không à.”
Người đàn ông tiếc rẻ vài chục nghìn cho ly cà phê ông từng uống ở Sài Gòn nhưng lại sẵn sàng bỏ tiền túi cả trăm triệu đồng để dựng cho những người không quen biết một mái nhà che mưa che nắng.
Hơn 300 ngôi nhà trong 17 năm
4h sáng, Tư Kiềm tỉnh giấc theo thói quen, không cần đến báo thức. Vận quần áo chỉnh tề, ông bắt đầu làm lễ, bước tới bước lui, khấn vái tứ phương. Xong xuôi, ông dắt chiếc xe máy đã đi cả mấy chục năm nay đến gõ cửa từng nhà. Đây là căn thứ 2 mà nhóm của ông dựng lên trong tháng này. Bên ngoài, trời vẫn tối mịt.
Ông Tư theo Phật Giáo Hòa Hảo, mỗi sáng sớm và chiều tối ông lại làm lễ theo nghi thức. |
Nơi ông Tư dựng nhà cách 1 tiếng chạy xe máy. Đến nơi, trời cũng vừa tảng sáng. Cả nhóm liền bắt tay ngay vào việc.
"Đây là ông Bảy, cả nhà chỉ có mỗi chiếc giường đặt trên nền bê tông được xã hỗ trợ. Con trai ông ấy đến tìm gặp tui để xin ngôi nhà. Mình thì cứ theo thứ tự ai đến trước thì có trước nhưng nếu ai cần gấp hơn thì cũng phải xem xét lại để ưu tiên."
Vì cha bệnh, luôn cần người ở bên coi sóc nên anh Hải không thể đi làm kinh tế cho gia đình. Trong lúc nhà được ông Tư tu sửa, cha con anh ngồi đợi bên lề đường. |
Nói rồi ông Tư cùng anh em sắp xếp gỗ theo số thứ tự đã đánh dấu, phần làm trụ, phần làm mái. Số gỗ này ông thuê xe chở đến đây từ vài ngày trước. Ông cũng cúng bái thổ địa trước khi bắt tay vào dựng nhà.
Căn nhà này khó hơn các nhà ông từng làm vì diện tích dựng nhà chi vỏn vẹn 16 m2, trong khi trước giờ ông luôn làm cố định 28 m2. Ông buộc phải tính toán, cắt xén lại gỗ sao cho phù hợp. Nếu thời tiết thuận lợi, sẽ mất khoảng 2 giờ đồng hồ để dựng xong một ngôi nhà.
Toàn bộ gỗ và mái tôn ông tặng gia chủ. Còn tôn bao quanh nhà, ông cũng đi kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ và hỗ trợ lắp đặt.
Những người đồng hành với ông, phần lớn đều ở độ tuổi U70. Nhiều người bỏ công việc đang làm để cùng ông đi làm từ thiện. |
Nhớ lại ngày khiến ông quyết định công việc này, ông kể: "Có một lần tui đi hái thuốc nam, thấy một thanh niên khỏe mạnh đang rượt đuổi bà cụ. Tui dừng lại can ngăn và được biết nhà của hai mẹ con bị sập nhưng người con không chịu sửa sang, mẹ đi tìm thì đuổi đánh. Tui về mà suy nghĩ mãi."
Hôm sau, ông rủ thêm vài người nữa đến dựng nhà cho bà cụ. Từ đó, ông bỏ hẳn nghề thuốc nam để tập trung đi dựng nhà miễn phí. Những người bạn của ông mỗi người một tay giúp sức. Tiếng lành đồn xa, không chỉ ở Cần Thơ mà người dân các tỉnh khác như Sóc Trăng, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau cũng tìm đến ông. Cái tên "ông Tư lục tỉnh" cũng vì thế mà ra.
Ông bảo trời thương Phật độ nên chưa ai bị tai nạn lúc làm việc. Thậm chí nhiều người còn coi ông như Phật sống, quỳ xuống cúi lạy khi ông vừa cất xong cho họ ngôi nhà.
4 trong số gần 400 căn nhà ông Tư đã dựng. Ông không ghi chép bằng sổ sách mà chỉ tính nhẩm trung bình mỗi tháng dựng 2 căn. "Dựng được nhiêu cái thì dựng chứ cũng không cần nhớ chính xác làm gì", ông Tư cười. |
Gia tài của ông lão U70
Sắp xong nhà cửa cho hai cha con, nhóm ông Tư đi ngược lên xóm trên mua gỗ. Để tiết kiệm chi phí và đảm bảo chất lượng gỗ dựng nhà được tốt nhất, ông không mua ở các xưởng mộc đã xẻ sẵn mà tìm mua cây của người dân địa phương. Hễ chỗ nào đánh tiếng có cây cần bán là ông đều tìm đến mua bằng được. Nhiều người biết ông cũng gọi cho ông để lại gỗ với giá tốt nhất.
Mỗi người một việc bắt tay vào đốn gỗ. Người cưa, người xẻ. Chặt hạ xong, ông thuê xe mang về nhà. Những thân gỗ to tròn ngâm dưới dòng sông Hậu từ năm nay qua năm khác. Ông bảo đó là cả gia tài của mình, cả trăm ngôi nhà đang đợi để được cất lên. Mỗi lần có nhà cần dựng, ông kéo lên phơi nắng lột vỏ.
Nỗi lo lớn nhất của ông già U70 là mỗi mùa nước về hay bão lũ. Nước dâng cao cuốn theo gỗ. Những lúc ấy ông chỉ biết đứng nhìn bất lực.
Mỗi cây gỗ có giá mấy chục triệu đồng, đắt hơn xưởng bán nhưng ông vẫn chọn mua bởi chất lượng có thể yên tâm dựng nhà. |
Để một ngôi nhà được hoàn thiện, nhóm ông phải mất nhiều ngày trước đó để tính toán cắt xẻ. Phần gỗ này để làm cột, phần gỗ kia để làm mái. Có những ngày 2,3 người làm nhưng có những ngày chỉ một mình ông làm bạn với tiếng máy cắt và mùn cưa.
Trước khi làm công việc này, ông Tư từng chạy ghe, hái thuốc nam nhưng bỏ ngỏ. |
"Ông già tào lao lo chuyện bao đồng"
"Ông già tào lao không à? Nhà mình chưa lo nổi đi lo cho người khác. Rồi ông lấy tiền đâu mà làm miết?"
Ngày đầu làm công việc này, ông nghe hoài những lời gièm pha nhưng rồi cũng bỏ ngoài tai. "Nghe họ thì giờ 400 căn nhà đâu được dựng, bao người vẫn phải ở ngoài trời", ông nói.
Mỗi căn nhà chi phí gần 20 triệu đồng. Đó thực sự là số tiền không hề nhỏ đối với một người nông dân như ông. Ông đã lấy từ tiền hai vợ chồng dành dụm cả đời cùng tiền các con biếu dưỡng già.
Mỗi lần mang tiền đi mua gỗ, ông lại nhận được tiếng thở dài của bà Tư, người vợ sát cánh cùng ông mấy chục năm qua. Đây cũng là điều khiến ông nghĩ ngợi nhất. "Cũng lo cho bà ấy nhưng có để dành cả tỷ bạc thì chết có mang theo được đâu, trong khi có nhiều người cần đến những đồng tiền này hơn tui bấy giờ."
Sau 2 năm đầu tiên còn nhiều nghi ngại về công việc chồng mình làm, cuối cùng bà Tư cũng nghĩ xuôi. "Thôi thì cản ông ấy không được, tui cũng không căng thẳng quá để cho ông ấy còn yên tâm làm việc. Thấy ông ấy vui khi làm công việc đó thì mình cũng phải ủng hộ thôi", bà Tư nói rồi cúi xuống nhặt tiếp bó rau để chuẩn bị bữa trưa cho mọi người.
"Bà ấy cũng yếu rồi nên tui tính tới đây đặt cơm tiệm cho mọi người, để bà ấy nghỉ ngơi. Một ngày nấu cho tui 6,7 bình thủy là nhiều rồi".
Ông bà Tư trước ngôi nhà của mình được cất lên từ mấy chục năm nay. Ngôi nhà đã cũ mòn theo thời gian, có thể không to và đẹp như những ngôi nhà ông đã dựng suốt 20 năm qua nhưng là nơi cho ra đời nhiều mái ấm khác. |
Điều lo lắng nhất của ông Tư bây giờ là nhân công. Cách đây vài ba năm khi mọi người còn đông đủ sát cánh bên ông, có những lúc lên đến 40 người cùng nhau đi làm từ thiện. Nhưng tuổi già và sức khỏe khiến nhiều người không thể tiếp tục, ông phải đi mướn người chặt cây, chi phí vì thế mà cũng tăng lên.
"Chỉ mong cái thân già này thật khỏe để tiếp tục làm việc hoặc tìm được mấy người trẻ tuổi để truyền lại công việc cho là tui mãn nguyện lắm rồi", ông Tư đưa đôi mắt trông chừng lũ trẻ đang bơi lội trên dòng sông Hậu. Dòng sông đang ôm trọn những thân gỗ vào lòng.