PGS.TS Đàm Khải Hoàn nguyên trung sỹ lái xe BTL Thiết giáp và Ký sự “Đường ra trận” - Phần 3

Biên tập viên

Đoàn chúng tôi dừng chân ở một làng phía nam Khánh Hòa, cách Phan Rang khoảng 30 km trong rừng cây ăn quả của dân. Trong lúc các thủ trưởng họp  bàn cho trân đánh Phan Rang thì chúng tôi nghỉ ngơi, bảo dưỡng xe. Một hôm có một người mẹ trẻ dẫn hai đứa bé đến xin ăn: “Ông giải phóng ơi con đói, mẹ con bị lạc mấy ngày nay không được ăn gì rồi”. Tôi thấy người mẹ còn rất trẻ, khá xinh và hai đứa trẻ cũng kháu khỉnh, nên thương tình và không cần cảnh giác gì lấy đồ ăn đem cho luôn. Mỗi người một bánh lương khô cứu đói đã. Ăn xong, bọn trẻ chạy chơi loanh quanh, người mẹ ngồi nói chuyện với chúng tôi. Cô ấy kể chồng cô là lính VNCH, là Trung sỹ nhất. Chồng đi lính cho ông Thiệu, lương được 7000d (Bằng tiền một cái đài Nhật 3 băng lúc đó), vợ 2-3000, con 1-2000/đứa. Tóm lại đủ ăn, ngoài ra ở khu gia binh các bà vợ buôn bán lặt vặt, nhất là hàng viện trợ của Mỹ nên sống khỏe. Cô ấy kể khi xe tăng quân Bắc Việt vô gầm rú, bọn lính chồng cô khiếp vía vứt súng bỏ chạy. Thế là vợ con cũng chạy, hỗn loạn và lạc nhau luôn. Đồ đạc, lương thực không mang theo nên đói. Tôi bảo mọi người cho cô ấy một ít lương thực thực phẩm. Mọi người đồng ý, vì hôm ở Đà Nẵng chúng tôi lấy được khá nhiều. Thế là tôi lên xe xúc cho mấy cân gạo, mấy bao cơm khô…cho vào một cái túi để người mẹ khoác. 

img-4221-1742892966.jpeg

Chỗ chúng tôi đóng quân là vườn hoa quả, nên khi ngủ mắc võng lên các cây khá tiện. Ban ngày ngoài bảo dưỡng, kiểm tra xe sẵn sàng đợi lệnh, chúng tôi thay nhau đi kiếm cá cải thiện. Có hôm mấy thằng đang tát cá ở một cái đìa khoảng10 m2 giữa cánh đồng. Mỗi thằng chúng tôi một mũ cối tát thật lực, khoảng 01 tiếng thì cạn, được đầy một thùng lương khô. Về chế biến thành canh cá, cá kho cho bữa ăn. Đến bữa, thủ trưởng nào ăn cũng khen ngon, biểu dương anh em, động viên tiếp tục. Hôm tôi đi lấy xăng ở kho xăng gần sân bay Nha Trang, thấy hai cái quạt nhặt ở Đà Nẵng chả làm được gì, chỉ chật xe nên tôi ném vào đống dây thép gai bùng nhùng quấn quanh bồn xăng ở sân bay. Khi ném quạt đi Điệp còn cằn nhằn mang mãi còn được, vứt đi phí quá. Tôi cười chắc còn nhặt được nữa mà…………..
Sáng 16.4.1975 cuộc tấn công giải phóng Phan Rang của binh đoàn Hương Giang bắt đầu. Từ sở chỉ huy tiền phương, chúng tôi sẵn sàng đợi lệnh. Ngoài kia pháo nổ ì ùng, máy bay địch bay lượn rồi tiếng bom nổ. Theo xe tăng từ Huế đi vào, hôm nay thực sự mới gọi là trận đánh ác liệt. Trên trời máy bay quân địch quần đảo, dưới dất bọn chúng chống trả quyết liệt nhưng không nổi. Bộ đội ta ào ào tiến quân vào thành phố. Khi vào đến cửa ngõ Phan Rang, đoàn xe bị máy bay oanh tạc một số chiến sỹ hy sinh. Chúng ta bắt đầu có tổn thất, xe ô tô cháy, xe tăng của ta cũng bị bắn cháy. Nhìn xe tăng mình bị cháy, đồng đội hy sinh, cảm giác trong tôi hờn căm, xót thương lẫn lộn. 
Lúc này trong đoàn, các xe con phân tán theo các thủ trưởng. Xe chở tư lệnh Vũ đi ngay sau đoàn xe tăng của Lữ đoàn 203. Khi vào đến trung tâm thành phố, đến một ngã tư, vết xích xe tăng lung tung không rõ xe đi hướng nào. Nam lái xe hỏi: “Đi hướng nào?”. Tư lệnh chỉ theo vết xích xe tăng kia. Thế là Nam đi vào hướng đó. Bỗng nhìn phía trước thấy một đoàn quân không rõ ta hay địch. Nam kêu hình như vào chỗ có địch rồi. Tư lệnh căng mắt nhìn: “Đúng, đúng quay xe ngay!”. Nam quay xe lập tức, nhưng do đường hẹp, xe Bắc Kinh tay lái rất ít, nên phải hai đỏ mới ra được. Khi vào đỏ thứ hai, phía sau địch đã phát hiện, chúng nằm ra bắn. Ngay loạt đạn đầu tiên đạn trúng bánh xe sau gây nổ lốp, xe chạy kiểu 3 chân ngoằn ngèo chữ chi nên đa số đạn trượt. Trên xe mọi ngưới cúi rạp, Nam ghì chặt tay lái. Đạn bắn vào xe làm vỡ kính chắn gió, sượt đầu mọi người. Đồng chí liên lạc cũng kịp bắn một băng AK trả lại. Chạy một quãng ngắn gặp một đơn vị bộ binh, Tư lệnh xuống trao đổi với chỉ huy, rồi quay lại đánh một trận là tan. 
Chiều hôm đó quân ta hoàn toàn làm chủ Phan Rang, toàn đoàn đóng quân ở ngoại ô phía nam, cách Phan Rang về phía nam khoảng 5-10 km. Hôm đó khi tập trung, Tư lệnh rất vui, vui vì thắng trận, chắc cũng vui vì thoát chết. Vừa xi- nhan cho các xe ô tô đỗ gọn, vừa nói: “Hôm nay nhờ có thằng Nam nhanh nhẹn chứ không có bọn mình bị địch bắt rồi, thậm chí hy sinh. Tớ thì không tiếc, 56 tuổi rồi còn gì, chỉ thương các cậu còn trẻ quá. Nhưng mình lo nhất là không tiêu hủy kịp tài liệu”.  Cũng ngay chiều hôm đó còn một sự kiện nữa, đó là mấy anh em đi tiểu ở phía sau, bắt được một lính ngụy quần đùi, áo phông đang nấp trong vườn mía. Khi nhìn thấy, tôi rút súng chưa kịp hô thì nó đã dơ tay đầu hàng rồi và lắp bắp nói xin các ông đừng bắn. Một thằng bọn tôi chạy về báo chỉ huy. Tư lệnh bảo dẫn vào, bảo tôi và cậu liên lạc cầm hai khẩu AK chĩa vào tù binh để thủ trưởng hỏi cung. Hóa ra thằng này là đại tá lữ trưởng lữ đoàn dù vừa được Thiệu điều ra tăng cường để tử thủ Phan Rang. Tôi thấy các thủ trưởng không cần tra tấn, chưa cần hỏi nó đã khai hết rồi. Không hiểu nó nhìn tư lệnh trông dữ tướng  hay hai thằng tôi với hai khẩu AK sẵn sàng bóp cò mà khai răm rắp, thậm chí xin bản đồ tác chiến để chỉ cho các vị trí bố phòng. Tư lệnh bảo lời khai của nó rất quan trọng cho chúng ta triển khai các trận đánh tiếp.
Sáng sớm hôm sau, đoàn chúng tôi đi theo theo đường 11 qua đèo Ngoạn Mục để lên Đà Lạt. Tôi nhớ đèo cao và dài đi mãi đến trưa mới lên được đỉnh đèo, nhìn lại thấy toàn cảnh thành phố Phan Rang phía xa. Khi qua thành phố Đà Lạt, đoàn xe chạy vòng qua các phố, bà con nhất là các cô thiếu nữ xinh tươi đổ ra hai bên đường tay cầm cờ giải phóng vẫy chào. Sau có người đếm được cả đoàn hơn 200 xe con xe tải tất cả. Qua Đà Lạt về đến huyện Bảo Lộc, chúng tôi nghỉ đêm ở một đồn điền cà phê nghe nói ông chủ là người Pháp. Đêm ấy ngủ trong nhà, cạnh những bao cà phê, tôi còn bốc vài bốc to cho vào túi để lên xe để rỗi thì sẽ chế biến để uống. Sáng hôm sau tiếp tục đi một quảng đường tốt nữa rồi rẽ vào đường rừng, rừng già vì bên cạnh toàn cây to. Rồi chúng tôi đi qua con đường đầy cây đổ ngang đường. Chiều tối vào đến cánh rừng toàn tre gai, bạt ngàn tre gai thuộc miền đông Nam Bộ. Có lệnh dừng lại đóng quân tại đây, bên dòng suối Kiết. 
Khi đến nơi đóng quân, tôi và Điệp ra suối để lấy nước rửa mặt và chân tay. Suối khô cạn kiệt hết nước rồi chỉ còn một vũng. Lúc bộ đội mới đến còn là vũng nước to, múc xô hay bằng thùng lương khô được, còn đến khi chúng tôi đến thì chỉ còn vũng nước rất nhỏ chảy từ trong cát ra. Tôi được nhắc đi phải cẩn thận, đầu tiên lấy được bát con nước nhẹ nhàng đổ vào bi đông để uống, còn lại đổ vào khăn mặt để lau mặt lau người do bụi đường bám. Bát thứ hai thì phải lấy thìa múc vào bát đầy thì mới đổ vào khăn mặt để lau tiếp. Phải mất khoảng 15 phút mới được 3 bát nước. Rửa xong hai thằng quay về xe. Đến nơi thấy mọi người gọi ra chỗ thủ trưởng Phùng Minh ăn thịt kỳ đà. Dọc đường qua rừng nhìn thấy con kỳ đà trên cây ông bắn được. Mang về chất củi nướng luôn, tôi được ông xẻo cho một miếng, thấy thịt trắng như thịt gà xong ăn rất dai…Tôi còn nhớ khi chúng tôi đang ăn, nghe thấy tổng thống Thiệu đọc diễn văn từ chức trên đài Sài Gòn qua một đài bán dẫn của một thủ trưởng. Nó chửi Mỹ ghê quá. Nói thực lúc đó tuy ta thắng trận như chẻ tre nhưng chưa ai nghĩ là sẽ giải phóng được Sài Gòn… Một đêm ngủ ngon lành ở ven bờ suối Kiết. …
Sáng hôm sau đoàn lại hành quân, lại xuyên qua rừng già, nhưng đường mới mở, cây đổ ngổn ngang. Tôi phải gồng lên giữ chặt tay lái. Đi mới được một lúc mà cách tay đã mỏi dừ. Đi mãi, chỉ thấy có rừng và rừng. Chiều muộn, đoàn dừng chân trong cánh rừng tre ta bạt ngàn, ven dòng sông Ray nhiều nước và trong xanh. Chúng tôi nhận được lệnh của các thủ trưởng: “Đóng quân ở đây!”. Lại vòng trong là các tướng Bộ tổng tham mưu, vòng giữa là các tướng lĩnh của các bộ tư lệnh quân binh chủng. Vòng ngoài là đại đội quân ,báo của Bộ tổng tham mưu và lính tráng bọn tôi. Hai bên bờ sông vẫn bạt ngàn tre gai. Tìm mãi cũng được chỗ mắc võng ven sông, vừa mát vừa thoáng. 
Đoàn chúng tôi nghỉ ngơi ở đây mấy ngày. Trong khi các thủ trưởng vắt óc nghĩ cách điều binh, khiển tướng. Bọn lái xe thỉnh thoảng sử dụng người này người kia đi thực địa còn đa số được nghỉ ngơi, kiểm tra xe, sẵn sàng hành quân tiếp. Lúc giờ mới có thời gian ngắm nhìn các xe của bọn tôi: Tiêu điều quá, bạt che xe rách nhiều, cờ giải phóng cắm tai xe cũng bị rách bươm... Không sao, miễn máy nổ ròn, bánh quay đều và phanh còn ăn là tốt rồi. Tranh thủ lúc dỗi dãi tôi, Điệp, Hòa đi đào cua để cải thiện. Trong rừng rất nhiều hang cua, nhìn trên bề mặt chỉ là cái lỗ con con, đào sâu xuống, có lỗ sâu gần mét thấy con cua nằm trong ít bùn. tóm ngay. Thế mà một buổi chiều cũng được vài chục con, một nồi canh ngon lành. Sống bên sông Ray, nên tha hồ tắm bơi lội cũng thích. Có một chuyện đáng nhớ ở đây là một hôm một thằng trong bọn tôi phát hiện khúc sông phía trên chỗ bọn tôi ở có các chị em tắm không quần áo (nhóm này hình như bộ phận phục vụ của Bộ tổng tham mưu như chị nuôi, thông tin, y tế…thì phải). Thế là mấy thằng kéo lên phục kích ngắm các chị tắm – tuổi trẻ mà. Món này tôi cũng ngài ngại nhưng mấy thằng kia rủ hăng quá đành đi theo. Núp trong lùm cây theo dõi như mấy ông đặc nhiệm rình thám báo. Trong lùm cây rậm vén là cây nhìn xuống. Trời, trông như các nàng tiên cá, trắng trẻo, mập mạp... Mải ngắm, vô tình một thằng dẫm vào cành cây khô rắc một cái. Thấy động, các chị kêu ré lên: “Có địch bọn mày ơi!” làm mấy thằng chạy vội, không nhanh thì ăn đạn của các chị như chơi…
       Xuân Lộc giải phóng. Thế là lệnh di chuyển được phát ra. Toàn đoàn Bộ chỉ huy di chuyển đến một bìa rừng cao su ở ấp  Dầu Giây. Tại đây, Bộ chỉ huy chiến dịch vẫn đóng quân theo ba vòng như thường lệ. Giờ tôi mới biết thế nào là cây cao su. Gốc cao su có vệt cạo mủ, người ta hứng mủ cao su bằng bát rất đẹp. Tôi tranh thủ lấy mấy miếng cao su dính ở bát, hy vọng sau này mang về, cho xăng vào để làm nhựa vá săm xe đạp. Ở đó, tôi với Điệp mắc hai võng gần nhau. Điệp là người ít nói và hay im lặng, nhìn nó buồn buồn. Tôi nghĩ chắc nó đang nhớ vợ, tôi thì vô tư hơn. Nằm trên võng nghĩ miên man về Bắc, mình đi xa quá rồi, mãi cánh rừng miền đông nam bộ, chẳng biết bao giờ mới quay trở về  bắc được…

PGS.TS Đàm Khải Hoàn nguyên trung sỹ lái xe BTL Thiết giáp