Xây xong rồi bỏ đó
Người dân xã Hưng Thông (Hưng Nguyên), không khỏi bức xúc khi phóng viên đến tìm hiểu về Dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch tại xã này. Tại các kỳ họp HĐND và gần đây nhất là đại hội Đảng bộ xã, câu chuyện nhà máy nước luôn được người dân đưa ra để chất vấn lãnh đạo địa phương.
Năm 2009, UBND huyện Hưng Nguyên được giao làm chủ đầu tư một dự án với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng tại xã Hưng Thông. Trong dự án tổng thể này có Dự án Nhà máy nước sạch Hưng Thông với công suất 1.000 m3/ngày đêm, được đầu tư hơn 25,8 tỷ đồng với mục tiêu cung cấp nước sạch sinh hoạt cho toàn bộ người dân trên địa bàn xã Hưng Thông. Đã hơn 10 năm, nhà máy dù cơ bản đã hoàn thiện nhưng vẫn chưa cấp được cho người dân một giọt nước nào. Trong khi đó, nhiều hộ đang phải “chờ trời” trong những ngày khô hạn này vì phải phụ thuộc vào nguồn nước mưa.
Năm nay, trước tình trạng nắng nóng, thiếu nước triền miên, nên xã Hưng Thông đã phải trích kinh phí để nâng cấp, khơi thông các giếng để lấy nước sử dụng. Hiện một số ít hộ dân sử dụng nước giếng cho sinh hoạt, còn phần lớn phải sử dụng bể chứa nước mưa.
Về nguyên nhân nhà máy xây xong đã lâu nhưng không hoạt động, ông Cao Anh Đức – Chủ tịch UBND xã Hưng Thông cho rằng, trong quá trình xây dựng, chưa tính toán cụ thể đến thời gian để vận hành. “Nhà máy nước do huyện làm chủ đầu tư, xã chỉ là đơn vị hưởng lợi nên việc xây dựng, vận hành như thế nào là do cấp trên quyết định”, ông Đức nói.
Trong khi đó, ông Hồ Sỹ Hiếu – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hưng Nguyên giải thích, theo thiết kế thì dự án mới chỉ xây dựng đến đường ống cấp 3. Muốn đưa nước đến nhà dân thì phải có kinh phí để lắp đặt đường ống cấp 4, nhưng hiện nay đường ống tới nhà dân vẫn chưa thể triển khai. “Công trình cơ bản đã hoàn thành nhưng không bàn giao được vì chưa biết bàn giao cho ai. Vì xã không đủ khả năng để vận hành nhà máy nên sợ bàn giao rồi bị hư hỏng thì ai chịu. Huyện đang mời một số đơn vị vào để hợp tác vận hành nhà máy, hy vọng sẽ sớm có nước sạch phục vụ nhân dân”, ông Hiếu cho biết.
Tương tự xã Hưng Thông, các hộ dân ở thị trấn Kim Sơn (Quế Phong) nhiều năm nay cũng lâm vào cảnh tương tự, dù cạnh nhà họ đã có nhà máy nước được đầu tư tiền tỷ. Theo đó, Nhà máy nước sạch Quế Phong cũng được đầu tư xây dựng từ năm 2009, với tổng vốn hơn 41 tỷ đồng, công suất 1.500 m3/ngày đêm, để cấp nước sạch cho hơn 1.100 hộ dân ở thị trấn Kim Sơn và vùng phụ cận. Dự án do UBND huyện Quế Phong làm chủ đầu tư.
Đến cuối năm 2017, Dự án Nhà máy nước sạch Quế Phong hoàn thành và đã đấu nối đến hơn 700 hộ dân sử dụng. Tháng 3/2018, UBND huyện Quế Phong có công văn gửi UBND tỉnh xin ý kiến về tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành, quản lý nhà máy nước để đưa nhà máy vào hoạt động. Tuy nhiên, từ đó đến nay, nhà máy vẫn chưa được vận hành, cấp nước đến các hộ dân.
Về việc này, lãnh đạo huyện Quế Phong cho hay, theo quy định, nhà máy nước sạch xây bằng nguồn vốn Nhà nước, sau khi xây dựng phải đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện khai thác, sản xuất, truyền dẫn, kinh doanh. Huyện đã có rất nhiều văn bản, nhưng UBND tỉnh Nghệ An mới chỉ cho chủ trương về giá nước, còn cơ chế vận hành thì vẫn chưa có. Nguyên nhân chưa có cơ chế vận hành là vì để đưa công trình vào hoạt động phải qua khâu thẩm tra, quyết toán. Phí thẩm tra quyết toán công trình phải được đưa vào bảng dự toán công trình, nhưng huyện khi làm dự toán công trình không đưa khoản phí này vào.
Do dự án này kéo dài vì thiếu vốn nên hiện nay, phí thẩm tra quyết toán phải áp dụng theo Thông tư 09/2016 của Bộ Tài chính, khiến mức phí đã tăng lên 2,5 lần so với mức phí khi lập dự toán. Vì thế, chi phí bị hụt nhưng huyện chưa có nguồn để bổ sung… Mới đây, UBND huyện Quế Phong đã có công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An và Sở Tài chính tỉnh Nghệ An đề nghị trong lúc chờ thẩm tra quyết toán công trình, tạm giao cho UBND huyện quản lý, vận hành nhà máy nước để cấp nước cho dân. Thế nhưng, huyện chưa nhận được văn bản trả lời của tỉnh nên chưa thể vận hành, đưa nhà máy nước này vào hoạt động.
“Hiện nay thì huyện đã làm thủ tục để đưa nhà máy vào sử dụng nhằm cấp nước cho người dân. Giờ thì không vướng thủ tục bàn giao quản lý nữa, tỉnh đang chỉ đạo sở, ngành, huyện thực hiện”, một lãnh đạo UBND huyện Quế Phong cam kết. Trong khi đó, người dân khu vực hưởng lợi vẫn chỉ biết chờ đợi…
Chưa kịp dùng đã phải bỏ
Từ nhiều năm nay, 4 bản Xốp Thặp, Xốp Thạng, Xốp Nhị, Bản Na của xã Hữu Lập đã sở hữu một công trình nước sạch đồng bộ, bao gồm hệ thống bể chứa, bơm, đường dẫn nước từ khe Nhị vào bể. Công trình này do tổ chức phi chính phủ tài trợ. Những tưởng công trình khi đi vào hoạt động sẽ đáp ứng tốt nhu cầu nước sinh hoạt, đặc biệt là nước phục vụ cho nấu ăn, uống của người dân. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra…
Đến với bản Xốp Thặp vào mùa Hè này, mỗi chiều lại thấy dân bản tay xách, nách mang, gùi hàng chục chai lọ đến một bể nhỏ tập trung nằm ngay gần cầu tràn để lấy nước về dùng. Chiếc bể dài 3m, rộng 3m, chiều cao 1,4m này không thể cung cấp đủ nước cho 120 hộ dân trong bản. Nước bể hết, người dân bản tuyệt nhiên không đoái hoài tới nước trong bể dự án mà tìm tới những hố nước nhỏ bên dòng khe Nhị để lấy nước về dùng. Những hố nước nhỏ này được đào, đắp một cách cố ý với tác dụng lắng, lọc làm sạch nước khe thẩm thấu qua cát, sỏi vào.
Ông Kha Bọ Khăm (63 tuổi), một người dân địa phương cho biết: Hệ thống công trình nước mà dự án đầu tư cho thì xem như đã hư lâu lắm rồi. Bể lấy nước từ khe Nhị, mà nước khe thì bẩn lắm không dùng được. Trên đầu nguồn khe Nhị là vùng chăn thả trâu, bò của người dân 2 xã Mường Lống, Bảo Nam. Khe Nhị còn chảy qua bản vùng cao Noọng Ó (xã Hữu Lập) trước khi về đây. Trong nguồn nước này, phân trâu, bò, xà phòng, dầu máy… cái gì cũng có. Nước bể dự án chỉ dùng để tưới cây thôi. Nước mà dân bản hiện đang dùng là nước được dẫn về từ núi cao, cách bản hơn 1 km. Để có đường dẫn và bể sử dụng chung này, mỗi hộ trong bản đã phải đóng góp 700.000 đồng xây dựng. Bể nhỏ, nước ít nên ở bản nhà nào cũng thiếu nước sinh hoạt.
Ông Khăm đã dẫn phóng viên đi thăm hệ thống bể nước mà dự án đầu tư. Quả thật, nước bơm từ khe Nhị vào bể rất bẩn, đục, bốc mùi hôi thối, không thể nào tắm giặt hay để ăn, uống được… Anh Vi Văn Trung, người dân bản Xốp Nhị than thở: “Nước khe Nhị ô nhiễm không dùng được. Nước khe núi bắt về thì ít xuống. 94 hộ dân trong bản thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nhiều nhà thiếu nước đánh liều dùng nước khe thì rồi bệnh cũng ra thôi…”.
Ông Lô Đình Thụ – Chủ tịch UBND xã Hữu Lập cho biết: Để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở các bản, hiện nay xã đang lập hồ sơ xây dựng thêm một số công trình nước theo chương mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Ở các công trình tiếp theo, xã và huyện sẽ tính toán kỹ để không lặp lại những sai lầm như trước đây.
Không riêng gì 3 công trình nói trên, ở Nghệ An còn có rất nhiều công trình nước sạch làm buồn lòng mong đợi của người dân. Có thể kể đến như: Nhà máy nước sạch xã Nghi Diên (Nghi Lộc) lấy nước sông không đảm bảo vệ sinh, hạn chế về công nghệ xử lý và thiếu vốn để duy tu, bảo dưỡng nên nguồn nước cấp ra cho người dân không đảm bảo vệ sinh, có những ngày không thể sử dụng được vì quá bẩn. Nhà máy nước xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu) bị đội vốn hàng chục tỷ đồng mà sau nhiều năm xây dựng vẫn chưa thể hoàn thành. Hệ thống nước sạch ở xã Châu Thành (Quỳ Hợp) hoàn thành vào năm 2014, chỉ sau 1 năm hoạt động, công trình đã phải bỏ hoang, nằm phơi nắng, phơi mưa…
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 512 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung tại 17 huyện, trong đó, chỉ có 105 công trình được đánh giá hoạt động hiệu quả, 171 công trình hoạt động trung bình, 105 công trình hoạt động kém hiệu quả và 131 công trình ngừng hoạt động…. Một số huyện như Đô Lương thậm chí toàn bộ nhà máy nước trên địa bàn đều đang dừng hoạt động.