Người Đưa Tin (NĐT): Thưa đại biểu, hiện nay chúng ta đã mở cửa, thích ứng an toàn với dịch, vậy theo ông làm thế nào để học sinh đến trường an toàn?
ĐBQH Tạ Văn Hạ: Covid-19 tác động đến toàn bộ đời sống văn hoá kinh tế xã hội của nước ta, thời gian tới rõ ràng sẽ tạo ra nhiều hình thái kinh tế xã hội mới. Trước đây, chúng ta dùng khái niệm “Zero F0” thì nay chúng ta không dùng khái niệm này mà là “sống chung, thích ứng an toàn”. Khi thích ứng an toàn thì đòi hỏi phải có những thay đổi.
Đối với trẻ em, trước hết phải tổng kết, đánh giá trong một môi trường mới để thích ứng thì hiệu quả của tác động đến đâu. Khi thực hiện “mục tiêu kép” thì sức khoẻ của con người vẫn là điều trên hết.
Bây giờ, để học sinh được nhanh chóng đến trường thì việc đầu tiên là vắc-xin, các em phải được tiêm vắc-xin thì mới đảm bảo được. Bởi, môi trường lớp học cũng rất dễ lây lan, vì số lượng học sinh đông, ở nhiều nơi, nhiều người đưa đón…
Khoan bàn đến tác hại nhất định của việc học trực tuyến như sang chấn tâm lý… Tôi cho rằng, việc học trực tuyến đảm bảo duy trì được việc học tập của các em liên tục. Nên, để các em sớm được đến trường thì điều đầu tiên phải đẩy nhanh vắc-xin. Tiến tới, Việt Nam phải chủ động được nguồn vắc-xin “made in Vietnam”.
Song song với các vắc-xin vẫn cần có những giải pháp như: 5K, học giãn cách có thể một lớp học 2 ca để nếu chẳng may có ca nhiễm thì sẽ đỡ. Thậm chí, tiến tới phải có một quy trình chuẩn như Nhật Bản khi có động đất thì các cháu sẽ được học như thế nào, quy trình ra sao… Tới đây, nên chăng xây dựng một quy trình chuẩn trong nhà trường khi phát hiện F0 thì quy trình sẽ được xử lý như thế nào?
NĐT: Một số quận, huyện là “vùng xanh” nhưng các em vẫn phải học trực tuyến, điều này liệu có không đồng nhất với hướng dẫn của Chính phủ?
ĐBQH Tạ Văn Hạ: Theo tôi, dịch không có vùng cũng không có địa giới hành chính. Có thể hôm nay xanh nhưng mai có một người nhiễm thì lại trở thành điểm không còn xanh. Nên, vấn đề làm sao cho các em đi học sớm nhất, giảm bớt sang chấn tâm lý, tăng cường quan hệ xã hội, tương tác giữa thầy trò cần tính toán…
Đồng thời, phải tính thời gian tới có sự thay đổi học trực tuyến, phải chăng là một xu thế, là tất yếu với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Khi xây dựng Luật giáo dục, nhiều ý kiến cũng đã đặt vấn đề là các em có thể học ở bất kỳ nơi nào cũng được, miễn các em đáp ứng được khi thi, một câu hỏi đặt ra là có nhất thiết phải theo truyền thống đến trường hay không?
NĐT: Như đại biểu nói, để mở cửa trường học, cho trẻ đến trường thì phải tiêm vắc-xin. Nhưng, Bộ Y tế cũng chỉ đưa ra thông tin là triển khai tiêm vắc-xin vào cuối tháng 10, lộ trình ra sao thì lại do địa phương quyết định, khiến địa phương bị động, lúng túng… Vậy, vai trò của Bộ Y tế trong vấn đề này như thế nào để phối hợp linh hoạt với địa phương, tính chủ động cao hơn?
ĐBQH Tạ Văn Hạ: Rõ ràng vai trò của Bộ Y tế trong bảo vệ sức khoẻ của nhân dân rất quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai “chống dịch như chống giặc” thì phải có những sở chỉ huy, có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Tôi tin rằng, tới đây vấn đề vướng mắc trong chống dịch vừa rồi sẽ được khắc phục. Theo tôi được biết, nguồn vắc-xin chúng ta cũng đang rất tích cực, chủ động. Địa phương cũng đã có những phương án chủ động nhưng đồng thời sẽ chờ nguồn vắc-xin về và chỉ đạo của ngành y tế. Tôi nghĩ rằng, ngành y tế cũng sẽ có giải pháp.
NĐT: Trẻ em là đối tượng đặc thù, nên khi tiêm vắc-xin cũng gây tâm lý lo lắng cho phụ huynh về mức độ an toàn, là ĐBQH ông có kiến nghị gì trong việc minh bạch thông tin các loại vắc-xin tiêm cho trẻ, quy trình tiêm...?
ĐBQH Tạ Văn Hạ: Hiện nay, vắc-xin nào có thể tiêm cho trẻ em thì chủ yếu phải dựa vào tổ chức y tế thế giới WHO. Nên, khi triển khai tiêm cũng cần phải có giải pháp, quy trình, cần đẩy nhanh tiến độ. Tôi cho rằng, như vậy cũng rất thận trọng.
NĐT: Xin cảm ơn ông!