Hùng Thị Niệm (SN 1989, trú tại bản Xiềng, xã Đôn Phục, huyện Con Cuông) và Hùng Thị Liêm (SN 1996, trú tại bản Thái Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương) là 2 chị em ruột. Niệm và Liêm đều lấy chồng Trung Quốc. Trong quá trình sinh sống, Niệm biết được nhu cầu lấy vợ Việt Nam của đàn ông tại đây rất cao nên nảy sinh ý định về Việt Nam tìm người lừa bán sang Trung Quốc. Tháng 10/2016, khi về nước, Niệm sử dụng mạng xã hội kết bạn và làm quen với các cô gái trẻ ở quê nhà.
Không lâu sau đó, người phụ nữ này làm quen được với cháu X.T.M. (SN 2001) trú tại xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn. Qua quá trình chuyện trò, tâm tình trên mạng, Niệm biết được cháu M. có cuộc sống gia đình nghèo khó, muốn tìm việc làm có thu nhập tốt. Ngay lập tức, Niệm ngon ngọt chia sẻ hoàn cảnh, rồi đưa “mồi nhử” rủ rê cháu M. sang Trung Quốc làm việc ở xưởng sản xuất gấu bông và may quần áo. Thị hứa chắc nịch rằng sang đó sẽ được bao ăn ở, lương tháng 10 triệu đồng. Nhẹ dạ cả tin, cháu M. nhận lời đi theo.
Niệm gọi cho em gái của mình là Hùng Thị Liêm về Việt Nam đón cháu M. đưa sang Trung Quốc. Khi sang đến nơi, M. bị bán cho người hơn tuổi cha mình làm chồng. Sau khi bán cháu M., Niệm nhận được 180 triệu đồng. Niệm gửi về cho bà cháu M. 20 triệu đồng và trả công cho em gái 10 triệu đồng. Ngày 21/12/2018, cháu M. được lực lượng chức năng giải cứu thành công, đưa trở về Việt Nam. Sau khi về nước, cháu M. đã làm đơn tố cáo chị em nhà Hùng Thị Niệm đến cơ quan cảnh sát điều tra.
Đây chỉ là một trong nhiều vụ việc nạn nhân bị sập bẫy mua bán người do nghe theo lời dụ dỗ, lôi kéo trên mạng xã hội. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, ở tận những bản làng vùng sâu, vùng xa, việc sử dụng điện thoại di động thông minh đã trở nên quen thuộc với phần lớn người dân. Sẵn phương tiện kết nối nhưng mặt bằng dân trí, nhận thức còn nhiều hạn chế, nhiều trẻ vị thành niên không đủ hiểu biết, tỉnh táo để phân biệt đúng sai, thật giả từ những thông tin trên mạng. Khi nghe nói có người tuyển công nhân vào công ty làm việc, tuyển nhân viên bán hàng, tuyển lao động nữ đi làm thuê hoặc rủ đi buôn bán với mức thù lao cao, công việc nhàn hạ…, các em dễ dàng tin tưởng đi theo.
Bên cạnh đó, qua theo dõi, triệt phá các chuyên án, lực lượng công an cho biết, không ít tội phạm mua bán trẻ em là người thân, người quen của các nạn nhân. Có nhiều vụ án mà tội phạm là dì ruột, hàng xóm, bạn bè của bố mẹ… Như trường hợp của cô bé Kha H.L. (12 tuổi, trú tại bản Minh Phương, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương). L. bị bắt cóc năm 7 tuổi, kẻ bắt cóc không ai xa lạ, là một người bạn của mẹ L. Bà Lương Thị Liên – mẹ L. vào tù do dính vào buôn bán ma tuý. Những năm ở tù, bà Liên quen với một người ở chung trại giam tên là Hoàng Thị Canh. Lúc cả 2 ra tù, bà Liên vào điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tương Dương thì người bạn tên Canh này đến thăm. Khi đến, thấy cô bé L. xinh xắn, ngoan ngoãn, bà Canh nhỏ nhẹ hỏi han rồi rủ em xuống TP. Vinh mua sách vở, quần áo chuẩn bị bước vào lớp 1.
Kha H.L. nhớ lại: “Cháu thấy đi lâu mà chưa được về nhà nên hỏi bà, thì bà nói điện thoại hết tiền, không có xe nên không về được. Cháu khóc đòi về, cháu không muốn mua sách vở, quần áo nữa, cháu sợ lắm…”. Ở nhà, thấy em gái đi lâu chưa về, anh trai L. là Kha Văn Biển nhờ người quen báo công an. 16 ngày sau, lực lượng công an đã bắt giữ được Hoàng Thị Canh khi đối tượng đang lẩn trốn tại TP. Huế, giải cứu thành công cô bé Kha H.L.
Đáng chú ý, còn có một số đối tượng là phụ nữ địa phương trước đây chính là nạn nhân của tội phạm mua bán người, hoạt động trong các ổ nhóm mại dâm hoặc tự nguyện bỏ đi lấy chồng Trung Quốc, nay lại trở về địa phương để thực hiện hành vi phạm tội. Thủ đoạn của các đối tượng mua bán người là khi đưa nạn nhân đi, chúng thường không cho họ mang theo tiền bạc, tài sản có giá trị nhằm hạn chế bỏ trốn. Âm mưu, ý đồ của các đối tượng không chỉ dừng lại ở việc bán nạn nhân để bóc lột sức lao động, làm gái bán dâm hay bán làm vợ mà đã xuất hiện tình trạng dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ có thai từ 6 – 8 tháng có hoàn cảnh khó khăn để đưa sang Trung Quốc sinh con, sau đó bán con rồi lấy tiền về nước.
Công an tỉnh cho biết, trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người, trong đó có mua bán trẻ em ở Nghệ An mặc dù được kìm giữ nhưng có lúc, có nơi còn tiềm ẩn phức tạp. Thực tế điều tra, phá án cho thấy, một số trường hợp bị hại do mặc cảm nên không khai báo hoặc bị hại đang ở nước ngoài. Có những vụ việc người viết đơn tố giác không phải là nạn nhân bị bán, mà chỉ là người thân trong gia đình, trong khi chính người thân cũng không biết rõ đối tượng lừa bán, hoặc không xác định được nạn nhân là con, em mình hiện đang ở đâu. Thậm chí, nhiều nạn nhân là trẻ em, độ tuổi nhỏ, nhận thức hạn chế đã nghe theo sắp đặt của tội phạm, dấu giếm gia đình trốn đi nên phần nào gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, thu thập tài liệu của lực lượng chức năng.
Một thực tế khác là tội phạm mua bán người thường hình thành các đường dây, tổ chức chặt chẽ, nằm rải rác ở các tỉnh, thành trong cả nước, thậm chí ở nước ngoài với thủ đoạn hoạt động tinh vi, xảo quyệt, có nhiều phương thức đối phó với cơ quan chức năng. Công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh với tội phạm mua bán người mặc dù được cải thiện nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn, do nhiều nguyên nhân như về thủ tục tư pháp, rào cản ngoại giao, hệ thống pháp luật…
Với chính quyền cấp xã là đơn vị sâu sát, có vai trò quan trọng không thể thiếu trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em cũng nêu những khó khăn trong thực tế. Ông Lương Thịnh Vượng – Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn cho biết, đối tượng tội phạm hướng đến chủ yếu là phụ nữ, trẻ em nghèo, nhận thức hạn chế, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; trong khi đó công tác truyền thông, tuyên truyền nhìn chung hiệu quả chưa sâu rộng. Ông Vượng nói: “Tôi đến tận bản tuyên truyền, họ nói thẳng là chồng, cha bọn em nghiện ngập, không nuôi nổi bọn em. Chủ tịch xã có nuôi nổi bọn em không?”. Mặt bằng kinh tế thấp, nhận thức hạn chế nên vẫn có lúc, có nơi người dân có hiện tượng bao che, không khai báo chính xác về hành tung tội phạm.
Cùng với lực lượng công an, lực lượng bộ đội biên phòng có nhiệm vụ quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em trên tuyến địa bàn vùng biên. Báo cáo tình hình 6 tháng đầu năm 2019 của phòng Phòng chống ma tuý và tội phạm, Bộ đội biên phòng Nghệ An nhận định, tội phạm mua bán người có nhiều diễn biến phức tạp và xu hướng gia tăng; quy mô, tính chất, thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ.
Đại tá Nguyễn Chí Tý – Trưởng phòng Phòng chống ma tuý và tội phạm cho biết, các vụ việc thường xảy ra mau lẹ trong một thời gian ngắn, có lúc chỉ trong vài ba ngày; tội phạm mua bán người tạo mọi lý do, cắt thông tin liên lạc, đe doạ, khống chế, ràng buộc về kinh tế khi thân nhân, gia đình nạn nhân đã nhận tiền, nên nạn nhân không có điều kiện, khả năng và lý do để tố giác tội phạm. Bên cạnh đó, việc chuyển hoá tài liệu trinh sát để đấu tranh với đối tượng phạm tội mua bán người gặp nhiều khó khăn, do các đối tượng tội phạm thường thống nhất với nhau về cách thức khai báo trước khi bị phát hiện, bắt giữ…
6 tháng đầu năm 2019, lực lượng công an các địa phương đã phá nhiều chuyên án, bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội mua bán trẻ em. Điển hình tháng 3/2019, Công an huyện Thanh Chương bắt giữ Vi Thị Hoài T. (SN 1980) trú tại bản Khe Chi, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương và Ngân Thị Đ. (SN 1988) trú tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương về hành vi mua bán trẻ em; giải cứu thành công nạn nhân Lô Thị Q. (SN 2001) và Nguyễn Thị Thanh T. (SN 1999) cùng trú tại bản Mon, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương bị bán sang Trung Quốc giữa năm 2014. Ngày 3/4/2019, Công an huyện Kỳ Sơn phá chuyên án bắt giữ Moong Văn L. (SN 1973), trú tại bản Khe Tỳ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn và Lìn Thị T. (SN 1977) trú tại bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn về hành vi mua bán trẻ em; giải cứu nạn nhân là cháu Lương Thị L. (SN 2001) trú tại bản Khe Tỳ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn bị bán sang Trung Quốc từ tháng 5/2009. |