Người Sài Gòn uống trà

Huy Hoàng

Sài Gòn mang đặc tính khí hậu phương Nam cận miền xích đạo, nắng nhiều, nóng nhiều, có lẽ thế mà các loại thức uống cũng rất phong phú, và rất nhiều loại được biến tấu trở thành “thương hiệu” rất đặc trưng của Sài Gòn, đặc biệt là trà. Người Sài Gòn có kiểu uống trà vừa bình dân vừa sang trọng và có ảnh hưởng không nhỏ trong phong cách uống trà của người Việt hiện nay.

Trà đá một thức uống kỳ lạ

Trà đá Sài Gòn, một thức uống bình dân kỳ lạ nhưng lại có đẳng cấp vào nhà hàng 5 sao. Tháng 4/1975, có lẽ ấn tượng nhất với những người lính Giải phóng khi vừa bước vào cửa ngõ Sài Gòn đã được bà con tiếp tế không chỉ thực phẩm mà còn là những bình trà đá mát lạnh, loại thức uống “Made in Sài Gòn” khá lạ lẫm với những người lính giải phóng quê miền Bắc, có thể thỏa cơn khát cháy họng  tức thì trong cái nắng như nung cuối mùa khô phương Nam.

Với những người từ miền Bắc vào Nam, vào Sài Gòn, trà đá là một loại nước giải khát kỳ lạ, không chỉ sự phổ biến từ vỉa hè, quán xá bình dân mà ngay cả trong các bữa tiệc cưới trong nhà hàng 5 sao cũng có ly trà đá vàng óng mát lạnh  hiện diện. Điều đặc biệt là trà đá gần như một thức uống miễn phí không tính số ly khi khách uống trong các tiệm cơm, quán café, nhà hàng ăn…

Mấy năm trở lại đây, trà đá là thức uống miễn phí được nhiều nhà hảo tâm để sẵn ở các ngã ba, ngã tư đường phố phục vụ những người đi đường trong cái nắng nóng phương Nam.

Trà đá được pha một cách giản đơn, gần như  ai cũng có thể làm được. Trà thường dùng là trà được trồng ở cao nguyên Lâm Đồng, nơi có thời tiết ôn đới khá thích hợp cho cây trà phát triển. Trà đã được sao khô, để nguyên mùi trà hay có thể ướp thêm hương hoa nhài, hoa sen, hoa cúc…, khi pha bỏ cả nắm lớn vào cái bình to, đổ nước sôi vào cho “ra” trà hơi đậm đặc, khi muốn có ly trà đá, chỉ cần rót ra chừng nửa ly, cho đá vào đầy ly, thế là có một ly trà đá mát lịm, giải cơn khát ngay lập tức.

Trà đá miễn phí phục vụ khách qua đường

Mà uống trà đá cũng rất tùy ý. Khát, có thể ừng ực một hơi hết ly cho đã. Nhưng khi là ly nước tráng miệng sau bữa ăn thì có thể nhấp từng ngụm, uống từ từ... Mà cũng có khi ly trà đá là để thấm giọng ngồi “tám” với nhau thật dài mà vẫn ngọt.

Trà đá Sài Gòn giản đơn thế,  nhưng trở thành một “thương hiệu” vào cả những cuốn sách hướng dẫn du lịch quốc tế, trở thành một nét văn hóa của người Sài Gòn.

Thú vị nhất, trà đá đã có một cuộc ngược đường thiên lý ra miền Bắc, dừng chân ở Hà Nội, rồi tỏa đi các tỉnh thành phía Bắc, thậm chí còn “len lỏi” ở cả xứ trà Thái Nguyên, cùng sánh vai với phong cách uống trà truyền thống…

Trà chiều, một kiểu uống trà nhập ngoại

Người Sài Gòn còn có kiểu uống trà chiều. Kiểu uống trà này được du nhập, bắt đầu từ những người Hoa lập nghiệp ở Sài Gòn - Chợ Lớn từ mấy trăm năm trước, với các loại trà có những tên gọi đặc trưng theo sở thích, thói quen của họ: Trà Ô Long, trà Thiết Quan Âm, trà Phổ Nhĩ, trà Long Tỉnh, trà Mao Phong, trà Đại Hồng Bào… Sau là từ những người phương Tây chủ yếu là Pháp, Anh và Mỹ  với các loại trà túi lọc, phổ biến nhất là trà Lipton, rồi đến các loại trà túi lọc có ướp hương vị trái cây như dâu, đào, nho…, hay mùi hương cây gia vị như bạc hà, quế, gừng… : Dihmal, Ahmad, Cozy…

Trà chiều như một kiểu uống trà thư giãn vào khoảng 15 - 17giờ hay để tiếp tục một cuộc giao tiếp để tạo không khí nhẹ nhàng, ấm cúng mang tính thân tình. Trà chiều thường được uống trong một nhà hàng, hay tiệm bánh ngọt. Trà được bỏ trong một cái bình thủy tinh hay bằng sứ mang hình dáng ấn tượng tùy theo loại trà, đổ đầy nước, cùng vài cái tách nhỏ xinh. Kèm theo trà thường có những loại đồ ngọt như các loại bánh kem, cake, biscuit, cookies, scone, whipped cream, Texture, Ceme brulee, Velvet …, hay có thể thức ăn nhẹ như một cái patecheau, croissant theo phong cách Tây; há cảo, bánh bao, sủi cảo, bánh trung thu… theo phong cách của người Hoa; hoặc các loại mứt sen, mứt bí, mứt gừng, trái khô… theo phong cách Việt.

Ở Sài Gòn, trong các khách sạn 5 sao đều có một không gian riêng dành cho trà chiều. Thường là một không gian được thiết kế tinh tế, trang trọng, với những cây lá cỏ hoa thoang thoảng hương dịu nhẹ và du dương tiếng nhạc êm dịu … Đặc biệt ở đây có thể xem là một sưu tập các loại trà của thế giới, ít nhất là trên 50 loại, có nhà hàng lên tới cả trăm loại trà, trong đó có mặt vài loại trà danh tiếng của các vùng trà Lâm Đồng, Thái Nguyên, Hà Giang…

Trà chiều ở Sài Gòn là một cách thư giãn nhẹ nhàng mà tao nhã, đôi khi như một sự sang chảnh thời thượng chiều chuộng bản thân mình. Thả mình trong chiếc ghế êm, trong không gian thơm mùi lá trà, mùi bánh ngọt, nghe vài khúc nhạc êm đềm… Và nếu như trên tay có thêm một cuốn sách vừa mua… Có thể đắm mình trong một buổi chiều thi vị.

Sài Gòn không phải xứ trà, nhưng có lẽ hai “style” uống trà, từ trà đá đến trà chiều, có thể xem như phong cách văn hóa uống trà của người Sài Gòn rất khó lẫn với các kiểu uống trà ở các vùng miền khác, đồng thời góp vào văn hóa uống trà Việt thêm nét đa dạng và phong phú./.