Nhà sáng lập Telegram CEO Pavel Durov được tại ngoại sau khi nộp 5 triệu euro bảo lãnh

Kiều Trinh

Ngày 28/8, Pavel Durov, nhà sáng lập Telegram, đã bị tòa án Pháp truy tố với hàng loạt cáo buộc nghiêm trọng, ông bị cấm rời khỏi Pháp và phải chờ đến khi quá trình điều tra hoàn tất.

Tòa án đã buộc tội ông với nhiều tội danh, trong đó có việc đồng lõa trong quản lý nền tảng trực tuyến bị sử dụng bởi các băng nhóm tội phạm để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp. Tội danh này có thể dẫn đến án tù tối đa 10 năm.

ceo-telegram-1724890475350954101770-1724916929.png

Nhà sáng lập Telegram Pavel Durov. (Nguồn: Getty Images)

Ngoài ra, ông Durov còn bị cáo buộc về các tội danh như hỗ trợ gian lận, rửa tiền, buôn bán ma túy, và phân phối nội dung khiêu dâm trẻ em. Ông cũng bị buộc tội không cung cấp dữ liệu người dùng cho cơ quan điều tra.

CEO Durov, một doanh nhân người Nga với quốc tịch Pháp, UAE, và St. Kitts và Nevis, đã được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 5 triệu euro (khoảng 5,55 triệu USD). Tuy nhiên, ông phải ở lại Pháp và trình diện tại đồn cảnh sát hai lần một tuần.

Các cuộc điều tra hình sự tại Pháp thường do các thẩm phán đặc biệt tiến hành và các cáo buộc có thể bị hủy bỏ nếu không có đủ bằng chứng. Cuộc điều tra chống lại CEO Durov bắt đầu từ tháng 2, tuy nhiên, thông tin này mâu thuẫn với tuyên bố từ các công tố viên, cho rằng cuộc điều tra mới bắt đầu vào tháng 7.

Telegram, với gần một tỷ người dùng hàng tháng, thường từ chối cung cấp dữ liệu người dùng cho cơ quan thực thi pháp luật. Công ty này khẳng định tuân thủ luật pháp địa phương và cho rằng việc đổ lỗi cho nền tảng hay chủ sở hữu về những hành vi lạm dụng là không hợp lý.

Nhiều nhà hoạt động  cho rằng việc bắt giữ Durov là một phần của chiến dịch đàn áp quyền tự do phát ngôn trên mạng xã hội. Edward Snowden, người tố giác NSA, đã cáo buộc Pháp bắt giữ Durov để truy cập vào các thông tin riêng tư trên Telegram. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định, vụ bắt giữ không mang động cơ chính trị và rằng Pháp luôn coi trọng quyền tự do ngôn luận.

Hiện vẫn chưa rõ ông Durov có bị yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng từ khi bị bắt hay không. Sergey Naryshkin, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Đối ngoại của Nga, cho biết ông lo ngại rằng Durov có thể bị bắt buộc làm điều này và hy vọng rằng ông ấy sẽ không đồng ý.