Ngày 29/10, Lệ Thủy và Quảng Ninh là hai địa phương của tỉnh Quảng Bình chịu thiệt hại nặng bởi trận mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 6.
Hiện tại đã tạnh mưa nhưng mực nước tại các xã thuộc 2 huyện này vẫn ngập khá sâu, lũ xuống chậm.
Trong 2 ngày qua, người dân đang tự chủ được lương thực, thực phẩm, những địa điểm phải sơ tán, lãnh đạo tỉnh, các huyện đã đến thăm và cung cấp nhu yếu phẩm.
“Trên địa bàn đang mất điện nên bà con chủ yếu ăn mì tôm, thực phẩm khô. Sáng nay nước bắt đầu rút, huyện đã huy động 10 thuyền của ngư dân tham gia chở nhu yếu phẩm cần thiết cứu trợ cho người dân vùng ngập lụt. Trước mắt, sẽ huy động 3 thuyền tham gia tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân vùng “rốn lũ”.
Sau đó, tùy vào tình hình thực tế sẽ bố trí các thuyền của ngư dân làm nhiệm vụ hợp lý. Các thuyền của ngư dân tham gia chở hàng cứu trợ đều có kinh nghiệm tham gia cứu hộ, cứu nạn trong trận lũ lịch sử năm 2020”, ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy nói.
Huy động thuyền của ngư dân vùng biển chở hàng cứu trợ cho người dân vùng lũ huyện Lệ Thuỷ. Ảnh: Ngọc Hải
Ông Lê Ngọc Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cũng cho biết: “Chúng tôi đã làm tốt công tác “4 tại chỗ”, những ngày qua người dân đều an toàn, đủ lương thực thực phẩm, huyện đang lập 4 đoàn đưa nhu yếu phẩm nước uống về cứu trợ các thôn bị ngập sâu chia cắt và thăm hỏi các gia đình có người chết do lũ lụt”.
Hỗ trợ người dân vùng ngập lụt huyện Quảng Ninh. Ảnh: L.N.H
Tại một số bản làng ở xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy) bị lũ chia cắt, chính quyền địa phương, lực lượng công an phải dùng dây ròng rọc tiếp tế lương thực cho người dân.
Theo ông Hồ Văn Núi, Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy, trong hai ngày mưa lớn, nước ở các con sông suối lên nhanh, có 11 hộ dân ở bản Khe Giữa bị cô lập hoàn toàn.
“Khi nghe cán bộ cơ sở báo về một số hộ dân bị cô lập có thể thiếu đồ ăn, nước uống nên lực lượng bộ đội, công an sử dụng dây ròng rọc bắn sang bờ bên kia để chuyển mì tôm, lương khô tạm thời cho người dân”, ông Núi nói.
Các lực lượng của xã Ngân Thủy cùng bộ đội, công an sử dụng dây ròng rọc để chuyển mì tôm, lương khô tạm thời cho người dân. Ảnh: CTV
Ngoài chính quyền địa phương, có khá nhiều đội cứu trợ từ các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, đội phản ứng nhanh PUN Quảng Bình đã tìm cách tiếp tế nước uống, thực phẩm các vùng bị ngập sâu.
Ngoài công tác cứu hộ cứu nạn, các đội nhóm này huy động và gom hàng nghìn áo phao, đèn pin để hỗ trợ người dân ở hai huyện này.
Những chiếc thuyền chở nhu yếu phẩm chuẩn bị được đưa đến tay người dân. Ảnh: CTV
“Trong quá trình hỗ trợ người dân, do không thông thạo địa hình ở Lệ Thủy nên đội chúng tôi đã thống nhất chia nhỏ và gửi các vật phẩm như áo phao, lương khô, nước uống, đèn pin trên các thuyền cứu hộ của chính quyền các xã, huyện vQuảng Bình huy động thuyền ngư dân cứu hộ, tiếp tế lương thực tới 'rốn lũ' lực lượng công an, quân đội. Các thuyền cứu hộ này khi tiếp cận sẽ trực tiếp hỗ trợ người dân vùng lũ nhằm đảm bảo an toàn”, anh Hoàng Trọng Hùng, đội trưởng đội phản ứng nhanh PUN Quảng Bình chia sẻ.
Đến thời điểm này, mưa lũ tại tỉnh Quảng Bình đã làm 3 người mất tích, 1 người chết, 32.700 nhà dân bị ngập lụt, 58 thôn, bản bị chia cắt. Các tuyến đường giao thông bị ngập tại 76 điểm, sạt lở 13 điểm, 3 tàu cá bị chìm, sạt lở 1,5km kè biển.