Bạn đọc có địa chỉ tại hòm thư (nguyet.hoang1987...@gmail.com) hỏi: Tôi và chồng đã ly hôn xong nhưng chưa tách hộ khẩu, bây giờ tôi muốn tách khẩu nhưng chồng tôi không cho cầm hộ khẩu đi tách. Vậy tôi tách mà không cần bản gốc đó được không?
Luật sư Ngô Văn Thăng - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn:
Thứ nhất, về thủ tục tách hộ khẩu
Điều 27 Luật cư trú quy định:
“1. Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:
a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;
b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.
2. Khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”
Ảnh minh họa
Thứ hai, về thủ tục đăng ký thường trú
Điều 21 Luật cư trú quy định:
“1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:
a) Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;
b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
2. Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:
a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;
b) Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật này;
c) Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.
3. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”
Trong đó, để được cấp giấy chuyển hộ khẩu cần sổ hộ khẩu và phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
Như vậy để được tách hộ khẩu và thay đổi nơi đăng ký thường trú, bạn luôn phải cần có sổ hộ khẩu và ý kiến của chủ hộ. Nếu chủ hộ vẫn cương quyết không chấp nhận cho bạn tách hộ khẩu thì chủ hộ có thể bị cưỡng chế và xử phạt hành chính theo Nghị định số 167/2013/NĐCP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình.
Theo giadinhvietnam.com