Tết Thanh minh là dịp lễ quan trọng trong văn hóa tâm linh của người Việt, thể hiện lòng kính trọng, biết ơn đối với tổ tiên và những người đã khuất. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ cách thức tổ chức cũng như các lễ vật cần chuẩn bị cho ngày này. Việc chuẩn bị cho Tết Thanh minh cần sự tỉ mỉ và hiểu biết về những nghi thức truyền thống.
Năm 2025, tiết Thanh minh bắt đầu từ ngày 4/4 và kết thúc vào ngày 19/4 Dương lịch. Ngày Tết Thanh minh (4/4) nhằm vào thứ Sáu ngày 7/3 Âm lịch.

Tết Thanh minh là dịp lễ quan trọng trong văn hóa tâm linh của người Việt, thể hiện lòng kính trọng, biết ơn đối với tổ tiên và những người đã khuất. Ảnh minh họa/ VTC News.
Cần chuẩn bị gì để cúng Tết Thanh minh?
Theo truyền thống, lễ cúng Tết Thanh minh thường diễn ra ở hai địa điểm là phần mộ tổ tiên và tại nhà. Mỗi nơi có những yêu cầu riêng về lễ vật và nghi thức.
Lễ cúng Tết Thanh minh ở mộ
Lễ cúng Tết Thanh minh tại phần mộ tổ tiên có thể được thực hiện theo lễ chay hoặc lễ mặn, tùy thuộc vào điều kiện và truyền thống từng gia đình. Dù là hình thức nào, các lễ vật cơ bản không thể thiếu gồm hương, đèn, chè, rượu, nước, trầu cau, tiền vàng và trái cây.
Với mâm cỗ chay, có thể chuẩn bị xôi chè, oản chuối, bánh, nước, gạo muối, bỏng, và chén mật ong. Đối với mâm cỗ mặn, ngoài những lễ vật trên, còn có thêm rượu thịt, xôi, gà luộc hoặc khoanh giò.

Khi cúng Tết Thanh minh ở nghĩa trang, nếu có nhiều bát hương thì cần thắp hương cho tất cả, và các lễ vật có thể dùng chung. Ảnh minh họa/ VTC News.
Mâm cúng Tết Thanh minh tại nhà
Một mâm lễ cúng Tết Thanh minh tại nhà thường gồm các lễ vật như:
Hương và nến: Để thắp sáng bàn thờ và tạo không gian trang nghiêm.
Hoa tươi: Thường là hoa cúc hoặc hoa huệ, biểu tượng cho sự trong sạch và lòng hiếu thảo.
Mâm ngũ quả: Gồm 5 loại quả khác nhau, tượng trưng cho ngũ hành, mang ý nghĩa cầu mong phúc lộc.
Trầu cau: Thể hiện sự gắn kết, bền chặt giữa các thế hệ.
Rượu hoặc trà: Dùng để mời tổ tiên thưởng thức.
Tiền vàng mã: Để gửi đến người đã khuất.
Mâm cỗ mặn sẽ tuỳ theo văn hóa vùng miền, gia chủ có thể chuẩn bị các món ăn truyền thống như xôi, gà luộc, nem rán, bánh chưng, món xào, canh mọc, rau củ luộc... Tùy vào từng gia đình, có thể thay đổi các món ăn khác nhau để làm lễ cúng.
Đặc biệt, đối với các gia đình theo Phật giáo, mâm cúng chay sẽ được chuẩn bị thay cho cỗ mặn, thường bao gồm các món cơ bản như xôi gấc hoặc xôi đỗ xanh, nem chay (chả giò chay), đậu hũ chiên sả, canh nấm chay, rau củ luộc hoặc xào chay, chè trôi nước chay...
Trong trường hợp điều kiện không cho phép, cỗ cúng có thể giản lược, chỉ cần hoa tươi, trái cây, và bánh kẹo.
Những lưu ý khi cúng Tết Thanh minh

Việc cúng Tết Thanh minh không chỉ là một nghi lễ, mà còn là một phần trong đời sống tâm linh sâu sắc của người Việt. Ảnh minh họa.
Dưới đây là những lưu ý quan trọng khi tiến hành nghi thức cúng Tết Thanh minh để đảm bảo sự tôn nghiêm và đúng phong tục.
Cúng Tết Thanh minh tại nhà
Trước khi thực hiện nghi lễ cúng Tết Thanh minh tại nhà, việc dọn dẹp và làm sạch không gian là điều không thể thiếu. Nhà cửa cần được quét tước sạch sẽ, bàn thờ gia tiên phải được lau chùi cẩn thận. Để thể hiện sự tôn trọng với tổ tiên, người đứng ra thắp hương nên mặc trang phục chỉnh tề và gọn gàng. Thái độ trang nghiêm, lòng thành kính là điều quan trọng khi đọc văn khấn và thắp hương.
Khi tiến hành nghi thức cúng, người thắp hương cần thực hiện việc vái lạy, đọc văn khấn bày tỏ lòng thành kính. Khi tuần hương cháy hết, gia đình có thể tiến hành hóa vàng và xin thụ lộc. Các hoạt động này không chỉ thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, mà còn là cách để gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình.
Cúng Tết Thanh minh tại mộ
Khi cúng Tết Thanh minh ở nghĩa trang, nếu có nhiều bát hương thì cần thắp hương cho tất cả, và các lễ vật có thể dùng chung. Lễ vật nên được sắp xếp ngăn nắp trên đĩa, có thể trải chiếu hoặc khăn dưới đất sao cho sạch sẽ và trang trọng. Mâm lễ cúng được đặt ở nơi bằng phẳng trước khi thực hiện nghi lễ.
Sau khi hoàn thành nghi thức cúng, cần đợi hương cháy khoảng 2/3 thì tiến hành lễ tạ, hóa vàng và mang theo lộc về nhà để tiếp tục các lễ nghi cho gia thần và gia tiên. Nếu sử dụng văn khấn viết trên giấy, hãy đốt sau khi đọc xong để hoàn tất nghi thức.
Phong tục của người Việt trong dịp Thanh minh còn bao gồm việc tảo mộ. Mọi người thường mang theo dụng cụ như xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, loại bỏ cỏ dại và cây bụi mọc xung quanh mộ phần. Việc này không chỉ giữ cho mộ phần sạch sẽ mà còn tránh việc mộ bị đào bởi các loài động vật gây hại.
Riêng đối với những ngôi mộ đã xây, việc quét dọn sạch sẽ cần được thực hiện kỹ lưỡng trước khi thắp hương và đặt lễ cúng bái. Điều này thể hiện lòng thành kính và sự chăm sóc chu đáo của con cháu đối với tổ tiên.
Việc cúng Tết Thanh minh không chỉ là một nghi lễ, mà còn là một phần trong đời sống tâm linh sâu sắc của người Việt. Thực hiện đúng những lưu ý trên sẽ giúp gia đình thể hiện sự tôn kính, gìn giữ truyền thống và mang lại những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
*Thông tin mang tính chất tham khảo và chiêm nghiệm