Những triệu chứng ở bàn chân có thể là dấu hiệu của bệnh tim

Bệnh tim mạch là do các rối loạn liên quan đến sức khỏe của trái tim và mạch máu gây suy yếu khả năng làm việc của tim. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào về bệnh tim, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

Theo các chuyên gia, bàn chân cách khá xa tim nhưng lại tiết lộ rất nhiều điều về sức khỏe của tim cũng như quá trình tuần hoàn máu của bạn.

Bác sĩ chuyên khoa tại Phòng khám Bàn chân Hongkong Sean Farnan cho biết vai trò chính của hệ thống tim mạch là cung cấp máu đi khắp cơ thể, trong khi bàn chân hỗ trợ khi chúng ta di chuyển.

Chúng ta cần vận động để duy trì sức khỏe tim mạch tốt, nhưng mối quan hệ giữa tim và chân còn sâu sắc hơn thế và một số vấn đề về tim và mạch máu có xu hướng xuất hiện trước ở chân, bác sĩ Sean Farnan cho biết.

Vì vậy, việc phát hiện các dấu hiệu cảnh báo trước khi quá muộn có thể cứu sống được bạn. Nhiều người trong chúng ta nhận thức được một số triệu chứng phổ biến nhất, chẳng hạn như đau ngực. Tuy nhiên, những triệu chứng khác ít được biết đến và ít rõ ràng hơn.

Trong một số trường hợp, những triệu chứng này có thể xuất hiện ở những nơi khó có thể xảy ra nhất và ít ai ngờ tới nhất - bao gồm cả bàn chân.

Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD), có ba dấu hiệu báo động đỏ về các vấn đề tim mạch cần chú ý ở bàn chân và ngón chân.

Đời sống - Những triệu chứng ở bàn chân có thể là dấu hiệu của bệnh tim

Sưng, phù nề bàn chân dấu hiệu cảnh báo của bệnh tim.

Sưng, phù nề ở bàn chân

Bàn chân bị sưng cũng như cẳng chân và mắt cá chân là một trong những triệu chứng của bệnh tim.

Về mặt y học, nó được gọi là phù nề, đây có thể là dấu hiệu cho thấy "tim bạn không hoạt động bình thường".

AAD giải thích: "Nhiều bệnh về tim khiến chất lỏng tích tụ ở bàn chân và cẳng chân của bạn.
Khi chất lỏng tích tụ, bạn có thể thấy sưng tấy, có thể kéo dài đến tận bắp chân và háng".
Nguyên nhân phổ biến gây phù nề ở chân là suy tim sung huyết khiến một hoặc cả hai buồng dưới của tim bơm máu kém hiệu quả. Kết quả có thể là máu ứ lại ở chân, mắt cá chân và bàn chân, gây sưng tấy.

Ngón chân xanh

Đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bị tắc nghẽn mạch máu.

AAD cho biết: "Khi bạn quá lạnh, da của bạn có thể chuyển sang màu xanh lam (hoặc tím).
Nếu một vùng da của bạn có màu xanh lam (hoặc tím) khi bạn ấm, đó có thể là dấu hiệu máu của bạn không nhận đủ oxy.

Nếu không được điều trị, tình trạng thiếu oxy có thể khiến da và các mô bên dưới cuối cùng bị chết".

Thuật ngữ y học cho hiện tượng này là chứng xanh tím.

Các cục u đau ở ngón chân

Những cục u này trên ngón chân của bạn được gọi là nút Osler và cũng có thể ảnh hưởng đến các ngón tay.

AAD cho biết: "Nếu bạn bị nhiễm trùng tim được gọi là viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, những cục u đau đớn này có thể phát triển ở ngón tay, ngón chân hoặc cả hai nơi.

Các cục u có thể tồn tại trong vài giờ đến vài ngày.

Trong khi các khối u tự biến mất, bệnh nhân cần được điều trị nhiễm trùng.

Vì nhiễm trùng này là do vi khuẩn gây ra nên thuốc kháng sinh thường có thể điều trị được. Đôi khi, phẫu thuật cũng cần thiết".

Nếu bạn mắc bệnh tim mạch, điều quan trọng là phải chăm sóc đôi chân để giúp kiểm soát tình trạng của bạn. Ví dụ, bạn cần giảm lượng muối ăn hằng ngày để giúp giảm phù nề. Bác sĩ cũng gợi ý nên đọc kỹ nhãn thực phẩm để biết mình thực sự đang tiêu thụ bao nhiêu natri.

Bệnh tim là một trong những bệnh nguy hiểm, diễn biến hết sức phức tạp và là một bệnh có nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nguy cơ tử vong, gánh nặng cho ngành y tế. Vì vậy, khi thấy có biểu hiện nghi ngờ người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị bệnh kịp thời.

Một trái tim khỏe mạnh có thể giúp bảo vệ sức khỏe của đôi chân và bàn chân của bạn.