9h00’ sáng ngày 4/7/2019, chính quyền huyện Xăm Tảy với đầy đủ các cán bộ lãnh đạo, phòng ban chức năng lĩnh vực lâm nghiệp cùng chỉ huy Bộ đội Biên phòng làm việc với Đoàn công tác tỉnh Nghệ An. Tại đây, Trưởng đoàn công tác tỉnh Nghệ An Bùi Văn Hiền đã thông tin các quy định mới của pháp luật Việt Nam về bảo vệ và phát triển rừng; chủ trương đóng cửa rừng và thực hiện chính sách trồng mới rừng của Chính phủ Việt Nam; nhấn mạnh Khu BTTN Pù Hoạt thuộc hệ thống 2 triệu ha rừng đặc dụng của Việt Nam được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An, và là vùng rừng tiếp giáp biên giới Việt – Lào có loài sa mu dầu được xếp vào loài nguy cấp, quý hiếm nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Đồng thời, nêu hiện tượng có một số đối tượng người Việt Nam cấu kết với công dân Lào để khai thác trái phép các loại cây gỗ quý pơ mu, sa mu dầu, sau đó tìm cách vận chuyển qua các cửa khẩu, lối mở để đưa về Việt Nam tiêu thụ.
Trưởng đoàn Bùi Văn Hiền đề nghị các thành viên tham gia cuộc họp của huyện Xăm Tảy quan tâm đến công tác bảo vệ rừng, cung cấp, trao đổi thông tin, cùng thảo luận về các giải pháp… Ông Hiền khẩn thiết: “Những thông tin cán bộ chức năng huyện Xăm Tảy cung cấp sẽ giúp huyện Quế Phong và các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An nắm bắt chính xác hơn tình hình thực tế. Từ đó, sẽ đề ra được những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ rừng biên giới và xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật…”.
Sau ý kiến của Trưởng đoàn Bùi Văn Hiền, các cán bộ huyện Xăm Tảy, từ Quyền Chủ tịch Phon Chăn cho đến Đại đội trưởng Biên phòng, Thiếu tá Khăm Xa Vẳn đều phát biểu với quan điểm đồng tình phối hợp với các cơ quan chức năng huyện Quế Phong thực hiện các giải pháp bảo vệ rừng vùng biên giới.
Đáng lưu ý là ý kiến của Phó Chủ tịch huyện Xăm Tảy, ông Thong Vắng, cho hay rằng, những năm trước đây Chính phủ Lào thực hiện làm đường tuần tra biên giới nhưng do không có kinh phí nên đã cho doanh nghiệp thi công được khai thác gỗ (của Lào) để bù vào. Dọc theo tuyến đường này, có các bản làng người Mông, có nhiều người không phân biệt đâu là đất rừng Việt Nam, đâu là đất rừng Lào. Họ lại có tập quán đốt nương làm rẫy nên vô tình vi phạm pháp luật của Việt Nam. Cũng theo ông Thong Vắng, đáng nói nhất là có một số đối tượng đầu nậu là người Việt Nam thường xuyên qua lại huyện Xăm Tảy cấu kết với các đối tượng Lào vào các bản thu mua cây gỗ. Do đời sống khó khăn nên người dân các bản biên giới của Lào đã xâm nhập vào các vùng rừng biên giới Việt Nam khai thác trái phép gỗ pơ mu, sa mu dầu bán cho các đối tượng này. Phó Chủ tịch huyện Xăm Tảy đề nghị: “Hiện nay Chính phủ Lào đã có chỉ thị cấm khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ rừng. Vì vậy, Đồn Biên phòng Thông Thụ nên tập trung theo dõi nắm bắt các đối tượng đầu nậu hoặc doanh nghiệp Việt Nam sang thu mua gỗ ở Lào. Nếu có thông tin, kịp thời báo cho huyện Xăm Tảy để phối hợp xử lý. Bên cạnh đó, cũng cần nắm bắt các phương tiện, nhất là các loại xe trọng tải lớn và đi xe không qua biên giới. Những phương tiện như vậy, thường sử dụng để vận chuyển gỗ…”.
Là người phụ trách lực lượng kiểm lâm của huyện bạn, ông May Lả – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Xăm Tảy khẳng định, các loại gỗ pơ mu, sa mu dầu nếu bán cho doanh nghiệp Lào thì giá rất thấp, không đủ chi phí. Thế nên việc người dân các bản biên giới huyện Xăm Tảy khai thác gỗ là để bán cho doanh nghiệp, đầu nậu người Việt Nam. Vì vậy, cần triệt để ngăn chặn các đối tượng này. Ông May Lả cũng cho hay, huyện Xăm Tảy có 6 trạm biên phòng, tại đây đều có cắm một cán bộ kiểm lâm để kiểm soát việc vận chuyển gỗ qua lại biên giới Việt – Lào. Tuy nhiên, ông nói rằng không tin cán bộ của mình, có thể họ vẫn cho phương tiện chở gỗ lậu lọt đi. “Cần làm chặt. Làm một vụ cho rõ ràng. Cần làm rõ đầu nậu là đối tượng nào, phương tiện nào vận chuyển gỗ, mua gỗ của ai?… Nếu làm được như vậy, tình trạng khai thác trái phép gỗ rừng biên giới sẽ được ngăn chặn triệt để” – ông May Lả đề xuất.
Trước ý kiến thẳng thắn của các ông Thong Vắng, May Lả, Trung tá Nguyễn Tiến Dũng – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thông Thụ và Phó Giám đốc Khu BTTN Pù Hoạt Nguyễn Văn Hiếu đề nghị cung cấp danh tính đầu nậu thu mua gỗ lậu để tập trung điều tra làm rõ. Ông May Lả trả lời: “Khi xử lý các vụ khai thác trái phép gỗ rừng, chúng tôi được người dân nói bán cho đầu nậu Việt Nam. Người dân nói có một ông tên là X, không rõ ở đâu; có một ông tên là T ở huyện Nghĩa Đàn; còn một ông tên B thì ở huyện Quế Phong…”.
13h30’ cùng ngày, Đoàn công tác tỉnh Nghệ An có mặt ở huyện Mường Quắn. Cuộc họp với cán bộ chức năng huyện Mường Quắn diễn ra cởi mở. Vì như Phó Chủ tịch huyện Mường Quắn, ông Đao Phết Phon Xa Văn trao đổi thì gỗ lậu ở Mường Quắn chỉ có thể đưa ra huyện Xăm Tảy, từ đó theo các ngả về Việt Nam; còn danh tính các đối tượng đầu nậu Việt Nam thì như Đoàn công tác đã nhận được thông tin trước đó. “Ở Xăm Tảy hay Mường Quắn thì cũng đều là những đối tượng đó…” – ông Đao Phết Phon Xa Văn khẳng định. Hai bên thống nhất đề nghị dừng họp để thực tế bản Đẹn Đín (giáp xã Tri Lễ của huyện Quế Phong). Bản Đẹn Đín cách trung tâm Mường Quắn khoảng 30 km, tuy nhiên di chuyển được nửa chặng thì đoàn phải quay trở lại do nước sông từ thượng nguồn đổ về quá lớn cắt đứt tuyến đường độc đạo…
Dẫu chuyến đi bản Đẹn Đín không thành nhưng chúng tôi – thông qua Đội phó Kiểm lâm Pù Hoạt, anh Quang Văn Tuấn – đã thu thập được khá nhiều thông tin. Quang Văn Tuấn là người Thái, am hiểu tiếng Lào, từng nhiều lần qua lại Mường Quắn và Xăm Tảy nên thông thạo đường đi, lối lại. Đặc biệt, Tuấn như một “thợ săn” lành nghề, có thể phát hiện và xử lý nhanh gọn những dấu hiệu khả nghi.
Trên con đường núi độc đạo, khúc khuỷu dẫn đến bản Đẹn Đín, có một số lều lán tạm bợ dựng hai bên. Trong số đó, Quang Văn Tuấn phát hiện ra có đến 3 lều lán của người Nghệ An và có một lều chứa gỗ đã sơ chế. Dừng xe lại đây, Tuấn bắt chuyện với một trung niên dáng cao gầy. “Anh người Nghệ An chi. Em cũng người Nghệ An đây…” – Tuấn vồn vã. Qua cách nói chuyện rất “tự nhiên” của Tuấn, trung niên này nhận là người xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu cho biết, sang Mường Quắn “chơi” đã được 2 tuần… Tuấn nói với chúng tôi: “Đối tượng đấy!…”.
Cũng ở lân cận khu vực này, Quang Văn Tuấn nói chuyện rất lâu với một người đàn ông Lào đã cao tuổi. Kết thúc cuộc trao đổi, Tuấn cho hay anh muốn thông qua những người cao tuổi ở địa phương này để nắm bắt tình hình, vì “người cao tuổi họ biết nhiều và thật hơn…”. Có nắm được thông tin gì không? Tuấn đáp: “Ông già người Lào nói mấy hôm nay nước sông lớn thì không thấy, còn trước đó thì có. Về đêm, gỗ vẫn được chuyển ra trên tuyến đường này bằng xe ô tô…”.
Trở lại Mường Quắn, chúng tôi tách đoàn đi vòng quanh các khu dân cư. Ở một cụm dân cư dẫn vào khu trung tâm huyện, Quang Văn Tuấn phát hiện có 2 nhà dân tập kết gỗ. Một nhà trùm bạt kín đống gỗ phiến, còn một nhà gỗ phiến để ngổn ngang. Tuấn hạ kính cửa xe để tôi ghi lại hình ảnh, và nói: Gỗ này không có dấu hiệu hợp pháp. Cũng là hàng lậu đấy!