Những chuyến từ thiện xuyên đêm ở TP.HCM

Thảo Huyền

10 ngày qua, anh Ngô Sĩ Tùng và nhóm bạn gom lương thực, thực phẩm mang đến cho người dân trong khu phong tỏa ở TP.HCM. Công việc của họ diễn ra chủ yếu vào ban đêm.

- Hôm nay nhóm nhận được 17 thùng hàng viện trợ nhé.

- Hàng ở đâu về thế em?

- Của nhóm từ thiện Phú Hải và nhóm Bồ Đề Tâm ở Thừa Thiên - Huế anh ạ. Mọi người chung tay nhau giúp bà con.

Trưởng nhóm từ thiện Ngô Sĩ Tùng (ngụ huyện Bình Chánh) và một người bạn trao đổi trong lúc khuân những thùng xốp to từ xe xuống khu vực chốt chặn gần khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân. Từ nhiều ngày trước, nơi này bị phong tỏa vì dịch bệnh.

Xuyên đêm mang đồ ăn cho người bị phong tỏa

Hàng gồm cá khô, nước mắm, rau, trứng và gạo. Tất cả sẽ được nhóm thiện nguyện chuyển đến cho người dân bị phong tỏa ở quận Bình Tân, quận 12 và huyện Bình Chánh trong đêm.

Nhóm trao tặng hàng hóa cho người dân khu vực bị phong tỏa, gần khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân.

“Cám ơn các cháu. Nhà cô ăn mì gói mấy hôm nay. Chập tối cả nhà còn lo là sáng mai liệu có gì ăn không thì các cháu đến”, bà Hạnh (62 tuổi) đứng phía trong rào chắn nói rồi nhoẻn miệng cười.

Kế bên, nhiều người xách gói quà trên tay, vừa nói cám ơn, vừa vẫy tay chào nhóm thiện nguyện.

Người dân nhận hàng viện trợ cám ơn và vẫy chào nhóm thiện nguyện.

“Có khoảng 50 người dân được nhận quà, trong tổng số hàng trăm người còn bị phong tỏa tại đây. Nhiều người trong số họ là công nhân, đã mất việc làm. Hôm khác khi có hàng, chúng em lại đến với bà con”, anh Tùng nói rồi nhảy lên chiếc xe đang đà di chuyển.

Lúc ấy đã hơn 1h sáng, đường phố vắng ngắt, chỉ còn những chuyến xe cứu thương chạy vội.

Cùng đi đêm đó với anh Tùng còn có anh Nghĩa, anh Hải và Thu Trang. Họ lập một nhóm từ thiện không tên kể từ khi thành phố bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16.

Nhóm anh Tùng, Trang và anh Nghĩa trang bị đồ bảo hộ khi đến trao hàng hóa cho người dân vùng bị phong tỏa.

Anh Tùng gặp Nghĩa (ngụ quận 2) hơn một tuần trước, khi cùng nhau hỗ trợ y, bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở phường Tân Thới Nhất, quận 12.

Từ hôm đó, họ thường xuyên trao đổi về những thiếu thốn của bà con trong vùng cách ly, phong tỏa. Đó là lý do họ quyết định thành lập nhóm thiện nguyện.

Anh Tùng phụ trách vận động tiền và hàng hóa từ mạnh thường quân các nơi. Anh Nghĩa dùng ôtô bán tải của gia đình chở và phân phối hàng viện trợ.

Thu Trang - một người bạn của anh Tùng - là công nhân may ở TP.HCM vừa nghỉ việc vì dịch Covid-19 cũng tình nguyện đi theo vận chuyển hàng.

Hàng hóa viện trợ chủ yếu là thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả và trứng. Theo anh Tùng, đây là những thứ căn bản, rất cần thiết đối với bà con sống trong khu phong tỏa.

“Bạn đã thấy ai đó chỉ nhận một bó rau, một vỉ trứng gà mà mếu máo khóc không?”, anh hỏi phóng viên mà mắt rơm rớm nước.

"Không phụ lòng người thiện nguyện phương xa"

"Sao có nhân viên y tế đến khuya thế nhỉ?"

- Chắc lại có người mắc “cô vy”.

- Ơ, sao mọi người còn ở đó vậy, giãn cách và vào nhà thôi!

Ông Hòa, bảo vệ dân phố vội ngắt lời bàn tán và yêu cầu những người dân gần một điểm phong tỏa trên đường Bình Thành, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân không tụ tập. Họ vừa thấy một chiếc ôtô chở nhóm người mặc đồ bảo hộ màu xanh đi đến khu vực phong tỏa.

Dừng xe, 4 người trong trang phục bảo hộ kín mít mở thùng ôtô, chuyền tay nhau những mớ rau, quả trứng… đặt lên mấy chiếc bàn gần rào chắn. Lúc ấy đã rạng sáng, ngày mới đang bắt đầu.

Nhóm từ thiện phát đồ ăn cho người dân tại một điểm phong tỏa trên đường Bình Thành, quận Bình Tân.

- Mời bà con đến nhận quà, mỗi người được một suất rau và trứng.

- Các anh không phải tìm người mắc Covid-19 để đưa đi cách ly à?

- Không ạ, chúng cháu làm từ thiện, đến phát quà cho bà con.

Sự ngờ vực về kịch bản có người mắc Covid-19 bị xua tan. Ông Hòa đồng ý cho người dân bên trong rào chắn ra khỏi nhà.

Họ đến gần rào chắn mỗi lúc một nhiều. Tất cả được yêu cầu đứng xếp hàng và thực hiện giãn cách chờ đến lượt.

Người dân đến nhận hàng từ thiện trong đêm.

10 ngày trước, đoạn đường Bình Thành dài gần 1 km bị phong tỏa vì có loạt ca mắc Covid-19. Người dân cho biết nhiều ngày trong vùng phong tỏa, họ đã cạn kiệt lương thực, hết rau xanh. Đây cũng là lần đầu tiên có đoàn viện trợ thực phẩm tươi sống.

“Hàng về khi nào là nhóm phân phát cho bà con bất kể ngày hay đêm. Những thứ như rau xanh, cá kho sẵn… sẽ rất nhanh hư. Chúng mình bỏ công sức để không phụ lòng những người thiện nguyện phương xa”, anh Tùng chia sẻ.

Trưởng nhóm thiện nguyện nói họ mong muốn góp chút sức cùng bà con vượt qua đại dịch. Anh Tùng và nhóm bạn cảm thấy tự hào khi nhiều người gọi họ là "chiến sĩ áo xanh" giống như đội ngũ y bác sĩ làm công tác chống dịch.

Chiếc xe bán tải chở họ cứ liên tục ra vào nơi tập kết hàng tại trụ sở Ban chỉ huy quân sự phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân rồi tỏa đi các nơi. Nhưng nhiều nơi đường chật hẹp, ôtô không thể đến được nơi phong tỏa. Cũng có lần nhóm đi theo chỉ dẫn của người dân rồi lạc vào các ngõ cụt, không thể quay đầu xe.

Nhiều lần nhóm bị lạc đường, đi nhầm vào ngõ cụt trong lúc vận chuyển hàng từ thiện.

Xin nghỉ việc để đi thiện nguyện

Trước khi TP.HCM có dịch, anh Tùng là công nhân của một nhà máy may gia công ở quận Bình Tân. Diễn biến Covid-19 phức tạp buộc nhà máy cắt giảm đơn hàng và hoạt động cầm chừng. Thanh niên này xin nghỉ việc trước khi tất cả nhà xưởng ở Bình Tân được lệnh đóng cửa.

Kết thúc công việc thiện nguyện thường vào rạng sáng. Anh Tùng về nhà trên chiếc xe máy. Anh Nghĩa và Thu Trang cũng trở lại nơi ở trong trang phục bảo hộ.

Anh Tùng mệt mỏi vì phải làm việc liên tục gần 10 giờ trong trang phục bảo hộ.

Rửa mặt và cởi bỏ trang phục bảo bộ, anh Tùng nói như trút được cả chục kg trên người. Bốc hàng liên tục, nhiều lúc anh bị hoa mắt, nghĩ rằng sẽ kiệt sức và ngất đi bởi cái nóng bức.

Vợ và con gái 4 tuổi của anh vẫn thức chờ anh về trong thời khắc bắt đầu ngày mới. Hơn một tháng làm từ thiện, người thân của anh đã tập quen với kiểu sinh hoạt bất quy tắc này.

Vợ chờ nấu gì đó cho anh lót dạ, còn con gái chờ cha về âu yếm một lúc mới có thể ngủ ngoan.

Vợ con anh Tùng vẫn thức khuya chờ đợi, dù anh thường xuyên về nhà lúc đêm muộn.

Hơn 10 ngày nay, anh Tùng, anh Nghĩa, Thu Trang và một số người bạn đồng hành trở thành những công dân áo xanh chạy xuyên đêm trên những cung đường vắng lặng của thành phố.

Số hàng viện trợ của nhóm vận động lên đến hàng chục tấn, phân phát cho hàng trăm hộ dân đang bị phong tỏa vì dịch bệnh.

Dịch bệnh ở thành phố vẫn rất khó lường nhưng anh Tùng và nhóm bạn lạc quan tin rằng chính quyền sẽ sớm kiểm soát được tình hình. Anh quả quyết rằng chỉ cần những thành viên trong nhóm còn sức khỏe, nhất định những chuyến hàng yêu thương sẽ không thể gián đoạn.