phong gương mẫu tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu mệnh lệnh, chống lãng phí, tham ô... Ra sức phát triển và củng cố tốt Đảng và Đoàn; đoàn kết toàn dân. Làm được như thế thì Thanh Hoá chắc sẽ trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”. Bốn lần Bác về thăm Thanh Hóa đều là những mốc thời gian quan trọng của cách mạng cả nước nói chung, của nhân dân Thanh Hóa nói riêng.
Người không chỉ trực tiếp về thăm mà còn nhiều lần gửi thư biểu dương, khen ngợi và tặng huy hiệu của Người cho những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong sản xuất và chiến đấu. Trong thư gửi đồng bào Thanh Hóa tháng 6-1950, Bác đã viết: Tôi thay mặt bộ đội địa phương cảm ơn đồng bào và thay mặt Chính phủ khen ngợi đồng bào. Người khen ngợi ba xã xuất sắc nhất trong chiến đấu và sản xuất là Tân Tiến, Hoằng Lộc và Đông Anh. Đặc biệt, Bác tặng riêng một lá cờ, phần dưới cờ là chữ Hồ Chí Minh cho xã Đông Anh vì đã có thành tích cao nhất giúp bộ đội địa phương 3.800.000 đồng.
Tháng 11-1954, Bác gửi thư, tặng quà và huy hiệu cho cán bộ, đồng bào, thanh niên, dân công ở công trường xe lửa và đập sông Chu. Năm 1961, Bác khen các cấp lãnh đạo tỉnh đoàn kết nhất trí, tận tụy phục vụ nhân dân, chấp hành chỉ thị của cấp trên một cách nghiêm chỉnh. Ngày 19-5-1964, Bác gửi thư khen tuổi trẻ Thanh Hoá cùng với tuổi trẻ Nghệ An đã vượt qua gian khổ, xây dựng tuyến đường sắt Thanh Hóa - Nghệ An. Năm 1967, biết tin các trung đội nữ dân quân Thanh Hóa như trung đội dân quân gái Hoa Lộc (Hậu Lộc), Thanh Thủy (Tĩnh Gia), Hoằng Trường (Hoằng Hóa), Hà Tiến (Hà Trung)…lập thành tích bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, Bác đã viết thư khen ngợi: “...Cùng với thành tích to lớn chống Mỹ, cứu nước của phụ nữ cả nước ta, chiến công của các cháu làm rạng rỡ thêm truyền thống của phụ nữ Việt Nam dũng cảm đảm đang. Bác vui lòng khen ngợi các cháu và tặng mỗi cháu một Huy hiệu”.
Bên cạnh đó, Bác còn thẳng thắn phê bình, kỷ luật những biểu hiện sống xa dân, những việc làm ảnh hưởng đến lợi ích của dân của một số cán bộ, đảng viên. Bác cũng nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải lãnh đạo cụ thể hơn nữa, đi sâu, đi sát hơn nữa vào quần chúng nhân dân, phải tuyệt đối tránh tư tưởng chủ quan, thỏa mãn, tránh tác phong quan liêu mệnh lệnh, từng bước khắc phục lề lối làm việc luộm thuộm. Phải hết sức chú trọng bồi dưỡng cán bộ cũ và dìu dắt những cán bộ trẻ tiến lên… Những lời động viên khen ngợi và phê bình kịp thời của Bác mang tầm vóc, ý nghĩa thật lớn lao, có sức lan tỏa mạnh mẽ! Những cá nhân, đơn vị nào được khen ngợi thì phấn khởi tin tưởng; tổ chức nào, cơ sở nào bị phê bình thì kịp thời sửa chữa, khắc phục, những tổ chức, cơ sở chưa được Bác khen thì càng phấn đấu hơn nữa.
Mỗi việc làm của Người đối với nhân dân Thanh Hoá cho chúng ta thấy hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc thật gần gũi, giản dị và ấm áp biết bao! Tư tưởng, đạo đức và tấm gương của Người luôn tỏa sáng, là niềm tin để nhân dân Thanh Hóa cũng như nhân dân cả nước chung sức đồng lòng, phấn đấu xây dựng tỉnh Thanh trở thành một tỉnh “kiểu mẫu”, đạt nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực như niềm tin và sự mong mỏi của Người!