Cụ thể, sáng ngày 22/7, anh Nguyễn Quang Trung (SN 1978, trú tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) gọi điện đến đường dây nóng của Truyền hình Người đưa tin pháp luật, báo tin bị một nhóm người đến chiếm giữ, phá nhà.
Anh Trung là một nông dân trồng hoa ở Tây Tựu. Nhiều năm trước, do thiếu vốn làm ăn, mở rộng quy mô trồng hoa, anh Trung có vay lãi ngày dạng “tín dụng đen” với một người phụ nữ tên Phượng, cùng trú ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Quá trình vay mượn, anh Trung đều trả gốc và lãi sòng phẳng, theo đúng thỏa thuận giữa hai bên, với mức lãi suất 4000 đồng/triệu/ngày. “Sổ đỏ” nhà anh Trung cũng cắm ở ngân hàng, và bà Phượng là người đáo hạn giúp.
Anh Trung thông tin thêm: Để được giảm lãi suất, giữa gia đình anh Trung và bà Phượng đã có thoả thuận uỷ quyền sử dụng “sổ đỏ” sang cho bà Phượng để “làm tin”, khi nào anh Trung trả hết gốc và lãi thì bà Phượng trả lại “sổ đỏ”. Bằng cách này, anh Trung được giảm lãi suất xuống còn 3000 đồng/triệu/ngày, tiếp đó là 2000 đồng/triệu/ngày.
Nhóm người khóa trái cổng, cố thủ trong nhà. |
Về sau, anh Trung muốn trả tiền để lấy lại “sổ đỏ”, nhưng giữa hai bên xảy ra mâu thuẫn. Anh Trung nói, ban đầu chủ nợ đòi 3,1 tỷ đồng, nhưng sau đó lại đổi ý muốn lấy nhà đất. Phía anh Trung thì muốn trả tiền, chứ không muốn bán nhà đất của tổ tiên.
Lúc này, “sổ đỏ” đã được sang tên để “làm tin” theo thỏa thuận hai bên. Còn trên thực tế, tài liệu chứng cứ thể hiện quá trình trả tiền lãi và gốc hàng tháng. Nên về bản chất đây không phải việc chuyển nhượng, sang tên “sổ đỏ” thực sự, mà là một giao dịch nhằm đảm bảo cho giao dịch vay mượn tiền giữa hai bên.
Luật sư Nguyễn Đông Khánh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích: Theo Khoản 1 Điều 203 Luật đất đai quy định về “Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai” thì: Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã không thành mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết.
Người phụ nữ dùng búa phá khóa cổng nhà anh Trung. |
Tòa án sẽ phán xử “sổ đỏ” được cấp để “làm tin” cho một giao dịch vay mượn tiền có hợp pháp hay không và sẽ có bản án phù hợp. Nếu toà phán xử nhà đất thuộc về bà Phượng, thì bà Phượng có quyền đề nghị cơ quan thi hành án cưỡng chế đối với anh Trung. Trên thực tế xét xử ở Việt Nam, nhiều giao dịch gian dối để làm “sổ đỏ” đã bị tòa tuyên vô hiệu.
Trở lại vụ việc xảy ra ở Tây Tựu sáng ngày 22-7, khi hai bên còn chưa khởi kiện ra toà, thì một nhóm người đã kéo đến nhà anh Trung để đuổi người trong nhà ra ngoài, khoá trái cửa, cố thủ bên trong. Gần chục người chiếm giữ nhà, huỷ hoại tài sản, trong đó có bà Phượng.
Nhận tin báo, Công an phường Tây Tựu đã có mặt mời các bên liên quan về trụ sở công an phường. Tranh thủ lúc công an đang xử lý, nhóm người chiếm giữ nhà tiếp tục phá cổng và tiến hành hủy hoại căn nhà của anh Trung đến mức không còn giá trị sử dụng.
|
Nhóm người ngang nhiên đập phá, hủy hoại tài sản nhà anh Trung. |
Hiện trạng ngôi nhà tan hoang sau khi bị nhóm người đập phá. |
Luật sư Nguyễn Hồng Tâm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Người dân không được phép “cưỡng chế”, mà phải có bản án hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ đó. Người dân không được phép xâm phạm đến tài sản của người khác khi chưa được cơ quan thẩm quyền giải quyết về vấn đề đó. Nếu được giải quyết đi nữa cũng phải đề nghị cơ quan thẩm quyền cưỡng chế, thực hiện quyết định, bản án”.
“Việc xâm phạm chỗ ở có thể bị xử cao nhất đến 5 năm tù giam. Hành vi huỷ hoại tài sản nếu cơ quan chức năng có căn cứ, thì có thể bị phạt đến 20 năm tù giam”.
“Nếu xảy ra vấn đề mất ANTT hoặc xâm phạm chỗ ở, huỷ hoại tài sản thì trách nhiệm thuộc về lực lượng công an địa phương”.
Anh Trung sẽ đáng trách nếu vay mà không trả. Nhưng khi có thiện chí trả tiền, mà chủ nợ lợi dụng giao dịch gian dối để chiếm nhà đất, thì anh Trung cần đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc can thiệp, xử lý theo quy định pháp luật.
Còn tiếp...