Quốc hội bấm nút thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sáng 8-6 - Ảnh: N.AN
Tham dự phiên họp và chứng kiến việc biểu quyết của Quốc hội với Hiệp định EVFTA có phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam. Kết quả, với EVFTA, toàn bộ 457 đại biểu tham gia biểu quyết đã bấm nút thông qua, trong khi với EVIPA, toàn bộ 462 đại biểu tham gia biểu quyết đã bấm nút tán thành.
Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), ông Nguyễn Văn Giàu - chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - cho rằng việc phê chuẩn hiệp định là phù hợp với chủ trương đối ngoại, hướng tới thị trường tiềm năng lớn nhất với 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, nhiều quốc gia đứng đầu thế giới về đầu tư và thương mại.
Lợi ích mang lại là thúc đẩy gia tăng hai chiều thương mại, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng quy mô xuất khẩu nhiều ngành thế mạnh như nông sản, thuỷ sản, dệt may… Người dân được tiếp cận hàng hóa nguyên phụ liệu trang thiết bị máy móc, đặc biệt là mỹ phẩm giá rẻ chất lượng cao. EVFTA cũng là cơ hội đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn, cải cách thể chế.
Tương tự với EVIPA, hiệp định được kỳ vọng sẽ giúp thu hút vốn đầu tư, tiếp cận công nghệ hiện đại, công nghệ mới, công nghệ sạch từ châu Âu, đặc biệt khi châu Âu mới chỉ có khoảng 2.500 dự án với số vốn đăng ký 27,5 tỉ USD đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ ban hành kế hoạch hành động chi tiết; các bộ ngành liên quan chọn lựa sản phẩm ngành nghề có thế mạnh sớm tham gia thị trường, có biện pháp giữ thị phần, thị trường EU trong đại dịch COVID-19, tận dụng tốt công nghệ 4.0, nền kinh tế số, nâng cao nguồn lao động, ứng phó rủi ro…
Theo đó, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế pháp luật, rà soát hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan, triển khai hiệu quả hiệp định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Đối với EVIPA, thách thức đặt ra là cải cách thể chế, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực nên cần tăng tuyên truyền, phổ biến.
Lộ trình cam kết giảm thuế theo hiệp định EVFTA - Đồ họa: TUẤN ANH
Với nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) và EVFTA vừa được thông qua, Quốc hội yêu cầu rõ Chính phủ và các cơ quan liên quan rà soát các văn bản pháp luật để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Thủ tướng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện hiệp định, chuẩn bị nguồn lực để tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi thế và xây dựng triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, xử lý những tác động bất lợi phát sinh trong quá trình thực thi hiệp định, Quốc hội sẽ thực hiện giám sát việc thực hiện Nghị định.
Như vậy, với đa số đại biểu Quốc hội đồng ý, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (7 năm).
Theo quy định Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà cả hai bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý nội bộ để Hiệp định này có hiệu lực, dự kiến vào ngày 1-8 tới đây.
GDP có thể tăng thêm hơn 3,2% trong 3 năm tới Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (năm 2019 - 2023); 4,57 - 5,30% (năm 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (năm 2029 - 2033). Đặc biệt, giai đoạn hậu dịch bệnh, nếu Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam đã có trong tay lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường 18.000 tỉ USD này. |
Cũng trong sáng 8-6, Quốc hội đã biểu quyết với tỉ lệ 95,24% tán thành phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức. Có 460 đại biểu tham gia biểu quyết, có 1 đại biểu không tán thành và 1 đại biểu không biểu quyết. Theo các đại biểu, việc gia nhập Công ước số 105 vào thời điểm này là thận trọng, phù hợp với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, vì lợi ích quốc gia, thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, không chấp nhận cưỡng bức bóc lột lao động. |