Những người đầu tiên trò chuyện với F0 trong tâm dịch Gò Vấp

Thảo Huyền

Hơn một tuần trôi qua, gần triệu dân ở Gò Vấp phải đối mặt với 'cơn bão Covid-19', cũng ngần ấy thời gian, căn phòng trong Trung tâm Y tế quận chưa bao giờ tắt đèn.

 

"Em ơi, mình có kết quả dương tính với Covid-19 rồi. Anh gọi báo cho em biết...". Đầu dây bên kia ngập ngừng, sau đó là tiếng nức nở.

"Em chuẩn bị ít tư trang, quần áo. Chút nữa bên anh sẽ đến gặp em điều tra dịch tễ nhé!"

Ngắt máy, bác sĩ Trần Hoàng Hà, cán bộ điều tra dịch tễ, Trung tâm Y tế quận Gò vấp, thở dài. Suốt một tuần trôi qua kể từ khi Gò Vấp trở thành tâm dịch Covid-19, tiếng khóc nấc của F0 nhận kết quả, tiếng chuông reng reng giữa đêm khiến anh và các đồng nghiệp ám ảnh.

"Sếp bảo nghề y có khi chỉ chứng kiến cảnh này một lần trong đời. Thôi cố lên", chị Hà Thị Lệ Hằng, chuyên viên Phòng Kế hoạch nghiệp vụ, vỗ vai động viên đồng nghiệp.

Từ khi TP.HCM bùng phát dịch Covid-19 liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp trở thành điểm nóng. Ca nhiễm xuất hiện khắp nơi, kéo theo hàng trăm F1 và F2, áp đảo số lượng nhân viên y tế. Tất cả cán bộ, nhân viên y tế quay cuồng giữa núi công việc bất kể đêm ngày.

Cuộc nói chuyện kéo dài 3 tiếng với F0 trong đêm

Sau khi gọi điện thoại thông báo kết quả dương tính cho 2 bệnh nhân, anh Hà vơ vội túi nylon phía sau bàn làm việc, bỏ thêm ít quần áo bảo hộ, cồn khử khuẩn, một chiếc bút cùng quyển sổ tay.

Đêm nay, anh sẽ đến gặp 2 bệnh nhân này để điều tra dịch tễ, ghi lại thông tin di chuyển, tiếp xúc của họ. Khác với lực lượng xét nghiệm, đêm nay, đội truy vết chỉ vỏn vẹn một người.

Cuộc truy vết đêm 2/6, lúc 20h, một cán bộ điều tra, một nhân viên y tế dẫn đường, trên 2 chiếc xe máy.

Căn nhà của F0 nằm sâu trong con hẻm trên đường Phạm Văn Chiêu. Len lỏi qua 3 ngóc ngách nhỏ chỉ vừa 2 chiếc xe máy, anh Hà có mặt tại nhà bệnh nhân chỉ sau 10 phút.

Anh Hà mặc đồ chống dịch, di chuyển vào nhà của F0 tại con hẻm trên đường Phạm Văn Chiêu.

“N. ơi, anh đến rồi nhé. Em cứ ngồi trong nhà, anh nói chuyện một chút”, nam bác sĩ trong bộ quần áo chống dịch kín mít, đứng trước cửa nhà bệnh nhân N. nói vọng vào.

Bệnh nhân N., 29 tuổi, nhân viên một công ty ở quận Tân Bình, nơi đã có hơn 50 người dương tính với nCoV.

Anh Hà kéo ghế ngồi cách F0 khoảng 3 m và bắt đầu cuộc nói chuyện như hai người bạn. Sau khi hỏi thông tin khái quát về nơi sống, làm việc, anh bắt đầu đi vào chi tiết lịch sử di chuyển.

Bác sĩ Hà ngồi trước của nhà một F0, trò chuyện với họ để lấy thông tin về lịch sử dịch tễ.

"Hôm nay em đi đâu, còn hôm qua thì sao, em có đi bầu cử và làm căn cước công dân không, tháng này có dự tiệc hay sinh nhật bạn không, có hẹn hò cà phê hay đi chơi ở đâu không…?"

Anh Hà liên tục gợi nhớ cho F0 các địa điểm di chuyển. Thấy lịch trình bệnh nhân không nhiều, anh Hà kiên trì hỏi tiếp: “Trên đường đến đây, anh thấy nhiều tiệm tạp hóa và có Bách hóa Xanh nữa, em có đến đây mua gì không? Em xem lại lịch sử giao dịch tài khoản thử xem sao”.

Bệnh nhân xem lại sao kê tài khoản, từ đó nhớ ra lịch trình đến siêu thị gần nhà và ghé cả Bách hóa Xanh. Anh Hà thở phào, ghi thông tin quan trọng này vào sổ.

Những địa chỉ F0 từng đến được anh Hà ghi chi tiết vào sổ.

Vợ bệnh nhân hỏi thêm anh Hà các thông tin về địa điểm cách ly, điều trị và xin được đi cùng chồng. Biết điều này không thể, chị đứng nép phía sau nhà, bật khóc.

Sau khi điều tra dịch tễ, anh Hà kết bạn Zalo với bệnh nhân để tiện trao đổi dịch tễ và giải đáp thắc mắc. Cuối cùng, anh hướng dẫn họ các lưu ý trong thời gian tự cách ly, chờ xe chuyên dụng đến đón.

“Nhiệm vụ của người điều tra dịch tễ là làm sao cho bệnh nhân nhớ càng nhiều địa điểm di chuyển càng tốt. Càng nhiều thông tin, mình truy vết cực hơn nhưng sẽ không bỏ sót người có nguy cơ. Có hôm mình ngồi liên tục hơn 3 giờ”, anh Hà vừa nói, vừa cởi bỏ lớp bảo hộ sau khi được đồng nghiệp xịt khuẩn.

Anh Hà trở về sau khi nói chuyện với F0 tại đường Phạm Văn Chiêu, phường 9.

"Bao giờ mới hết F0!"

Trở về phòng Hành chính, anh Hà tiếp tục nhấc máy, gọi điện thoại cho bà ngoại của F0 đã về Đồng Tháp. Đầu dây bên kia, F1 cho biết được người thân thông báo trước đó nên đã chuẩn bị tinh thần cách ly.

Chị Hà Thị Lê Hằng, chuyên viên phòng Kế hoạch nghiệp vụ, đứng cạnh vừa lắc đầu thương cụ bà 73 tuổi phải trở thành F1 vừa nói: “Bao giờ mới hết F0 đây nhỉ!”.

Anh Hà trở về bàn làm việc, làm báo cáo dịch tễ của bệnh nhân dương tính.

Reng Reng Reng… Chiếc chuông điện thoại lần nữa đánh bay bầu không khí đang trĩu nặng ở phòng Hành chính. Cuộc gọi từ khu cách ly, một trường hợp F1 thông báo có triệu chứng khó thở, mệt mỏi.

Nhân viên của Trung tâm Y tế quận Gò Vấp khẩn trương mặc đồ chống dịch để di chuyển F1 có triệu chứng đi điều trị.

Ngay lập tức, xe cấp cứu chuyên dụng được điều động đến hỗ trợ. Hai cán bộ mặc quần áo bảo hộ, đưa trường hợp F1 lên băng ca, đến thẳng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để lấy mẫu xét nghiệm và theo dõi tình trạng sức khỏe.

“Hy vọng bác ấy không sao”, một nhân viên y tế nói khẽ. Tuy nhiên, ai cũng ngầm hiểu F1 này đã có triệu chứng điển hình của Covid-19.

Bệnh nhân có triệu chứng khó thở nên nhân viên y tế đặt bình oxy trên xe cấp cứu.

Cách khu hành chính khoảng 100 m là không gian làm việc của khoa Xét nghiệm. Hơn ai hết, họ tự xác định bản thân là người dễ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 nhất trong quá trình làm việc.

Khoa Xét nghiệm tiếp nhận, xử lý hàng nghìn mẫu bệnh phẩm mỗi đêm.

Chị Trương Nguyễn Hoài Trâm, nhân viên phòng Xét nghiệm, cho biết từ khi Gò Vấp trở thành tâm dịch, hành lang phòng Xét nghiệm luôn sáng đèn đến 3-4h sáng.

“Khi mẫu về, chúng tôi sẽ kiểm tra tổng số lượng mẫu, giấy thông tin bệnh nhân, sắp xếp mẫu và kiểm tra mã code dán trên ống chứa mẫu. Phải kiểm tra từng ống, từng tờ thông tin, nếu hai mã code không trùng nhau, xem như mẫu không hợp lệ. Ngày cao điểm lên hàng nghìn mẫu”, chị Trâm chia sẻ.

Sáng sớm, anh Phạm Tuấn Anh, nhân viên khoa Kiểm soát Bệnh tật, có mặt tại trung tâm. Hơn một tuần qua, anh Tuấn Anh cùng tài xế Thanh đã đón hàng nghìn F1 về các khu cách ly tập trung.

7h, nắng đã bắt đầu gắt. Xe cấp cứu hú còi thẳng hướng về trung tâm quận, lao qua chốt barie đã mở sẵn, dừng trước hẻm nhà F1.

Mỗi chuyến xe chỉ đón 3-4 người đến khu cách ly. Ngày cao điểm, anh Tuấn Anh đón hàng trăm người.

“Đứng im tại đó đi em!”, anh Tuấn Anh giơ tay ra hiệu cho F1. Sau đó, anh đến khử khuẩn tay, hành lý và tay nắm cửa mỗi khi có F1 lên khoang sau xe.

Sau mỗi chuyến đi, anh Tuấn Anh cẩn thận khử trùng toàn bộ trong và ngoài xe.

Nhiều ngày qua, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp và hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế từ các bệnh viện đổ về hỗ trợ lấy mẫu, tuy nhiên, số mẫu được lấy đến nay chỉ khoảng 20% so với toàn bộ dân số quận Gò Vấp.

Cán bộ Trung tâm Y tế quận Gò Vấp phối hợp Bệnh viện Quân y 175 lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công nhân tại phường 14.

Căn phòng không bao giờ tắt đèn

Từ khi ổ dịch Hội thánh Truyền giáo Phục hưng bùng phát, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp trở thành nơi nóng nhất với khối lượng công việc khổng lồ, từ điều tra dịch tễ, xét nghiệm, chuyển mẫu, cách ly và vận chuyển F1 đến các công việc hành chính, văn phòng, thống kê, tổng hợp tình hình.

Sáng giao ban, bác sĩ Hòa hướng dẫn nhanh cách vẽ sơ đồ chuỗi ca nhiễm để dễ dàng theo dõi.

Mỗi sáng, đúng 7h30, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, có mặt ở phòng Hành chính. Buổi giao ban diễn ra nhanh chóng vì các số liệu đã được báo cáo online mỗi sáng.

Sau khi nghe sơ bộ tình hình, bác sĩ Hòa nhấn mạnh: “Mục tiêu trước hết của chúng ta là làm sạch cộng đồng. Hiện tại, số F0 của quận là 66 người. Đêm qua, tổng số mẫu lấy được là 6.463 người. Các anh, chị nhanh chóng vẽ lại sơ đồ lây nhiễm của các ca mắc mới”.

“Điều chúng ta lo lắng hiện tại là F0 ngẫu nhiên trong cộng đồng. Đường lây nhiễm có thể xuất hiện tình huống bất ngờ”, ông nói.

Ngày làm việc của Trung tâm Y tế quận Gò Vấp bắt đầu với hàng loạt cuộc điện thoại. Người giải thích cho F1, F2 quy trình kết thúc cách ly, người thông báo kết quả xét nghiệm. Trong khi những cán bộ khác sẵn sàng quần áo bảo hộ vào kiểm tra sức khỏe F1 tại khu cách ly.

Cứ cách vài phút, nhân viên phòng Hành chính lại nghe một cuộc điện thoại.

Thậm chí, cán bộ, trưởng phòng kiêm luôn nhiệm vụ chuyển hàng, tài xế. Đó là anh Nguyễn Văn Thình, chuyên viên khoa Dược và anh Lê Hoàng Bính, Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ.

Mỗi chiều, anh Bính và anh Thình rời phòng hành chính, khuân vác cơ số thùng vật dụng, môi trường, ống chứa mẫu, đồ chống dịch… và chuyển về điểm lấy mẫu tại các phường. “Tình hình này thì phân chia chi nữa. Mỗi người phụ nhau một việc, cố gắng sớm ổn định tình hình”, anh Thình nói.

Bữa tối dã chiến của cán bộ, nhân viên Trung tâm Y tế quận Gò Vấp lúc 19 giờ.

Để đảm bảo công việc và cũng bảo vệ cho người thân trong gia đình, hầu như nhân viên xét nghiệm ăn uống, nghỉ ngơi ngay tại cơ quan. Số giờ chợp mắt cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Mỗi người thay phiên nằm nghỉ ngơi tạm, do đó mà phòng Hành chính, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp chưa khi nào tắt đèn.

Khung cảnh phòng Hành chính ở Trung tâm Y tế quận Gò Vấp lúc 1h sáng.

23h, tạm xong báo cáo điều tra dịch tễ của 2 ca dương tính tối nay, bác sĩ Trần Hoàng Hà mở điện thoại ngắn hình 2 con nhỏ. Tối 26/5, khi nhận cuộc điện thoại thông báo ca F0 đầu tiên, anh hôn con rồi phóng xe đi truy vết cùng đồng nghiệp trong đêm.

“Cứ ngỡ 1-2 ngày là xong. 3h sáng, nhận tin ca 4 dương tính là gia đình của người đứng đầu hội thánh. Sáng hôm sau nữa thì số ca tăng chóng mặt, tôi tay chân bủn rủn, không tin vào mắt mình”, anh Hà kể lại.

Vợ anh Hà là cán bộ trạm y tế. Cả hai vợ chồng đều công tác chống dịch, hai con nhỏ gửi lại cho hàng xóm trông nom.

Còn với chị Bích Vân, nhân viên phòng hành chính, từ ngày 27/5 đến nay đã ở hẳn tại trung tâm. “Từ ngày vợ vắng nhà, chồng con lại ngoan hơn, tự biết chăm sóc nhau và thay phiên gọi video cho mẹ báo cáo tình hình. Hôm nào mệt và nhớ nhà quá, tôi ghé qua nhà nhưng chỉ đứng trước cửa phòng nhìn con ngủ”, chị Vân kể.

Tối muộn, chị Bích Vân gọi điện thoại hỏi thăm tình hình ở nhà. Chị vẫn hay nói đùa với đồng nghiệp là mình có "chồng trẻ con thơ".

Những ngày này, đêm ở Gò Vấp yên ắng lạ lùng. Đâu đó vang vọng tiếng còi của xe cấp cứu như xé tan không gian tĩnh lặng. Nhiều người nhìn nhau, thầm hy vọng chuyến xe đừng chở thêm nỗi buồn.