Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên tuổi thơ của Hằng không được êm đềm như chúng bạn cùng trang lứa. Là chị cả trong gia đình có 3 chị em, từ nhỏ Hằng đã phải phụ giúp cha mẹ buôn bán để lo cho cái ăn cái mặc của cả nhà. Tuy nhiên, sóng gió bắt đầu đổ ập xuống gia đình nhỏ của Hằng khi vào lớp 1 khi người cha trụ cột bập vào ma túy.
Cũng từ đó, bao nhiêu tài sản tích cóp được lần lượt đội nón ra đi sau mỗi lần cha lên cơn “vã’ ma túy. Cuộc sống khó khăn nay càng eo hẹp, Hằng phải bỏ giữa chừng khi đang học lớp 5, ở nhà nhà phụ giúp mẹ bán hàng ngoài chợ. Năm 17 tuổi, ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, Hằng phải rời xa mẹ, theo người quen ra Móng Cái để bán quần áo thuê, mong có tiền để phụ giúp mẹ lo cho các em. Tuổi trẻ bồng bột, thiếu kinh nghiệm trong làm ăn buôn bán, với tham muốn kiếm được nhiều tiền để gửi về giúp mẹ, Hằng nghỉ việc bán quần áo tại chợ Móng Cái, rồi chuyển sang nhập hàng quần áo, chủ yếu là quần bò, rồi mang về giao cho các chợ đầu mối. Công việc làm ăn thua lỗ, Hằng lâm vào cảnh nợ nần chống chất. Đang trong lúc túng bấn, không tìm được lối thoát, Hằng quen Nguyễn Hữu Đáng, sinh 1973, ở xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam- một kẻ giang hồ có máu mặt, chuyên cung cấp ma túy với số lượng lớn. Không làm chủ được bản thân, Hằng đã đẩy cuộc đời mình vào vòng lao lý khi cùng Nguyễn Hữu Đáng lấn sâu vào kinh doanh, buôn bán “tử thần trắng”.
Tử tù Đỗ Thị Hằng (Ảnh Hồng Hải)
Tử tù Đỗ Thị Hằng kể lại: Đó là vào năm 2006, Hằng quen Đáng trong khu nhà trọ ở Móng Cái. Đáng lúc đó đang phải gà trống nuôi con khi người vợ qua đời do nghiện ma túy, bỏ lại cho chồng cậu con trai lúc đó mới tròn 2 tuổi. Không có tiền lo cho con, Đáng lao thân vào buôn bán ma túy, năm 2006, bị TAND tỉnh Quảng Ninh kết án 8 năm tù, con trai phải gửi về quê ở với ông bà nội. Cuối năm 2011, Đáng được đặc xá, rồi về quê đón con trai ra Móng Cái để mưu sinh. Do công việc làm ăn, Đáng thường xuyên bỏ mặc con ở một mình trong phòng trọ. Và Hằng thương cu Trọng, con trai của Đáng như con ruột của mình và chẳng biết từ khi nào là chỗ dựa duy nhất của bố con Đáng. Cũng chính tình thương dành cho bé Trọng của Hằng đã kết nối tình cảm của Hằng và Đáng. Cuối năm 2012, Hằng dẫn Đáng về Dương Kinh để ra mắt bố mẹ. Biết được con rể tương lai có quá khứ chẳng gì tốt đẹp, là kẻ giang hồ từng ra tù vào tội, nên bố mẹ Hằng phản đối kịch liệt. Bỏ ngoài tai những lời khuyên của cha mẹ, Hằng vẫn quyết định tổ chức đám cưới, nên duyên vợ chồng với Đáng. Hằng cũng không thể ngờ rằng, từ ngày về sống chung với Đáng, Hằng đã đẩy cuộc đời mình vào ngõ cụt không lối thoát…
Sống chung với nhau được một thời gian, Hằng mới biết chồng mình có máu cờ bạc và trai gái và còn là một tay buôn bán ma túy có máu mặt. Khách trao đổi ma túy với Đáng chủ yếu bên Trung Quốc, còn mối “hàng” nhập là của Bùi Văn Kỳ, sinh 1965, ở xã Minh Đức, huyện Thủy Nguyên. Có lần Đáng gửi Hằng cầm hộ 200 triệu đồng, đó là tiền Đáng mua của Kỳ 1 bánh heroin, sau đó Đáng mang “hàng” ra Quảng Ninh, giao cho một đối tượng người Trung Quốc, lãi 20 triệu đồng. Số tiền đó, bằng cả vài tháng Hằng phải đầu tắt mặt tối buôn bán quần áo ngoài chợ. Không phải nắng mưa vất vả mà lại rủng rỉnh tiền tiêu nhờ buôn bán “tử thần trắng” khiến Hằng lóa mắt, để rồi thị tiếp tục dấn thân vào con đường chết.
Trong khoảng thời gian từ cuối tháng 12-2012 đến tháng -2013, Hằng đã trực tiếp nhận của Kỳ gửi từ Hải Phòng ra Móng Cái 5 bánh ma túy và giao sang Trung Quốc. Hằng cũng nhận 3 thùng, với 3.000 viên thuốc lắc từ Trung Quốc về bán lại cho Kỳ để kiếm lời… Khi đường dây buôn bán ma túy liên tỉnh do đối tượng cầm đầu Đỗ Huy Hoàng ở Hà Nội bị bóc gỡ và ông “ông trùm” Bùi Văn Kỳ bị sa lưới, cũng là lúc mọi di biến động của Hằng đều nằm trong tầm ngắm của lực lượng công an. Ngày 31-7-2013, Đỗ Thị Hằng Thị Hằng bị lực lượng phòng chống tội phạm ma túy C47, Bộ Công an bắt giữ tại Móng Cái khi đang chuyển bị đi giao 1,7g “đá” và 500 viên thuốc lắc cho khách.
Tại phiên sơ thẩm của TAND TP Hải Phòng vào ngày 23-11-2015, bị cáo Nguyễn Thị Hằng cùng 6 bị cáo khác trong vụ án bị kết án tử hình về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, còn Nguyễn Hữu Đáng nhận mức án 20 năm tù. Từ ngày Hằng bị kết án tử hình, mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng người mẹ già vẫn bươn chải để có tiền gửi lưu ký hàng tháng cho con gái.
Những ngày sống trong buồng biệt giam để chờ ngày thi hành án, tử tù Đỗ Thị Hẳng luôn day dứt về những việc làm sai trái của mình đã qua. Giá như Hằng không quen Đáng, giá như Hằng biết khuyên chồng nên dừng lại để chung tay làm ăn chân chính, cùng vun đắp cho mái ấm gia đình hạnh phúc thì Hằng sẽ không phải nhận kết cục đắng, bị cướp đi cái quyền được sống của một con người. Phải đối mặt với bản án tử hình, tử tù Đỗ Thị Hằng vô cùng hối hận nhưng tất cả đều đã quá muộn…