Những "chiến sĩ thầm lặng" trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19

Thảo Huyền

Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 hiện nay, sức khỏe, sự hồi phục của bệnh nhân được đổi bằng những nỗ lực, sự hy sinh thầm lặng của các bác sĩ cùng đội ngũ nhân viên y tế đã không quản khó khăn, nỗi sợ hãi về dịch bệnh để xung phong ra tuyến đầu phòng, chống dịch.

Sau 14 ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, bệnh nhân thứ 18 nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đã được xuất viện. Niềm vui của bệnh nhân cũng là niềm vui chung của tập thể cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung. Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 hiện nay, sức khỏe, sự hồi phục của bệnh nhân được đổi bằng những nỗ lực, sự hy sinh thầm lặng của các bác sĩ cùng đội ngũ nhân viên y tế đã không quản khó khăn, nỗi sợ hãi về dịch bệnh để xung phong ra tuyến đầu phòng, chống dịch.

Kết thúc ngày làm việc, điều dưỡng Trần Thị Phương Loan mới có thời gian gọi về gia đình. Chị có hai cậu con trai, bé đầu lên 3 tuổi, bé thứ 2 mới hơn 15 tháng tuổi, tạm thời chị phải nhờ bà nội ở quê lên chăm sóc. Nhận được thông báo của bệnh viện về thời gian điều trị, cách ly cho bệnh nhân thứ 18 nhiễm vi rút SARS-CoV-2, chị chỉ có được nửa ngày ở nhà cai sữa cho con rồi phải vào viện từ ngày 7/3 đến nay. Dự kiến phải hết tháng 3, nếu tình hình dịch bệnh ổn định, không có bệnh nhân mới thì chị mới được về nhà thăm gia đình. Chị Loan chỉ là 1 trong 18 cán bộ y tế đang thực hiện nhiệm vụ, công việc tại Khu cách ly đặc biệt thuộc Khoa Truyền nhiễm chấp nhận mọi nguy cơ, gác lại nỗi niềm riêng tư để cùng hướng đến một mục tiêu cao cả là cứu sống người bệnh, cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh. Gần nửa tháng qua, cán bộ, nhân viên y tế khu cách ly này phải ăn, ngủ tại bệnh viện với điều kiện sinh hoạt tối giản hết mức.

Truyền hình thực tế - Những 'chiến sĩ thầm lặng' trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19

Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, điều dưỡng Loan gọi điện về gia đình, hỏi thăm sức khỏe con cái.

Chị Đỗ Thị Thanh Thủy, Điều dưỡng trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình tâm sự: "Khi được phân công vào khu cách ly này thì chúng tôi cũng gặp khó khăn là phải xa gia đình, không được về nhà, chỉ liên lạc với gia đình qua điện thoại. Công việc gia đình phải nhờ hết hai bên nội ngoại, chồng hoặc vợ để chăm sóc con cái. Công việc tương đối vất vả là thế nên cũng mong cộng đồng cùng chung tay, góp sức. Chúng tôi muốn gửi đến mọi người thông điệp rằng, chúng tôi đi làm vì các bạn, các bạn ở nhà vì chúng tôi".

Những ngày đầu phát hiện, tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh COVID-19, bản thân nhiều y, bác sĩ cũng có không ít băn khoăn, lo lắng nhất là khi trên thế giới đã có nhiều trường hợp cán bộ y tế nhiễm bệnh. Thế nhưng, nỗi lo cũng nhanh chóng tan biến, thay vào đó là sự quyết tâm, tinh thần sẵn sàng vào nơi nguy hiểm, không quản khó khăn cũng như nỗi sợ hãi về dịch bệnh để trực tiếp điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân.

Truyền hình thực tế - Những 'chiến sĩ thầm lặng' trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 (Hình 2).

Một ca họp giao ban của các bác sĩ BVĐK tỉnh Ninh Bình.

Bác sĩ Phạm Trung Mạnh, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình nói: "Công việc hàng ngày chúng tôi phân công theo các kíp làm việc 6 tiếng. Anh em phải làm việc với trang bị phòng hộ cá nhân bằng các bộ đồ rất kín, nóng nực. Trong điều kiện làm việc như vậy anh em cũng rất vất vả và khó chịu. Trong 6 tiếng đồng hồ chúng tôi phải hạn chế không uống nước, vệ sinh cá nhân không thực hiện được nên mọi người rất vất vả".

Truyền hình thực tế - Những 'chiến sĩ thầm lặng' trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 (Hình 3).

Các y, bác sĩ tranh thủ tập thể dục, nâng cao sức khỏe.

Điều kiện làm việc đặc biệt là sinh hoạt trong khu cách ly mặc dù còn nhiều thiếu thốn. Trước đây khu chỉ đủ tiêu chuẩn cho 3 người ở lại trực đêm thì hiện nay là chỗ làm việc, sinh hoạt, ăn uống của 18 người. Hiểu được hoàn cảnh thực tế và khó khăn chung của bệnh viện, mọi người đều tự có ý thức sắp xếp nơi làm việc, ăn, ngủ, sinh hoạt hợp lý, mỗi người cũng thông cảm, hỗ trợ nhau để công việc và sinh hoạt thuận lợi. Chắc ít ai thấy được hình ảnh các y, bác sĩ tại khu cách ly đặc biệt này, sau những giờ phút làm việc căng thẳng lại có thể vui vẻ cười nói, trêu đùa nhau và tìm niềm vui những lúc rảnh rỗi bằng việc tập thể dục, chăm sóc hoa hay đọc sách, báo…

Bác sĩ Phạm Trung Mạnh, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết thêm: "Trong điều kiện cách ly khá dài, từ hôm bắt đầu có bệnh nhân đến nay hơn 10 ngày rồi, chúng tôi phải tiếp tục cách ly hơn 10 ngày nữa nếu không có bệnh nhân vào tiếp mới được rời khỏi khu vực này. Với điều kiện làm việc vất vả và điều kiện cách ly xa nhà, anh em thấy rất khó khăn và lo rất nhiều về công việc gia đình, chúng tôi cũng chỉ biết động viên nhau hoàn thành công việc".

Truyền hình thực tế - Những 'chiến sĩ thầm lặng' trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 (Hình 4).

Người bệnh được ra viện là niềm vui của các chiến sĩ áo trắng.

Dịch viêm phổi cấp Covid-19 bùng phát kể từ trước Tết, cũng kể từ đó, “thế giới” của các chiến sĩ blouse trắng gói gọn trong những bệnh phòng của khoa cấp cứu, bị “phong tỏa” bởi những tấm biển “Khu vực cách ly” bởi những dây barie dọc hành lang hun hút. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu, cũng chia sẻ, trân trọng những giọt mồ hôi mà họ đã rơi, những nguy cơ mà họ đã phải đối mặt. Dù biết khó khăn, nguy hiểm trước mắt nhưng cán bộ, các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ với tinh thần quyết tâm cao nhất ở tuyến đầu của mặt trận chống dịch.