Những câu chuyện vỉa hè

Thảo Huyền

Có gì thú vị hơn khi tôi trở về Vinh, bước chậm trên những viên đá lát vỉa hè để thấy người và xe đang tất bật trôi qua. Trên đầu mình, những tán cây mùa thu đang tỏa hương thứ hương chín ngọt của lá bàng đang chuyển đỏ, của hoa bồ kết tây vừa rụng, của hoa sữa đang độ nồng... Thân thuộc lắm những gương mặt mưu sinh trên vỉa hè...

Những ngày mới về Vinh, tôi nhớ nhất là vỉa hè Hà Nội. Tôi nhớ những cái ô chật chội tính đến từng xăng ti met, với những gánh quà rong, những quán trà đá, những đôi quang ngan ngát hoa hồng tỉ muội, cúc họa mi… Tôi nhớ những vạt nắng mùa thu xiên qua tán cơm nguội, tán bằng lăng, tán bàng đậu trên nền gạch cũ. Và, trong mang mang nỗi nhớ của kẻ từng nghĩ mình phải thuộc về Hà Nội, tôi đã hạnh phúc biết bao khi thấy trên một vỉa hè phố Vinh có một góc giống Hà Nội đến thế. Ấy là góc phố Đinh Công Tráng nối ra bùng binh- nơi giao nhau giữa các con đường Lê Mao, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Thị Minh Khai.

Ở đó, dưới tán cây vông vang, phượng vỹ và bằng lăng, có những quán trà đá nép mình vào tường rào của Trạm Viba và Đài Truyền hình Nghệ An. Những quán trà đá với những vạt nắng xiên, ghế bàn cũ kỹ, ngẩng trên đầu mình rười rượi bóng mát, thảng hoặc đôi chiếc lá vàng lìa cành se sẽ đậu xuống nền gạch mốc xanh dưới chân mình. Một trong những quán trà đá đơn sơ ấy là quán nước bác Hương. Bác là thương binh, mất một chân tại chiến trường Tây Nam. Bác nói, mình “ra với vỉa hè từ năm 1986”, bắt đầu bằng cái bàn và những chiếc ghế nhỏ, bán chè xanh với thuốc lá lẻ.

Thế rồi, hơn 20 năm sau, quán nước đã “nâng cấp” được nhiều “mặt hàng” hơn. Ngoài chè xanh, có thêm nhân trần, nước mía, một số loại kẹo bánh, hạt hướng dương… Bác Hương nói, nhờ quán nước này, cộng với trợ cấp thương tật mà bác và vợ lần hồi nuôi được 2 đứa con khôn lớn, cả 2 đều học đại học ở Hà Nội. “Mùa hè, mùa thu thì vẫn có thu nhập được triệu hơn, triệu kém, chứ mùa đông ngồi vỉa hè lạnh, có mấy người ra đây”- bác nói.

Thế nhưng, ngày nào cũng vậy, cứ 7 đến 8 giờ sáng là bác ra góc này bày dọn “cũng phải đúng trong vạch cho phép chứ không mấy anh trật tự đi hỏi thăm, nhắc nhở suốt”, rồi tối bán đến 7, 8 giờ về. “Chủ yếu là khách công sở mấy cơ quan gần đây, những người ngồi chờ hẹn. Thế mà cũng có ối chuyện buồn vui. Cũng có những người đến đây, chỉ để ngồi một mình, nói nó giống với một góc phố nào đó mà họ từng ngồi của những ngày quá khứ, như o vẫn hay nói nó giông giống ở Hà Nội ấy. Có lẽ đó là những người ưa hoài niệm. Mà tui thì nghĩ, yêu lấy hiện tại không tốt hơn à. Nói thật với o, ngày xưa, tui cũng hay mắc bệnh lấy quá khứ ra mà so đo lắm. Tui luôn nghĩ về quá khứ oanh liệt trên chiến trường, những máu xương đã đổ của mình, của đồng đội… Rồi lấy làm bực dọc với hiện tại. Nhưng mà, không phải sao, cuộc sống đang ngày một tốt đẹp hơn, thành phố ngày một phát triển. Ra đây để thấy, ngay con đường này, những năm tui mới ra ngồi bán nước còn hoang sơ, giờ đã mọc lên san sát nhà cửa, rồi chật hẹp đông đúc quá mà phải thành đường một chiều. Nếu cứ ru rú ở nhà, chắc tui phát phiền mà chết mất. Chứ ra đây, ngoài mưu sinh, còn là thú vui để thấy mình đang “chuyển động” cùng xã hội”.

Tâm sự của người thương binh 55 tuổi khiến tôi giật mình. Ừ nhỉ, sao không phải là yêu lấy hiện tại này. Sao không phải là tôi yêu con phố vì nó là phố Vinh của tôi, chứ không phải vì nó giống với một con phố mà tôi từng biết ở đâu đó. Vỉa hè này, chẳng phải tự nó đã vô cùng đáng yêu hay sao, cần gì phải mượn dáng vẻ nơi nào? Chẳng phải những cây vông, cây phượng, cây bàng đã mọc trên đất này mà xanh? Chẳng phải những mùa hoa cũng vì tôi, vì người phố này mà nở? Giản dị thế, một tình yêu mà mãi đến bây giờ tôi mới nhận ra sao?

Cũng trên vỉa hè, tôi gặp “người thợ sửa xe đạp lâu năm nhất thành Vinh” theo như nhận định của nhiều người hàng phố.

Ông là Nguyễn Danh Chính và vỉa hè ông ngồi là lối hàng cây cọ ngay công viên Nguyễn Tất Thành (đường Trường Thi). Dáng vẻ gầy gò, khắc khổ, tấm áo bộ đội cũ sờn, ông giống như một hình ảnh đã cũ của một thành phố mới lên từng ngày. “Có lẽ, chỉ duy nhất có ông ấy là chẳng chịu đổi thay”- một anh bạn của tôi đã nói như thế khi dẫn tôi đi qua hàng cọ với vạt cỏ xanh đẫm bừng lên sắc vàng những đóa cúc ong bé xíu.

Nỗi vất vả trĩu nặng lên đôi vai mỏng của ông, vậy mà không làm ông vơi đi nụ cười. Ông rổn rảng trò chuyện cùng chúng tôi, ngay cả khi tay ông đang lấm lem với cái xích đứt của chiếc xe đạp cà tàng mà người đàn bà ve chai vừa dắt đến nhờ ông sửa. Một cái săm hỏng dựng lên cùng một cái bơm tay, một hộp đồ nghề bằng gỗ cũ kỹ bên cạnh gốc cây trên hè phố, chẳng cần biển hiệu, chỉ cần ông ngồi đó với mái tóc đã gần bạc hết bay lơ phơ trong gió. Và người ta đã biết, đó là ông Chính vá xe.

Năm nay ông Chính bước vào tuổi 72. Sau khi rời quân ngũ, ông trở về quê (khối Tân Lộc, phường Hưng Dũng), “cũng loanh quanh một số nghề kiếm sống trước khi ra với góc phố này”- ông nói. Thế rồi năm 1982, ông đã chọn nghề sửa chữa, vá xe đạp mà ông vốn thành thạo từ thời thanh niên, chọn góc phố Vinh ngày ấy còn thưa vắng mà ngồi “Tuy thưa vắng nhưng đó lại là thời hoàng kim của nghề sửa xe đạp vì ngày ấy đã mấy ai có xe máy chứ đừng nói ô tô mà đi”.

Vẫn với vẻ cần mẫn, khắc khổ này, ông già đi cùng nắng mưa, cùng những mùa cọ, mùa bàng thân vỏ mốc thếch, còn thành phố thì dường như mỗi ngày càng “trẻ”, sinh sôi hơn, náo động hơn.  Tôi hỏi, thành phố thay đổi thế này, rồi có lúc ông cũng mất nghề thôi. Ông trầm ngâm “tưởng thế thôi, chứ đằng sau những hào nhoáng ấy, vẫn có những phận người nghèo khó”. Ông kể rằng khách hàng của ông chủ yếu là những người nghèo, có thể là người bán bánh mì rong, những người lượm ve chai, người mẹ nghèo đến từ bên kia cầu Bến Thủy tất tả chở con đi khám bệnh định kỳ ở Viện Sản Nhi, “có những khi đến 5 ngàn đồng tiền bơm xe cũng không có”. Và đã rất nhiều lần ông nói, mình không lấy tiền của họ, dù ông làm nghề cũng là để mưu sinh, để nuôi 3 đứa con và bà vợ đau ốm liên miên.

“Chịu khó ngồi vỉa hè, ngày cũng kiếm bảy chục, một trăm. Mà lại vui, thấy mình có ích” – ông chia sẻ. Và cũng như ông Hương, ông Chính nói mình được thấy cuộc sống sôi động xung quanh, được trò chuyện và biết thêm chuyện của những người mưu sinh cùng ông trên vỉa hè này, những bà An, bà Tâm bán nước mía, nước dừa mùa hè, bán ngô nướng khoai nướng mùa đông, biết cái cây mùa nào ra hoa, thay lá. “Cây cũng như người vậy, có yêu ghét, có xơ xác, có tươi vui”- ông nói rằng mình đã chiêm nghiệm ra điều ấy, để chọn sống vui, dầu có nhiều vất vả.

16 năm mưu sinh trên vỉa hè, bác Nguyễn Văn Thái được người ta cho một cái bàn đá cũ, bác buộc một cái gương lên tường rào, đóng một cái ghế gỗ dài và sắp cái ghế xoay, treo một cái biển nhỏ tự kẻ chữ “Cắt tóc” ngồi bên đường Lê Nin, dưới bóng cây xoài. Bác nói, mình con nhà nông, ở quê lúa Yên Thành, vào Vinh sinh sống từ lâu, nhưng quen với lao động nên dù không quá vất vả, bác vẫn kiếm việc để làm.

Dời đến góc đường này sau khi ngồi ở vỉa hè đường Nguyễn Sỹ Sách, bác nói bác thích cái tán cây mát ở đây. Khách của bác chủ yếu khách quen “có những người cắt tóc quán tôi từ khi tôi ra làm nghề 16 năm trước cho đến tận bây giờ. Thậm chí, có những người đã quá già, không ra đây được nữa thì họ gọi điện nhờ tôi đến nhà. Có lẽ vì tôi làm cẩn thận”- bác Thái chia sẻ “Và nghề này cũng đem đến cho tôi thu nhập khá”.

Bác nói, khác với nhiều thành phố khác, người ta tranh nhau cả chỗ ngồi, thậm chí có bao nhiêu những khúc mắc xảy ra ngay trên vỉa hè, còn thành phố của mình lại khác. Bác chỉ cánh xe ôm đang ngồi trên chiếc ghế dài của bác vừa chờ khách, vừa tán chuyện: “Đấy, mặc dù cùng kiếm kế sinh nhai, nhưng sống với nhau vui lắm. Phố mình, đông đúc là thế, nhưng ai rồi cũng quen mặt. Đã ra với vỉa hè rồi, thì xem nhau như những người bạn, người anh em, có gì cũng chia sẻ. Cả mấy anh công an đứng chốt ở trạm ngay ngã tư này cũng rất vui nhé. Ngày nào không ra được phố, là nhớ”.

Thế đấy, những câu chuyện vỉa hè cứ dài mãi, rộng mãi. Này chị Thông, chị Mai với giấc ngủ ngay vỉa hè công viên Tam giác sau nửa buổi tất tả đạp xe từ Hưng Nguyên lên làm nghề cửu vạn, dọn dẹp. Này gốc cây bằng lăng bên đường Nguyễn Sỹ Sách đoạn giao nhau với Phan Bội Châu, chứng kiến câu chuyện của “những người chở xe ba gác cuối cùng sót lại của thành phố”, này chị hàng rong quê Hưng Yên vào chọn một góc đường Trần Phú mà rao bán áo quần và có tối quây màn nằm lại trên vỉa hè để ngủ… Gắn với những nắng mưa, gắn với những mùa cây, mùa hoa. Và cùng với đó là bao chiêm nghiệm về cuộc sống này. Họ đã bất ngờ cho tôi thấy một góc của Vinh phố, khác với những dòng chảy trôi trên đường kia mỗi ngày. Như là một cách sống chậm, bên cạnh những tất bật đến chóng mặt. Để tôi, bây giờ mỗi lần ra Hà Nội, lại tha thiết nhớ góc phố của tôi, tha thiết nhớ những vỉa hè rông thênh với bao gương mặt quen thân sẵn sàng tặng nhau nụ cười mỗi lần chạm mặt.