Công ty tnhh 1 thành viên là một trong những loại hình doanh nghiệp được pháp luật Việt Nam thừa nhận và được thành lập phổ biến nhất hiện nay. Vậy quy trình thành lập công ty tnhh 1 thành viên bao gồm mấy bước? Câu trả lời sẽ có ngay dưới đây!
Tìm hiểu quy trình, thủ tục thành lập công ty TNHH 1 thành viên
1. Công ty TNHH 1 thành viên là gì?
Theo quy định của pháp luật hiện hành (Luật Doanh nghiệp 2014), Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp trong đó:
- Do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (gọi là chủ sở hữu công ty)
- Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty
- Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
- Không được quyền phát hành cổ phần.
2. Quy trình thành lập công ty TNHH 1 thành viên
Quy trình thành lập công ty TNHH 1 thành viên bao gồm các bước cơ bản như sau:
Bước 1: Chuẩn bị thông tin trước khi thành lập
Trước khi thành lập công ty TNHH bạn cần phải chuẩn bị đầy đủ các thông tin như: Tên công ty, địa chỉ trụ sở công ty, ngành nghề đăng ký kinh doanh, vốn điều lệ đăng ký kinh doanh và thông tin người đại diện theo pháp luật của công ty theo đúng quy định.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ và nộp cho cơ quan có thẩm quyền
Hồ sơ cần thiết để đăng ký thành lập công ty TNHH 1 thành viên bao gồm:
Mẫu Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh công ty tnhh 1 thành viên
- 1 bản Dự thảo điều lệ công ty TNHH 1 thành viên. Lưu ý: Bản dự thảo phải do người đại diện theo pháp luật ký nháy từng trang
- Bản sao hợp lệ Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu của người đại diện pháp luật công ty
- 1 bản tờ khai thông tin người nộp hồ sơ
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ trên, người nộp hồ sơ mang hồ sơ đến tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để thực hiện việc đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Phí nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh là 200.000 ngàn đồng và phí đăng bố cáo là 300.000đ. Sau 3 – 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày nghỉ lễ) Sở KHĐT sẽ ra giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp.
Bước 3: Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn/) là thủ tục bắt buộc đối với các doanh nghiệp mới thành lập. Thời hạn thực hiện đăng bố cáo 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Nếu doanh nghiệp không thực hiện đăng bố cáo theo đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng – 2.000.000 đồng và buộc phải khắc phục hậu quả.
Bước 4: Khắc dấu doanh nghiệp và đăng tải mẫu dấu
Doanh nghiệp đã có thể tự làm con dấu của mình hoặc sử dụng dịch vụ khắc dấu doanh nghiệp trên thị trường. Sau khi có được mẫu dấu, doanh nghiệp phải thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải mẫu dấu lên Cổng thông tin quốc gia.
Bước 5: Các thủ tục sau khi có giấy phép đăng ký kinh doanh, mã số thuế và con dấu
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, mã số thuế và con dấu, doanh nghiệp chưa thể đi vào hoạt động nếu như không thực hiện các thủ tục sau:
- Treo bảng hiệu tại trụ sở đã đăng ký
- Mua chữ ký số để khai thuế qua mạng điện tử
- Nộp tờ khai thuế môn bài
- Nộp thuế môn bài
- Mở tài khoản ngân hàng của công ty và thông báo số tài khoản ngân hàng cho Sở KHĐT
- Kê khai thuế ban đầu tại Chi cục thuế
- Đặt in và phát hành hóa đơn GTGT
- Treo hóa đơn mẫu liên 2
Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc có được những kiến thức hữu ích trong việc thành lập một công ty riêng.