Vọng về núi lở
Hai xã Phong Xuân và Phong Mỹ trong ngày 15-10 vẫn còn ngổn ngang gò đống sau những ngày mưa vùi gió dập. Khắp nơi, người dân chung tay hỗ trợ nhau dọn dẹp nhà cửa, cây cối đổ gãy để ổn định cuộc sống. Nhưng nỗi đau lớn hơn thế lại nằm ở vùng rừng núi thuộc khu vực thủy điện Rào Trăng 3, nơi vừa xảy ra trận lở núi khiến hàng chục người mất tích, trong đó có 13 cán bộ, lãnh đạo và chiến sĩ bộ đội đang đi cứu nạn, cứu hộ những công nhân làm thủy điện bị sạt lở núi vùi lấp.
Người dân xã Phong Xuân mang rau xanh, góp công sức đỏ lửa nấu ăn tiếp sức cán bộ, chiến sĩ
Gặp chúng tôi từ đầu xã Phong Xuân, ông Bùi Văn Thành (56 tuổi) lo lắng: “Mấy năm nay thủy điện đổ về rừng Phong Xuân rất nhiều. Người ta mở đường xẻ núi để làm thủy điện khiến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Đoạn đường rừng từ trung tâm xã Phong Xuân vào thủy điện Rào Trăng 3 đã xảy ra hàng chục điểm sạt lở núi, với khối lượng đất, đá rất lớn. Hiện vẫn còn rất nhiều người dân đi làm rừng, công nhân làm thủy điện đang bị mắc kẹt trong rừng vì sạt lở. Trước đó, để đi ứng cứu những người mắc kẹt trong rừng, đoàn cán bộ, lãnh đạo và chiến sĩ gồm 21 người đã vượt rừng tìm kiếm họ nhưng không may gặp phải sạt lở núi và 13 người mất tích. Tin dữ này khiến dân làng Phong Xuân rất xót xa…”.
Để tiếp cận tìm kiếm, cứu nạn những người mất tích ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng Bộ Quốc Phòng đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an… khẩn trương chia làm 3 mũi (đường không, đường bộ, đường thủy) vào rừng ngay từ chiều 12-10. Và liên tục từ ngày 12 đến ngày 15-10, hàng trăm lượt xe quân đội, cứu thương, xe tăng, máy móc cơ giới, flycam cùng trang thiết bị hiện đại được huy động để tìm kiếm.
Lực lượng tìm kiếm cứu nạn đang tiếp cận, tìm kiếm người mất tích ở hiện trường vụ sạt lở ở Tiểu khu 67
Trưa 15-10, trao đổi với báo chí, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề cập đến những khó khăn trong công tác tìm kiếm người mất tích ở Rào Trăng 3.
“Khối lượng sạt lở rất lớn, chúng tôi buộc phải huy động, tăng cường thêm 1 mũi cơ giới khác để tiếp cận hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn. Ngoài tìm kiếm ở các điểm sạt lở, chúng tôi còn huy động thêm lực lương tập trung tìm kiếm ở các khu vực nghi vấn dọc các dòng sông, suối…”, ông Định nói.
Hậu phương góp sức đợi các anh
Trong ngày 15-10, tại Sở chỉ huy tiền phương ở xã Phong Xuân (phục vụ công tác tìm kiếm), hàng trăm người dân cùng với các cô giáo đã lập nhiều bếp lửa để quyên góp công sức, vật chất, tinh thần cho hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tìm kiếm người mất tích ở rừng Rào Trăng.
Từ mờ sáng, bà Nguyễn Thị Tám bắt con gà mái giống rồi chạy ra vườn hái thêm vài trái đu đủ còn sót lại sau mưa lũ đem đến Trường Tiểu học Phong Xuân, nơi có đoàn bộ đội đang đóng quân để ủng hộ.
Người dân Phong Xuân đến quyên góp, ủng hộ từng con gà, trái bầu, bắp chuối...
Bà Tám năm nay đã 80 tuổi, con cái đã lớn, ra ở riêng nên chỉ có 2 ông bà ở với nhau. Cơn bão số 5 vừa qua đã làm ngôi nhà của bà bị sập mái, nhờ có dân quân địa phương và bộ đội đến giúp nên hai vợ chồng bà mới có chỗ trú mưa nắng mấy hôm nay. “Khi mình hoạn nạn thì bộ đội đến giúp, giờ nghe tin bộ đội gặp nạn, tôi mang con gà đến ủng hộ, động viên giúp các chú bộ đội sớm tìm được người mất tích…” bà Tám nói.
Căn nhà của bà Nguyễn Thị Quế (70 tuổi, ở thôn Bình An, xã Phong Xuân) vẫn nhão nhoẹt bùn đất vì lụt vừa rút. Nghe bộ đội đến tìm kiếm người mất tích, bà tạm gác chuyện nhà, mang theo nhiều rau, củ, quả cùng vài cân thịt đến ủng hộ bếp ăn bộ đội.
Ngoài góp lương thực, thịt, trứng và rau xanh cho bếp ăn, người dân Phong Xuân còn góp công sức, túc trực ngày đêm để nấu ăn cho bộ đội. Nhiều người dân còn sắp xếp chỗ ăn ở miễn phí cho người thân của các nạn nhân mất tích để ngóng đợi tin tức.
Đang tay lặt bó rau muống, bà Trần Thị Tích (61 tuổi) rớm nước mắt khi chúng tôi nhắc đến công tác tìm kiếm người mất tích ở hiện trường vụ sạt lở núi. “Cũng xót xa vì người đã mất nhưng nhìn cảnh hàng trăm bộ đội đang lặn lội rừng núi nguy hiểm, tôi lại thấy thương các chú ấy. Mong sao cho trời không còn mưa to, để công tác tìm kiếm thuận lợi, sớm tìm thấy và các chú ấy sớm về với gia đình, vợ con…”, bà Tích rơm rớm nước mắt.
Bà Trần Thị Tích (61 tuổi) rớm nước mắt kể
Phụ nữ Phong Xuân hỗ trợ bộ đội nấu ăn, lo công tác hậu cần
Chung tay với người dân Phong Xuân, Trường Tiểu học Hòa Mỹ (huyện Phong Điền) huy động tất cả các giáo viên, cán bộ, công nhân viên của trường đến túc trực tại các bếp lửa ở Sở chỉ huy tiền phương Phong Xuân để nấu ăn, lo công tác hậu cần tiếp sức cho đoàn tìm kiếm, cứu nạn.
Cô giáo Phạm Thị Thúy Diễm (Trường Tiểu học Hòa Mỹ) chia sẻ: “Nghe tin bộ đội về rừng Phong Xuân để tìm kiếm, cứu nạn những người mất tích, Ban giám hiệu nhà trường đã huy động tất cả nhân lực của trường để đến hỗ trợ hậu cần cho đoàn tìm kiếm. Bữa nay đang mưa lũ nên học sinh chưa trở lại trường, tranh thủ thời gian này chúng tôi sẽ túc trực 24/24 giờ để nấu ăn cho các bộ đội tìm kiếm đến khi nào học sinh trở lại trường”.
Hậu phương "đỏ lửa" tiếp sức cho rừng Rào Trăng 3
Trung tá Mai Văn Thanh, Phó Đồn trưởng, Tham mưu Trưởng Đơn vị Công binh 414, Bộ tư Lệnh Quân khu 4, bày tỏ: “Sau khi khi đơn vị hành quân thực hiện nhiệm vụ được bà con xã Phong Xuân, nơi đơn vị đóng quân, rất nhiệt tình giúp đỡ. Dù gặp nhiều khó khăn sau bão lũ nhưng bà con vẫn mang bó rau, quả mướp đến cho bộ đội ăn để lấy sức thực hiện nhiệm vụ. Cán bộ chiến sĩ sẽ quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ, đặc biệt đảm bảo an toàn”.
Người dân chạy theo đưa nén nhang cho chiếc xe chở thi thể 13 người mất tích vừa được tìm thấy
Tối 15-10, tin từ vùng rừng dữ vẫn liên tục báo về. Lực lượng chức năng đã tìm thấy được thi thể của 13 người mất tích.
Đại ngàn Phong Xuân ngổn ngang giữa những ngày mưa lũ bão bùng, u uất tiếng đồng đội gọi nhau đau đớn tột cùng. Đã không có một phép màu nào xảy ra!