Liên quan đến việc sự cố hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng ở dãy nhà gần Bệnh viện Nhi Trung ương khiến 2 người và nhiều tài sản bị thiệt hại, ngày 22/9, trả lời PV VTC News, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: "Để có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật, các cơ quan tố tụng cần phải làm rõ nguyên nhân. Nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ khởi tố điều tra và xử lý người có hành vi phạm tội".
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, trường hợp nguyên nhân cháy là do lỗi vô ý, bất cẩn của cá nhân trong sinh hoạt là nguyên nhân trực tiếp phát sinh hỏa hoạn gây hậu quả thiệt hại về tính mạng, tài sản thì sẽ có dấu hiệu phạm tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 315 Bộ luật hình sự 2015.
Trường hợp nguyên nhân cháy là hành vi cố ý phóng hỏa đốt nhà gây hậu quả thiệt hại về người và tài sản thì cá nhân đó sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội giết người và Tội hủy hoại tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 123 và Điều 178 Bộ luật hình sự 2015.
Thi thể nạn nhân vụ cháy được lực lượng chức năng đưa khỏi hiện trường trong đêm 21/9. (Ảnh: Phạm Chiểu)
Luật sư Thơm cũng cho biết, căn cứ vào Nghị định của Chính phủ, quy định danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, dãy nhà trọ cấp 4 của ông Hiệp không thuộc danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC nên không bắt buộc phải lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, chủ nhà và người thuê phải thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC theo Điều 9 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định về điều kiện an toàn về PCCC như đối với hộ gia đình: “Nơi đun nấu, nơi thờ cúng, nơi có sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, hệ thống điện, thiết bị sử dụng điện phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy; Tài sản, vật tư, chất cháy phải được bố trí, sắp xếp, bảo quản và sử dụng đúng quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy; Có phương tiện chữa cháy phù hợp với đặc điểm hoạt động và điều kiện của từng hộ gia đình”.
Nguồn: VTC News