Nới lỏng giãn cách xã hội, loại hình kinh doanh nào ở Hà Nội được hoạt động trở lại?

Thảo Huyền

Từ ngày 23/4, một số hoạt động kinh doanh, vận tải tại Hà Nội chính thức được hoạt động trở lại nhưng vẫn buộc phải tuân thủ các quy định an toàn trước dịch COVID-19, theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố, phiên thứ 36 vào tối 22/4, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, từ 0h ngày 23/4, tại các quận huyện trên địa bàn (ngoại trừ các ổ dịch tại huyện Mê Linh và Thường Tín), các hoạt động kinh tế sẽ được nới lỏng dần.

Đối với cửa hàng ăn, khi mở cửa trở lại, các chủ cửa hàng phải sắp xếp các bàn ăn đảm bảo khoảng cách an toàn, có tấm chắn bằng mika hoặc giấy bóng để tránh lây nhiễm.

Đối với các trung tâm thương mại, siêu thị cũng phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách, đo thân nhiệt, có nước sát khuẩn.

Đối với công trình xây dựng thì chủ xí nghiệp, chủ công trình xây dựng phải chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch, khuyến khích công nhân ghi nhật ký lịch trình để truy xuất nhanh lịch trình trong trường hợp cần thiết.

Nới lỏng giãn cách xã hội, loại hình kinh doanh nào ở Hà Nội được hoạt động trở lại? - Ảnh 3.

Toàn cảnh cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố, phiên thứ 36 vào tối ngày 22/4.

Từ ngày mai cho đến 30/4, Hà Nội cho phép Tổng công ty vận tải và các đơn vị làm dịch vụ vận chuyển được hoạt động lại với công suất từ 20-30% đối với xe taxi, xe Grab nhưng phải đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch.

Chủ tịch UBND TP đề nghị người dân khi tham gia giao thông, nhất là người đi xe máy cần giữ khoảng cách khi dừng đèn đỏ bởi có nút giao thông vào thời điểm đó có thể lên tới hàng trăm, nghìn người. Lực lượng chức năng cần hướng dẫn cụ thể người dân.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu các bệnh viện được nhận bệnh nhân để điều trị và phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Các trường hợp những bệnh nhân nặng chỉ cho phép một người nhà vào chăm nom.

Đối với quán bar, karaoke, massage, trò chơi điện tử… vẫn phải đóng cửa đến ít nhất là sau 30/4, theo quy định của Chỉ thị 15.

Đặc biệt, chưa tổ chức các hoạt động tập trung đông người, lễ hội văn hóa, thể thao.

Nới lỏng giãn cách xã hội, loại hình kinh doanh nào ở Hà Nội được hoạt động trở lại? - Ảnh 4.

Các cửa hàng ăn uống bắt đầu được hoạt động trở lại nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn trước dịch COVID-19.

Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh rõ, Hà Nội nghiêm cấm hoạt động quán nước chè và quán bán trà chanh vỉa hè, bởi những quán nước này có ghế ngồi thấp, nguy cơ lây nhiễm cao.

Bên cạnh đó, Hà Nội bố trí 4 địa điểm khách sạn 4 sao cho các phi công nước ngoài chở hàng từ các nước. Ở các bếp ăn cơ quan phải thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu, dù được nới lỏng giãn cách nhưng mọi người phải hình thành thói quên đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, ở cơ quan; ra vào mọi nơi cần rửa tay, tiếp tục khuyến cáo người dân không có việc cần thiết thì không ra ngoài.

Khu dân cư, tổ dân phố phải hình thành thói quen khi có dấu hiệu ho sốt, đau họng phải liên hệ ngay với cơ quan y tế; không tụ tập đông người…

Chủ tịch UBND TP nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng là cần "xác định sống trong trạng thái có dịch" và công tác phòng chống dịch COVID-19 sẽ chuyển sang giai đoạn mới với thời gian dài hơn mà như Thủ tướng nói rõ là "đến khi nào có vaccine mới coi là hết dịch".

Chủ tịch UBND TP nêu: "Giả sử trong trường hợp có vaccine vào cuối năm nay. 1 năm mới chỉ có vài trăm triệu liều trong khi dân số thế giới thì chưa thể có vaccine đại trà ngày mà còn phụ thuộc năng lực sản xuất, không thể có ngay trong ngày 1 ngày 2 chưa kể còn phải tuân thủ quy trình thử nghiệm".

Cũng từ 0h ngày 23/4, huyện Mê Linh và Thường Tín là địa bàn có nguy cơ nên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.

Hai địa phương này cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ ở các thôn cách ly, đảm bảo tốt nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân.

Các cửa hàng không thiết yếu không được mở cửa; tuyên truyền động viên người dân tiếp tục thực hiện cách ly tốt 8 ngày nữa đến 30/4.

 

Phong Linh