Suy thận là gì?
Suy thận hay tổn thương thận là tình trạng suy giảm chức năng của thận. Có nhiều nguyên nhân và bệnh lý dẫn đến suy thận.
Về thời gian mắc bệnh, người ta thường chia thành hai nhóm bệnh là suy thận cấp (thuật ngữ chuyên môn gọi là tổn thương thận cấp) và suy thận mạn (thuật ngữ chuyên môn gọi là bệnh thận mạn).
- Suy thận cấp diễn ra trong vòng vài ngày và có thể phục hồi hoàn toàn hoặc một phần chức năng thận sau khi được điều trị thích hợp trong một vài tuần.
- Suy thận mạn là quá trình tiến triển không phục hồi chức năng thận. Các biện pháp điều trị trong suy thận mạn chỉ nhằm làm chậm diễn tiến của bệnh, ngăn ngừa biến chứng. Khi chức năng thận giảm đến 90%, người bệnh bị suy thận nặng và cần được điều trị thay thế thận bằng chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc hoặc ghép thận.
Nguyên nhân dẫn đến suy thận
Suy thận cấp
Nguyên nhân thường gặp bao gồm:
+ Chấn thương gây mất máu
+ Mất nước
+ Tổn thương thận từ nhiễm trùng huyết
+ Phì đại tuyến tiền liệt
+ Tổn thương thận do một số loại thuốc hoặc chất độc
+ Biến chứng trong thai kỳ, như sản giật và tiền sản giật hoặc liên quan đến hội chứng HELLP
Suy thận mạn
+ Bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp
+ Viêm cầu thận
+ Viêm ống thận mô kẽ
+ Bệnh thận đa nang
+ Tắc nghẽn kéo dài đường tiết niệu, có thể do phì đại tuyến tiền liệt, sỏi thận và một số bệnh ung thư
+ Trào ngược bàng quang niệu quản gây ra tình trạng nước tiểu trào ngược lên thận
+ Viêm đài bể thận tái phát nhiều lần
Các triệu chứng của suy thận
Triệu chứng suy thận phát triển theo thời gian nếu tổn thương thận tiến triển chậm và thường không đặc hiệu. Vì thận có khả năng bù trừ rất tốt, nên ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng. Đến khi xuất hiện triệu chứng thì bệnh đã ở giai đoạn trễ.
Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:
+ Buồn nôn, nôn
+ Chán ăn
+ Mệt mỏi, ớn lạnh
+ Rối loạn giấc ngủ
+ Thay đổi khi đi tiểu: tiểu nhiều vào ban đêm, nước tiểu có bọt, lượng nước tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường, nước tiểu có màu nhạt hơn hay đậm hơn bình thường, nước tiểu có máu, cảm thấy căng tức hay đi tiểu khó khăn, ...
+ Giảm sút tinh thần, hoa mắt, chóng mặt
+ Co giật cơ bắp và chuột rút
+ Nấc
+ Phù chân, tay, mặt, cổ
+ Ngứa dai dẳng
+ Đau ngực (nếu có tràn dịch màng tim)
+ Khó thở (nếu có phù phổi)
+ Tăng huyết áp khó kiểm soát
+ Hơi thở có mùi hôi
+ Đau hông lưng
Các yếu tố làm tăng nguy cơ suy thận
Các yếu tố làm tăng nguy cơ suy thận cấp bao gồm:
Tình trạng bệnh cần nhập viện, đặc biệt là đối với tình trạng nghiêm trọng đòi hỏi phải chăm sóc đặc biệt:
+ Tuổi cao
+ Bệnh động mạch ngoại vi làm tắc nghẽn mạch máu ở tay chân
+ Bệnh đái tháo đường
+ Bệnh tăng huyết áp
+ Bệnh suy tim
+ Bệnh thận khác
+ Bệnh gan
Yếu tố có thể làm tăng nguy cơ suy thận mạn bao gồm:
+ Bệnh đái tháo đường
+ Bệnh tăng huyết áp
+ Bệnh tim
+ Hút thuốc lá
+ Béo phì
+ Có nồng độ cholesterol trong máu cao
+ Tiền sử gia đình mắc bệnh thận
+ Từ 65 tuổi trở lên
Cách phòng ngừa bệnh suy thận
Bệnh suy thận là một trong những bệnh lý nguy hiểm nhưng chúng ta hoàn toàn có thể giảm nguy cơ bị suy thận theo những lời khuyên dưới đây:
- Quản lý các bệnh khác một cách hiệu quả.
- Thận trọng khi dùng thuốc không kê đơn.
- Duy trì cân nặng hợp lý. Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Bao gồm ăn ít đường và cholesterol, giàu chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả. Giảm lượng muối nạp vào.
- Uống đủ nướcc ngay cả khi không khát.
- Hạn chế rượu bia.
- Không hút thuốc
- Giảm căng thẳng: Căng thẳng và lo lắng có thể làm tăng huyết áp, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của thận.
- Tập thể dục thường xuyên: Các môn thể thao có thể giúp giảm căng thẳng, kiểm soát bệnh tiểu đường và huyết áp cao, đồng thời duy trì cân nặng hợp lý. Người bệnh nên chọn môn thể thao phù hợp với sức khỏe của mình như bơi lội, đi bộ, chạy bộ…
Tổng hợp