Cũng từ đây bắt đầu phải ăn toàn lương khô thịt hộp. Ăn ngày 3 bữa, đến ngày thứ hai là ruột gan thấy xót như cào rồi. Hôm sau chúng tôi tìm được đường 72, các thủ trưởng nói đây là đường Bắc tiến do thằng Diệm xây dựng năm xưa. Vào đường này xe phải chạy chậm, căn đường sao cho xe đi giữa hai hàng lá cây xanh do công binh dò mìn đánh dấu. Thỉnh thoảng nhìn thấy quả mìn chống tăng to như cái nón ở vệ đường do công binh gỡ ra để lại mà thấy kinh. Bắt đầu gặp đường nhựa thấy các đồn bốt địch bỏ lại. Hàng rào dây thép gai quấn tầng tầng lớp lớp, phía trong nhìn thấy hàng vỏ đạn pháo xếp như hàng rào. Chiều tà vượt qua cầu phao do Mỹ làm rất chắc và đoàn sẽ ngủ lại ven bờ nam sông Hương. Lúc này Huế đã được giải phóng.
Tối hôm đó ngủ tại Cô nhi viện bờ nam sông Hương. Khi Thủ trưởng Phùng Minh gõ cổng nhà chùa, một sư nữ trẻ và rất xinh ra mở cổng. Sau khi trình bày lý do, nhà sư mời đoàn vào. Người thì chào sư thày, người thì sư bà, người thì sư cô, thậm chí có người gọi là sư cụ. Tôi thì chào là sư thày. Điệp trêu tôi: “Nhà sư này trẻ và xinh thế, mày phải chào là sư cô hay sư em chứ”. Tôi bảo: “Chào thế là láo, người ta đuổi ra, thủ trưởng mắng cho bỏ mẹ”. Cuối cùng thủ trưởng Tam bảo gọi là Sư cô.
Đến muộn, nên bữa tối hôm đó lại thịt hộp và lương khô. Ăn xong mọi người chia nhau ngủ và phân công canh gác. Khi vào phòng có khoảng 4-5 giường bé bé. Do tôi bé và thấp nên nằm vừa đẹp, nhưng anh nào cao dài thì khó khăn nhưng dù sao cũng thích hơn ngủ ở rừng nằm võng cong cả lưng. Tôi và Điệp ngủ gần nhau, đang thiu thiu ngủ thì thấy tiếng lục cục ở gầm giường. Tôi bào hình như có người. Điệp bật dậy với khẩu AK lên đạn quát: “Ai?”. Thấy im. Tôi cũng lăm lăm khẩu K54, soi đèn vào gầm giường. Đâu có gầm, mà cái giường của chúng tôi thực ra là cái hòm to, lật chiếu lên thấy có nắp. Tìm cách mở nắp thì thấy mấy con chuột phi ra, giật cả mình. Đêm vắng vẻ yên tĩnh, xa xa thỉnh thoảng có tiếng súng rời rạc
Sáng ra nghe các thủ trưởng bảo, khẩn trương tìm đường vào Đà Nẵng, Bộ chỉ huy chiến dịch (Đoàn Q) sẽ hội quân ở Sư 3 của VNCH ở đó. Chúng tôi nổ máy lên đường. Xe chạy một hồi dài thì gặp đường 1, xuôi về phía nam, gần trưa thì đến một cái phà (do cầu bị phá) phải chờ. Dừng ven đường, dưới rặng cây nấu ăn, nhiều đứa trẻ thấy bộ đội mon men vào xem. Chúng có vẻ lạ lắm vì có lẽ nó không nghĩ bộ đội giải phóng mà trẻ trung, khỏe mạnh như vậy. Ăn xong vẫn phải chờ đợi để lên phà. Rỗi rãi, một người lính nhảy lên chiếc xe M113 của địch bỏ lại ven đường chĩa súng lên trời bắn nghịch làm cả đoàn quân nhốn nháo và bị quát. Trong lúc chờ, các xe nhích dần lên thì một người lính phăng phăng chạy vào sâu phía trong. Nhiều người nói thằng kia chắc “Tào Tháo đuổi” hay sao mà chạy nhanh thế thì bỗng “ầm” một cái. Trúng mìn rồi! Thế là một người lính hy sinh trên đường làm nhiệm vụ.
Gần đến đầu bến phà, tranh dành quyết liệt hơn. Một người trong đoàn tôi nói, cho xe đoàn Q ưu tiên đi trước thì có tiếng nói to: “Ở đây không có ưu tiên, Q hay con cu cũng thế, thằng nào mạnh thằng ấy đi”. May đoàn chúng tôi có đại đội Biệt động của Bộ tổng tham mưu đi theo để bảo vệ. Mấy anh nhảy xuống mặt hầm hầm, thằng nào bảo con Cu, Cu đây, đang ngứa ngáy chân tay muốn đánh nhau đây! Thế là mấy tay lái xe đơn vị bộ binh chùn hẳn. Tranh thủ lúc họ tranh cãi nhau, xe tôi vọt lên phà, đoàn xe của Bộ tư lệnh nối đuôi theo luôn. Lên phà. Xe tôi đỗ cạnh một xe Jin 130 chở lính đoàn 559. Bỗng có người kêu to: “Ơ Thằng Hoàn, cháu thằng Hưởng tụi mày ơi!”. Hóa ra đoàn xe của chú ruột tôi. Ông đi bộ đội trước tôi khoảng 10 năm, chuyên nằm rừng để sửa xe cho đoàn 559. Mấy ông này năm 1971, trước khi đi vào nam cùng với chú tôi đã vào nhà tôi chơi để chia tay và gặp tôi. Lúc đó tôi hãy còn là thằng nhóc, há mồm nghe các chú kể chuyện chiến trường. Họ bảo: “Bọn chú vào tiếp quản Đà Nẵng, còn cháu đi đâu?”. Tôi cười: “Cháu cứ đi với các thủ trưởng thôi, không biết đi đến đâu”.
Vượt qua sông rồi qua đèo Hải Vân. Hai bên đường xe tăng, ô tô quân giặc cháy, bỏ lại, súng đạn rơi vãi đầy ở dọc đường. Nhớ khi xuống đến chân đèo phía nam có một xưởng sửa chữa xe của quân đội ngụy ở bên tay trái. Trên tường có tờ áp phích rất to hình ảnh một người lính cầm mỏ lết to đang tháo ốc ở áo con của một cô gái xinh đẹp, ăn mặc như tắm biển. Xe vào giữa thành phố Đà Nẵng. Do các xe cùng vào rất đông, nên tắc đường. Trong khi chờ thông đường, thấy mấy bà bán thuốc lá rong, tôi gọi một bà lại hỏi mua một bao thuốc. Thấy lạ, thuốc lá gì mà cán dài thế, trông rất đẹp và không giống thuốc lá ngoài bắc lúc đó. Với lại cũng muốn thưởng thức của lạ nên tôi hỏi mua 01 bao. Họ bảo có tiền ông Thiệu không? Tất nhiên là không có rồi, thế là họ không bán. Đã không bán mà nói còn khó nghe: “Tiền của các ông, lấy rồi vứt đi chứ sao tiêu được. Mấy hôm nữa ông Thiệu đánh ra, các ông chạy hết lên rừng, thì tiền chả vứt đi à?”. Không trách họ, vì những người lính như chúng tôi cũng nghĩ cuộc chiến sẽ còn lâu dài cơ mà. Cuối cùng tôi với Điệp cũng mua được 01 bao Batto của Pháp. Cầm điếu thuốc có cán thấy hoành tráng và oai oai. Nhưng vừa rít là sặc luôn, nặng còn hơn cả thuốc lào. Hút được mấy hơi rồi vứt, mất toi 5 đ (số tiền đó về sau vào Sài Gòn mua được một cái đồng hồ đẹp). Thông đường, chúng tôi rẽ phải, qua tượng Phật bà lên núi ở phía tây thành phố, căn cứ sư đoàn 3 của Mỹ trước kia và cũng là sư 3 của VNCH sau này. Thủ trưởng Phùng Minh thông báo: “Đoàn sẽ đóng quân ở đây chờ lệnh!”
Vừa đến căn cứ sư đoàn 3, các thủ trưởng bảo hôm nay nấu cơm ăn thôi, xót ruột quá rồi. Gạo thịt hộp có rồi, vấn đề là rau ăn. Tôi bảo ở đây có nhiều cây chuối, lấy cây chuối thái xào với thịt hộp là ngon đấy. Thế là người nấu cơm, người chặt cây chuối để thái. Vấn đề là thái chuối, vì đâu có dao phay để thái mỏng mà chỉ có toàn dao găm thôi. Lưỡi dao thì dày nên thái miếng to và dày. Thế rồi trộn với thịt hộp xào lên, mọi người ăn rào rào, ai cũng khen ngon. Tư lệnh khen: “Các cậu nấu ngon, cứ thế phát huy!”.
Tối hôm đó tôi với Điệp ngủ ở khu gia binh. Phòng có giường chiếu hẳn hoi, dấu tích một gia đình binh lính sinh sống vẫn còn. Đêm xuống yên tĩnh ngủ ngon. Sáng hôm sau có cơ hội ngắm toàn cảnh căn cứ sư đoàn 3. Căn cứ nằm trên sườn núi, doanh trại rải rác trên các sườn núi cao. Đường vào căn cứ rải nhựa át- phan hẳn hoi, đường xoay tròn lên gần đỉnh. Nhìn bên trái có những đường xe tăng đi, cao và gấp. Thủ trưởng Minh bảo đường tập xe tăng của nó đấy, rất bài bản và hiện đại. Xa xa nhìn thấy toàn cảnh thành phố Đà Nẵng. “Ngày trước chắc đánh vào căn cứ này rất khó”- tiếng một sỹ quan tác chiến nhận xét.
Buổi chiều chúng tôi đi ra bán đảo Sơn Trà. Đến Sơn Trà chúng tôi vào một tổng kho của địch. Đường vào lại bừa bãi vũ khí đạn dược, quân áo đồ đạc vứt lung tung. Vào kho thấy có nhiều hàng hóa các loại. Tôi nhặt 02 quạt bàn vứt lên xe. Thấy túi cơm khô là lạ, xem nó cũng là đồ ăn sẵn, rất tiện, chỉ cần đổ nước vào, 15’ sau chờ cơm nở ra là ăn được. Thích quá tôi làm 01 thùng to vứt lên xe tính chuyện ăn dần. Chúng tôi ở Đà Nẵng vài hôm. Thấy một thủ trưởng ở ban tác chiến được Tư lệnh giao cho soạn điện để gửi về bắc có mấy ý, một là gửi khoảng 40 lính lái tăng vào gấp để lái xe tăng địch, hai là gửi bao nhiêu tấn đạn nổ, đạn xuyên cho xe tăng. Vì biết chuyện đó, nên hôm sau khi gặp Tư lệnh, tôi đề nghị cho sang lái xe tăng vì tôi nghe nói xe M48 lái vô lăng, biết lái xe ô tô có thể lái được loại xe này. Tưởng được ủng hộ, nào ngờ bị mắng té tát, nào là việc đi với chúng tớ không quan trọng à, sắp tới đây đánh nhau ác liệt, còn phải thay nhau lái.
Ở khu gia binh, khắp nơi tôi thấy đồ đạc, thậm chí cả súng đạn vứt lung tung. Xác định chiến đấu lâu dài nên tôi đã nhặt một vài khẩu súng vứt trên xe. Thế rồi một đêm bỗng có tiếng nổ, rồi nổ to như bom. Chúng tôi vội vàng thu dọn đồ đạc lên xe, nhanh chóng rời khỏi căn cứ chạy về thành phố Đà Nẵng. Về sau mới biết đêm đó có một người lính gác hút thuốc lá, vứt tàn thuốc làm cháy quần áo, đồ đạc trên mặt đất. Sau đó lửa cháy to, sức nóng kích nổ các quả mìn địch gài lại. Mìn nổ kích kho bom nằm phía dưới lòng đất nổ theo.
Đến đây hình như Đoàn Q đã hội tụ đủ, đó là Bộ chỉ huy cánh quân Duyên Hải đứng đầu là Trung tướng Lê Trọng Tấn. Bộ chỉ huy cơ bản có đủ các bộ tư lệnh các quân binh chủng. Lúc này cảng Đà Nẵng đã làm việc, nghe nói bắt đầu có tàu há mồm cập cảng chở lính - trong đó có lính lái tăng, xe pháo, đạn dược từ bắc vào. Trên đường tiến vào nam, quân đi quá đông, hừng hực khí thế. Cảm giác của tôi lúc đó đúng là thế. Tuy nhiên do đông, lại tranh nhau vào nên nhiều chỗ lại tắc đường.
Trên đường 1 lúc đó, các cầu lớn từ Huế vào địch rút đến đâu phá đến đó, bộ đội công binh phải làm cầu đường, nơi nông thì đổ đá làm đường ngầm, sâu thì bắc cầù phao, thậm chí phải đi phà. Trên đường đi gặp rất nhiều đoàn xe kéo pháo, xe chở bộ binh, thậm chí thấy cả tên lửa SAM2 mà dân gọi là máy bay con, nhưng không gặp xe tăng của ta. Theo chiều ngược lại là người dân, lúc quân ta đánh họ bỏ chạy, giờ thấy bình yên họ quay về. Trong đoàn người đó có rất nhiều lính ngụy, đặc điểm chung là mặc quần đùi, áo phông xanh, đi thất thểu lẫn trong dân. Trưa lại ăn đồ hộp và lương khô, tối mới ăn cơm. Ngủ ngay ven đường, mắc võng vào những vườn cây ăn quả của dân và trên xe.
Vượt qua sông Thu Bồn, đường tốt nên xe chạy bon bon. Đến chân đèo Cả, đang tránh đoàn xe đoàn 559 dài dằng dặc ngược ra bắc, tự nhiên tôi nghe thấy tiếng gọi: “Hoàn, Hoàn ơi tao đây!”. Nhìn ra thấy thằng Phương, bạn học từ hồi cấp 2, nhập ngũ 1968, lái xe Hồng Hà nhảy xuống. Tôi cũng nhảy xuống, hai thằng ôm lấy nhau mừng quá. “Tao vừa chở đạn cho quân đoàn 2 xong”- Phương nói. Tôi bảo “cánh quân của bọn tao đấy. Tao đi đây, nếu về Bắc qua nhà bảo bố tao nhé, đi Nam chưa kịp báo tin cho gia đình”. Thế đấy bạn bè gặp nhau nơi chiến trường đột ngột và chia tay nhau cũng rất nhanh. Vượt đèo Cả, lúc bấy giờ đèo cũng cao, nhưng đi dễ dàng hơn các đèo trên con đường14 nhiều…
PGS.TS Đàm Khải Hoàn nguyên trung sỹ lái xe BTL Thiết giáp