Tôi là Nguyễn Thị Hiền (53 tuổi, quê Hà Tây) làm nghề bán bánh khúc dạo ở Hà Nội đã được 24 năm. Các con của tôi đều đã lớn và có gia đình riêng. Chồng tôi ở quê chăm nom nhà cửa và một mẫu ruộng. Còn tôi tiếp tục lao động trong thành phố, khi nào nhà có việc thì về.
Từ ngày tôi bé, sáng nào mẹ tôi cũng dậy sớm thổi xôi khúc đem bán. Mùi hương của lá khúc, của đậu xanh, thịt mỡ, tiêu, hành… cứ vậy theo tôi từ ngày còn thơ ấu. Sau này, nó trở thành cái nghề gắn với tôi hơn nửa cuộc đời.
Mỗi ngày, tôi bán được tầm 100 chiếc bánh khúc. Mẻ bánh được bắc bếp từ lúc 14h đến 16h30 thì vừa chín.
Tôi bán bánh khúc chủ yếu từ tối đến đêm muộn. Tùy từng ngày, hôm nào hết bánh, về sớm thì 23h-1h. Hôm nào bánh còn nhiều, tôi sẽ cố đạp xe thêm vài con phố và về nhà vào lúc 2h.
Mấy ngày gần đây thời tiết Hà Nội lạnh buốt. Trước khi ra khỏi nhà, tôi phải chuẩn bị kỹ càng khăn, áo để tránh rét.
18h, tôi bắt đầu đạp xe đi bán. Chiếc xe này cũng gắn bó với tôi cả mấy chục năm nay. Phía trước giỏ xe để giấy gói, vừng, có thêm chiếc nón, cái áo mưa. Phía sau xe là chõ bánh khúc nóng hổi, đầy ắp được tôi ủ bằng vải lót xung quanh. Không thể thiếu đó là chiếc loa với những câu rao quen thuộc: “Bánh khúc đây, bánh khúc nóng nào”.
Cũng đã lớn tuổi, nhưng chẳng bao giờ tôi nghĩ đến việc bỏ nghề làm bánh khúc. Có lần tôi ốm nặng, phải nghỉ nửa tháng ở nhà. Lúc ấy thấy nhớ mùi hương của bánh, nhớ cả những con ngõ Hà Nội đến cồn cào.
Đạp xe quanh làng Vạn Phúc, chợt có tiếng gọi “Bánh khúc ơi!”. Tiếng gọi nhỏ, từ xa vọng lại. Nhưng vì đã quá quen với những âm thanh ấy, tôi liền dừng xe, cất tiếng trả lời.
Đứa nhỏ lễ phép chào tôi rồi hỏi mua 2 phần bánh khúc để ăn bữa đêm. Vì chỉ thấy hai anh em, tôi đưa bánh khúc qua ô trống rồi dặn chúng không được mở cửa khi đêm tối.
Bánh khúc dễ bảo quản, không cần đến tủ lạnh. Tuy nhiên để bánh luôn ngon và dẻo, tôi thường chỉ bán trong ngày.
22h, tôi gặp Thắm – một lao công làm việc trên đường Đội Cấn. Cứ ngày nào làm ca trực đêm, cô ấy cũng ăn bánh khúc của tôi. Chúng tôi còn cho nhau số điện thoại, hôm nào không thấy tôi qua, cô ấy sẽ gọi điện. Cùng là những người lao động vất vả nên mỗi phần bánh khúc của Thắm tôi đều ắp thêm chút xôi, bỏ thêm nhiều vừng để cô ấy ngon miệng.
Đồng hồ điểm 0h, lúc này nhiệt độ chỉ 12-13 độ C, đôi tay tôi cứng lại vì gió buốt. Còn hơn chục chiếc bánh nữa. Tầm này người dân ít ra đường nên tôi sẽ đạp xe vào những con hẻm sâu, mong rằng có khách.
“Cô Hiền ơi, cô ơi”, tôi ngoảnh lại khi nghe thấy tiếng gọi. Là Vân Anh, cô gái vẫn thường mua bánh khúc đêm. Tôi gặp Vân Anh chừng 2 tháng trước, vào một đêm mưa rào. Khi ấy tôi cố dắt xe bánh đi bán, còn cô bé thì đứng từ trên nhà gọi với xuống rồi mua liền lúc 5 chiếc. Từ đấy cô bé trở thành khách quen, cứ cách vài ba ngày lại mua bánh, lúc nào cũng cười tít mắt, khen khúc thơm và dẻo.
"Nay chị còn nhiều không? Em ế mất rồi nhưng lạnh quá, chắc chuẩn bị về thôi", một chiếc xe đạp dừng trước mặt, tôi nhận ra đó là Điệp, cô bạn bán xôi đêm mà tôi quen từ ngày mới lên Hà Nội. Tôi dừng lại trò chuyện với Điệp một lúc. Đêm nay lạnh quá, chúng tôi sẽ cố bán thêm rồi về nghỉ sớm.
Đêm đã muộn, tôi chuẩn bị đi về và tranh thủ bán dọc đường. Tiếng rao bánh khúc vẫn đều đều cùng chiếc xe đạp trên phố. Hà Nội mấy mươi năm qua đã thay đổi nhiều lắm. Chỉ có cái tĩnh mịch về đêm là vẫn như vậy. Vừa vui vẻ đạp xe, tôi vừa hy vọng hôm nay sẽ hết hàng.