Ra ngõ là gặp anh hùng

Thảo Huyền

Khi đất nước căng mình chống dịchCovid-19, nụ cười của người xả thân lao đidậpdịch hay sự sẵn lòng đóng góp tài lựccho cuộc chiến chống “giặc dịch” thực là liều “vắc xin” tinh thần quý. Và những tháng ngày được chứng kiến và sống trong giai đoạn lịch sử: “Ra ngõ là gặp anh hùng” hẳn không thể quên.

Không lâu sau lời kêu gọi góp tiền cho Quỹ vaccine phòng Covid-19, hàng nghìn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp và người dân hào hứng góp quỹ. Số tiền ấy là sự chung tay “thắp lửa” từ các doanh nghiệp lớn nổi tiếng cho tới những công ty nhỏ, từ những gia đình có tiềm lực tài chính, góp tới 15 tỷ đồng cho tới những người chỉ có thể góp số tiền bớt lại từ một bữa ăn sáng, từ chút tiền lương hưu hay tiền tiết kiệm... Số tiền đóng góp khác nhau, tiềm lực tài chính khác nhau nhưng tất cả đều chung một điểm: Đó là tấm lòng sẻ chia và tinh thần yêu nước sâu sắc.

Theo cân đối của Bộ Tài chính, nguồn lực để mua và tiêm vắc xin phòng, chống Covid-19 cho 75 triệu dân cần 150 triệu liều vắc xin, với kinh phí là 25.200 tỷ đồng. Ngoài số tiền từ ngân sách nhà nước, cần sự huy động từ nguồn xã hội hoá, từ các doanh nghiệp và đặc biệt từ những người dân mới đảm bảo thực hiện được mục tiêu đề ra. 

Tiêm vắc xin cho 70% dân số để tạo miễn dịch cộng đồng là một hướng đi chính xác bởi chỉ có miễn dịch cộng đồng mới là tiền đề để bảo vệ sức khoẻ người dân và phát triển kinh tế. Và con số 6.600 tỷ đồng góp quỹ ngay trong những ngày đầu tiên vượt xa giá trị của một số tiền đơn thuần, đó là biểu hiện của sự đoàn kết, của niềm tin nhân dân.

Mạng xã hội những ngày này ngập tràn các dòng trạng thái hân hoan bên các tấm ảnh chuyển tiền vào quỹ vắc xin, những nút like, những chia sẻ rầm rộ chương trình kêu gọi ủng hộ. Hiếm khi nào một chương trình cộng đồng lại giành được sự quan tâm và xúc cảm đến vậy. Thực là, trong tình hình dịch bệnh này, vẻ đẹp của sự sẻ chia, của trách nhiệm với cộng đồng là vẻ đẹp xứng được ngợi ca hơn cả. 

Và có lẽ rất phải cảm ơn cuộc đời vì được chứng kiến và ở trong giai đoạn lịch sử này. Giai đoạn mà “ra ngõ là gặp anh hùng” hay “cứ mở báo ra là gặp anh hùng”.

Tôi đã vô cùng xúc động khi nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của những bạn trẻ khi tình nguyện lao vào mặt trận chống dịch. Những cô sinh viên “trốn” gia đình lao vào tâm điểm dịch Bắc NinhBắc Giang, những cậu sinh viên lăn lộn theo hết chương trình tình nguyện này sang chương trình khác. Và nụ cười tỏa nắng của người bác sĩ trẻ khi cạo trọc mái tóc sẵn sàng ứng phó với cái nóng hè trước chuyến công tác ở vùng dịch hẳn còn in đậm trong tim nhiều người như một hình ảnh đẹp.

Xi nhan Trái Phải - Ra ngõ là gặp anh hùng

Nụ cười rạng rỡ của bác sĩ Đặng Minh Hiệu khiến nhiều người xúc động. Ảnh báo Lao Động. 

Thực sự, cứ mỗi lần nhìn hình ảnh các nhân viên y tế "giam" mình trong bộ quần áo bảo hộ kín mít giữa cái nắng như đổ lửa nơi tâm dịch thực không khỏi xót xa. Giữa những ngày hè nắng nóng đến mức khắc nghiệt với mức nhiệt có nơi ở ngưỡng trên 40 độ C, trong bộ quần áo bảo hộ miệt mài làm việc, miệt mài đón tiếp bao nhiêu bệnh nhân, hỏi sao những khuôn mặt ấy đỏ ửng, những đôi bàn tay ấy nhăn nheo, những tấm lưng ấy phồng rộp...!

Dịch bệnh diễn biến khó ngờ, phức tạp, trong khi sức người có hạn. Đã có những nhân viên y tế ngất xỉu, phải đi cấp cứu khi đang làm việc. Đã có những người nhiễm bệnh. Có nhiều người không thể về chịu tang phụ mẫu và tất cả họ khi đã xác định đi dập dịch là phải để lại sau lưng cả gia đình, con cái vì một mục tiêu chung: cứu chữa người bệnh.

Cuộc chiến này dường như quá khốc liệt với họ, những chiến sỹ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch nhưng tôi chắc chắn một điều họ không đơn độc. Cả nước đang hướng về họ với tình cảm và sự ủng hộ, sẻ chia.

Câu chuyện người lái xe ôm một mực từ chối nhận tiền khi biết vị khách đi xe là bác sĩ chỉ là một trong những tình cảm người dân dành cho các bác sĩ, nhân viên y tế. Câu nói của người lái xe ôm: “Nhận tiền lúc này của bác sĩ là em có tội với Tổ quốc, chị đừng bắt em có tội với Tổ quốc” được cư dân mạng lan truyền nhiều ngày qua cũng chỉ thể hiện được phần nào đó lòng biết ơn của người dân cả nước với những vất vả, nhọc nhằn, những hi sinh thầm lặng và sức chịu đựng phi thường của họ, những người hùng nơi tuyến đầu chống dịch.

Cuộc chiến chống Covid-19 có thể kết thúc sớm hay muộn là điều chưa thể đoán định rõ ràng. Nhưng tôi tin rằng, với sự chung tay, góp sức, chung ý chí, chúng ta nhất định sẽ giành thắng lợi trong cuộc chiến này. 

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả