Ẩn trong khu chợ Thủ Đô giữa lòng Quận năm, có một quán cà phê vợt ngon nhất nhì Sài Thành vẫn giữ được nét hồn riêng của mình. Quán cà phê Ba Lù chắc cũng đã có trên 60 năm tuổi đời, điều làm nên hương vị đặc biệt của quán chính là kiểu rang xay cà phê bằng củi thêm bơ, rượu để dậy mùi thơm đặc trưng. Chính vì cái đặc biệt ấy mà cà phê ở đây lỡ mà uống thì chỉ có ghiền và nhớ thương day dứt không thôi, uống chỗ khác cũng thấy không bằng. Cộng thêm cái cảm giác ngồi giữa lòng khu chợ Thủ Đô, nhấm nháp ly cà phê nóng hổi vừa pha xong chan hòa với tiếng rao í ới trong khu chợ cùng tiếng xe qua lại cho ta cảm giác cả Sài Gòn như thu nhỏ lại trong khoảng không gian ấy.
Đặc biệt ở đây còn có Cà Phê Sữa Hột Gà, đập hột gà ta nho nhỏ vào thẳng ly cà phê sữa mới pha còn nóng rực, chỉ cần khuấy đều tay thật nhanh cho trứng tan ra hoà vào cà phê là hoàn hảo. Tui có thói quen là anh Hùng pha xong cái là thổi phù phù uống liền luôn để cảm được vị cà phê sữa ngọt ngào thơm hương rồi thêm cái sự béo đặc của trứng, khó có món cà phê nào so sánh được. Ngoài Cà Phê Sữa Hột Gà ra thì quán vẫn có những món thông dụng như cà phê đen, cà phê sữa, chanh muối, … Nhưng mê nhất chính là ly trà đá xin thêm, anh Hùng vừa pha cà phê cho khách vừa kể: "Trà này là hồng trà loại ngon đó nghen, không phải trà pha bậy bạ đâu. Lị* uống vào là thấy khác liền". Mà đúng là ngon thiệt, nhấp một ngụm trà mát lạnh, hương thơm cứ thoang thoảng cả miệng. Độ đắng và chát của trà chỉ dừng lại ở mức dễ chịu, nhưng hậu vị lại ngòn ngọt khoan khoái trong cổ họng.
Nếu là người may mắn, mọi người có thể đến đúng hôm quán rang xay cà phê ngoài trời. Đây chính là thứ tạo nên điểm nhấn và khác biệt cũng như là truyền thống để lại của gia đình mà cô Hoàng hay anh Hùng không muốn thay đổi. Ở Sài Gòn cà phê vợt thì cũng có vài quán, nhưng rang xay thủ công tại quán thì chỉ còn ở đây mà thôi. Công đoạn tuy hơi lâu nhưng lúc mở nắp ra cho thêm bơ vào, hương cà phê và bơ thượng hạng cứ thế quyện vào nhau lan tỏa cả khu chợ Thủ Đô. Sau khi rang xong, cà phê được đổ ra sàn, lúc này cô Hoàng lấy chai rượu trắng ra rưới lên cà phê nghe xèo xèo xèo, hương thơm lại bốc lên thơm ngát cả khoảng trời. Có anh bạn người nước ngoài đi ngang qua, tò mò hỏi sao cô lại cho rượu vào cà phê, cô cười khà khà nói là để cho cà phê thêm thơm ngon.
Quán bán cả năm chỉ nghỉ mồng Một Tết thôi, mà lạ lắm, quán cà phê chi mà mở cửa từ khuya, hai giờ sáng là đã phục vụ bà con. Cô Hoàng nói tui, mở sớm vậy cho người bán chợ sớm có cà phê mà uống còn tỉnh táo làm việc. Chợ mở sớm, người đi chợ sớm cũng có, mình cứ phục vụ thôi. Bán tới bốn giờ chiều là nghỉ phẻ, hehe. Cái tui thích nhất là nụ cười, anh Hùng cô Hoàng mỗi lần nói chuyện đều cười, đều phát ra cái giọng hè hè đặc trưng nghe vui tai râm ran lắm.
*Lị: cách người Hoa hay gọi người khác trong cuộc nói chuyện.
Hủ tiếu ở Sài Gòn giống như là một đặc sản, món ăn mà đi đến đâu cũng có thể thấy, nhất là mấy chiếc xe mì gõ. Ngày xưa ngồi trong nhà, cứ mỗi lần nghe tiếng gõ của hai mảnh kim loại "cà thọt, cà thọt" va vào nhau cùng âm thanh vang vang "Mì gõ đây!" là tui lại chạy ra cửa nhà hô dõng dạc: "Cho một tô hủ tiếu bò viên không nha!" Ngày ấy, dịch vụ giao hàng chưa có, chỉ có tiếng gõ cùng tiếng rao như tin nhắn báo hiệu quán ăn đang bán, tiếng gọi í ới của người mua là lệnh mua hàng còn tiếng đáp lại của người rao là tin nhắn xác nhận. Đợi mười phút hơn là tô hủ tiếu đã đến trước cửa, ăn xong lại để tô chén ngay chỗ cũ sẽ có người đến lấy và thu tiền.
Ngày bé, tui thích ăn hủ tiếu gõ vào xế chiều, cái cữ mà cơm trưa đã trôi qua lâu mà cơm tối thì còn xa xa mới tới, một tô đồ ăn nóng hổi nho nhỏ hai nghìn đồng đủ để lấp đầy bao tử đang réo vang lúc ấy. Trong ký ức thì tui nhớ hương vị của tô hủ tiếu nóng hôi hổi là ngọt lành của nước dùng, bò viên xắt mỏng như tờ giấy nhưng vẫn thơm dai, tóp mỡ hành phi thì béo ngậy vô cùng. Người ta hay đồn nhau rằng người bán lấy trùn chỉ nấu nên nước mới ngọt thơm như vậy, trẻ con nghe cũng sợ nhưng ngon thì cứ ăn thôi, rồi tin đồn đó cũng tan dần, vì dám cá rằng nước lèo ngon ngọt này từ xương và củ cải trắng mà ra thôi. Xe hủ tiếu đó giờ cũng đã ngừng bán, nghe đâu cô chủ về quê lo việc gia đình, để lại chiếc xe cho người con trai nhưng anh lại làm ra vị khác không được ngon như cô, rồi dần dần cũng ít người ăn, xe hủ tiếu trong kí ức của tui cũng không còn từ đó.
Rất nhiều năm sau đó, có lần đi qua khu chợ cũ Tôn Thất Đạm thì thấy quầy hủ tiếu hay hay nằm đối diện tiệm cơm Chuyên Ký, ẩn mình giữa khu chợ đông đúc. Cảnh đầu tiên ập vào mắt là quầy gỗ nhìn như đã trải qua nắng mưa vài thập kỷ, đồ ăn thì được xếp ngay ngắn bắt mắt, còn hai cô chị em chủ quán thì đang ngồi nhổ tóc sâu cho nhau nhìn yên bình đến lạ, thấy khách đến, hai cô nở nụ cười thiệt hiền: "Dẫn xe vô đây nè con, rồi ăn gì thì gọi cô nấu cho ăn luôn hen".
Nếu ai từng ăn hủ tiếu gõ bếp củi lúc nhỏ sẽ thấy được cái hương củi thơm thấm vào nước lèo tạo ra hương vị của một tô hủ tiếu tuyệt vị, hương thơm ấy tui một lần nữa tìm thấy ở đây. Đồ ăn kèm đơn giản là thịt nạc heo xắt mỏng, một con tôm và vài lát gan mềm, có thể chọn hủ tiếu cọng nhỏ hay cọng lớn, mì trứng cọng lớn hay cọng nhỏ, nui để ăn cùng. Cái chính yếu vẫn là nước dùng ngọt thanh thơm thơm, vị đậm đà rất nịnh lưỡi của người miền Nam vì thế lỡ ăn rồi thì dễ vấn vương nơi này.
Cô Gái - chủ quán, kể là cổ bán ở đây hồi năm chín mươi đến giờ còn trước đó là chú của cô bán cũng tầm sáu mươi năm hơn, có hai chị em phụ giúp nhau bán qua ngày. Mỗi ngày bán từ sáng cho đến tầm ba giờ chiều thôi là đóng quầy nghỉ hà. Mà cọng mì với hủ tiếu là cô đặt người ta làm tay chứ không có làm công nghiệp đâu hen, ăn vậy nó mới ngon! Mà cô chỉ ưng xài bếp củi thôi, nấu mấy kia sao vị thơm ngon bằng được. Mới gặp lần đầu mà cô nói chuyện cứ như người nhà vậy đó, âu cũng là cái tính hiếu khách và ôn hòa của người Sài Gòn ăn sâu vào trong máu. Mấy lần sau tui ghé lại, lần nào cô cũng nhận ra, có hôm còn hỏi sao lâu quá không ghé ăn. Chèn ơi, quán ăn chi mà thân thương đến lạ.
Nhớ lại cái hôm đang mải mê dạo chơi khu Quận ba, đi ngang một xe bánh bao chiên mà người ta làm trực tiếp tại chỗ khiến tui hứng thú quá trời. Những ngón tay thoăn thoắt của 2 cô chú bán hàng, lần lượt đưa trứng cút và nhân vào giữa lớp bột cán mỏng, sau đó lại cuộn tròn bột ôm trọn phần nhân, cứ thế mà mấy chục chiếc bánh bao con con ra đời tròn ủm đáng yêu. Những chiếc bánh bao con sau đó lại được chiên ngập dầu trong chảo, dầu sôi một chút đảo đều hơn chục vòng khi mùi thơm bắt đầu toả lên là đã có thể lấy bánh ra. Và đâu ai biết rằng, bánh bao chiên mới ra lò ăn ngon da diết, lớp vỏ còn giòn rụm ít ngấy dầu lại có chút vị ngòn ngọt ăn cùng lớp nhân xào và trứng cút bên trong vừa miệng lắm đa.
Phần nhân bên trong dày dặn, mặn ngọt chan hoà lại dậy hương quyến rũ, cảm thấy bao nhiêu năm ở đời, chưa bao giờ tui ăn chiếc bánh bao chiên ngon đến như vậy. Đặc biệt là ăn xong một cái, không hề bị ngấy dầu mà bản thân lại muốn ăn tiếp cái thứ hai, từng lớp hương vị cứ thế quấn lấy nhau giục giã người ăn tiếp đi, tiếp đi.
Sau khi đánh chén gần chục cái bánh, tui tìm cách bắt chuyện với hai cô chú. Chuyện trò một hồi thì biết được cô tên Cư còn chú tên Hùng, quê dưới Bình Định, bán xe bánh này cũng đã hai mươi lăm năm có hơn ở Sài Gòn. “Ngày xưa cô chú bán ngoài Lý Chính Thắng, rồi xong sau này đẩy xe về Huỳnh Tịnh Của bán, gần trường học nên mấy đứa học sinh thành khách ruột hết trơn” – cô Cư vừa nói vừa bỏ nhân bánh vào liên tục. Gói xong, cô lại kể tiếp: "Mỗi ngày cô dậy lúc sáu giờ sáng, đi chợ mua đồ xong về là bảy giờ thì chú dậy xào nhân để làm bánh rồi tới đúng giờ thì đẩy xe ra bán." Tưởng chừng mệt nhọc, nhưng cô kể với giọng kiểu tự hào về công việc và đầy niềm vui. Chiếc xe bánh nho nhỏ, nhưng theo cô chú nuôi hai người con lớn khôn có công ăn việc làm hết, tui nghĩ giờ hai cô chú bán vì niềm vui để được gặp mấy đứa học sinh nhỏ mỗi ngày, được ngắm Sài Gòn thay đổi từng ngày nắng nắng mưa mưa.
Thấy chú Hùng chiên bánh có bỏ vào dăm lát gừng xắt dày, tui có lộ chút vẻ tò mò, chú nói luôn: "Gừng bỏ vào chiên lên sẽ tạo mùi thơm cho bánh bao, ăn vào cảm vị khác. Mà con ăn bánh ở đây thấy nhân ngọt hơn mấy chỗ khác hông? Chú cố tình làm theo phong vị người miền Nam mình đó, ngọt nhẹ vậy mới ngon hen!" Tui gật đầu lia lịa, công nhận ngon quá trời quá đất, làm tui phải mua thêm chục cái bánh bao về nhà ăn cho đã cơn thèm. Cô chú còn chọc tui, nói là chụp hình đẹp đẹp cho cô chú lên báo đài khoe với mọi người cho sướng nghen. Tui ra về mà trong tâm cứ có một niềm vui hân hoan khó tả.
Bánh Mì Chảo cũng là món ăn quen thuộc của người Sài Gòn, một chảo trứng ốp đơn giản cùng dăm ba miếng chả ăn cùng nước tương, tương ớt và một ổ bánh mì nóng giòn còn thơm tí mùi bơ là lựa chọn tuyệt vời cho khởi đầu của một ngày. Nhưng hôm nay, tui sẽ dẫn mọi người đến với một phiên bản mới lạ đầy độc đáo, đảm bảo không đụng hàng với ở đâu nhưng ăn xong nhớ mãi của mẹ Lệ.
Xe đẩy nhỏ của mẹ Lệ nằm lọt thỏm giữa khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật, tấp vào quán mới đá chân chống đã nghe tiếng mẹ Lệ thân thương gọi tui: "Bé yêu ăn gì nè, một buê đuê đầy đủ hen, để mẹ làm cho bé yêu nè". Ai nhỏ tuổi đến quán là có thêm người mẹ thứ hai liền, nhưng mà, cũng vui lắm, cảm giác như về nhà được nghe tiếng mẹ vậy đó. Mà vì sao lại gọi là trứng buê đuê nhỉ? Tui đem câu hỏi đó hỏi thì mẹ Lệ mỉm cười: "Buê đuê là do chảo có hai trứng mà mỗi trứng một hệ, hệ ốp la tròn vo nửa chín nửa sống và hệ trứng đánh xẹp lép chín đều. Phần ăn kèm có một khứa cá nục sốt cà ba cô gái, xúc xích mềm và xúc xích cắt khoanh tròn mỏng chiên giòn rụm như ngũ cốc, một viên phô mai tam giác ú nu béo bở, hành tây và nguyên liệu bí mật màu trắng rắc đều lên trên mằn mặn ngòn ngọt thơm phức tôn nguyên cái chảo đồ ăn lên. Lấy miếng bánh mì nướng giòn cắt sẵn, quệt một đường đủ đầy bỏ vào miệng rùng cả mình vì ngon một cách thân thuộc nhưng vẫn có chút đột phá trong vị giác.
Thiệt ra thì nguyên liệu bí mật được mẹ Lệ tiết lộ khi khách ăn khen ngon đó chính là: "Muối rau củ đó con, có cà rốt rồi rau các kiểu mẹ xay nhuyễn với muối, bỏ lên phần trứng nó thơm bá cháy luôn. Nè có con nhỏ này ăn ở đây từ hồi nhỏ tới giờ lớn luôn, mà vẫn ăn đều đặn quài luôn á, lỡ ăn rồi là ghiền sao mà bỏ đi được" – mẹ vừa nói vừa cười với giọng điệu phơi phới hào sảng. Mà ở đây trà đá miễn phí, ai tới ăn cứ tự do ra lấy ly bên hông xe, mở thùng lấy đá rồi bỏ nước trà trong ấm đun cạnh bên. Mẹ thủ thỉ: "Thì ăn xong, bây phải uống miếng nước giải khát chứ ba cái trà đá này có bao nhiêu, mẹ lo được". Tui hỏi mẹ bán chảo vậy có dăm chục nghìn, còn miễn phí trà đá rồi lấy gì làm lời, mẹ cười hiền nói lấy công làm lời là mẹ vui rồi.
Tới đây ăn vì ngon là chín nhưng để thêm yêu đời hơn là mười, vì đến đây nói chuyện với mẹ Lệ xong tui thấy đời vui phơi phới, mẹ biết nhiều chuyện lắm, đảm bảo đứng nói một hồi là nói chuyện đến tối vẫn còn nói tiếp được, mà toàn chuyện vui. Hởm tin thì hôm nào ghé đến đây ăn thử một chảo buê đuê đầy đủ hay còn được mẹ gọi đùa vui là buê đuê phú quý hen.
Nghe nói những chiếc xe gỗ vẽ kính ngày xưa rất thông dụng, có thể bắt gặp ở bất kì đâu nơi tiệm ăn của người Hoa. Nhưng theo nhịp hiện đại thì càng ngày, chiếc xe ấy lại dần biến mất, vì thế khi tình cờ gặp lại những chiếc xe này người ta không khỏi xao động vì nhớ lại chút hoài niệm về một Sài Gòn xưa. Chiếc xe hồng trà bằng gỗ màu vàng thân thương này cũng thế. Nhớ lại cái lần rong chơi giữa Sài Gòn nắng chang chang, tui vô tình tìm thấy chú. Biệt danh thân thương tụi tui đặt cho chú là "Ông địa hồng trà", vì mỗi lần đến mua chú đều cười thật tươi cùng với chiếc bụng có phần nhô lên như ông địa ở nhà tui vậy á. Mà có duyên mới gặp chú, vì chú bán cách tuần – tuần bán tuần nghỉ chứ không liền mạch, mà giờ thì tui nắm rõ rồi vì tuần nào cũng mong ngóng chú bán lại để ra mua một ly hồng trà tắc mát lạnh ngon đúng điệu.
Hồng trà tắc của chú có vị chua thanh đậm đà đan xen chút chát nhẹ, nhưng đọng lại sau cùng là vị hậu ngọt lịm trong khoang họng và mát lạnh cả người. Món hồng trà pha kiểu nguyên thuỷ lại ngon vậy thì ở Sài Gòn còn ít hàng giữ được hương vị vậy lắm. Nhớ cái ngày tui giới thiệu với mọi người quán của chú xong, khách bắt đầu kéo đến đông hơn để thưởng thức có ngon như tui đồn không, tất nhiên ai ai cũng ghiền giống tui luôn, chú bỗng nhiên có thêm quá trời người hâm mộ nụ cười và trà của mình. Mấy lần sau này ghé thăm, chú cười còn tươi hơn trước, chạy ra khoe với tui: "Nay mấy ứng dụng giao đồ ăn biết đến chú rồi nha, mấy anh tài xế tới lấy hàng quá trời luôn, dzui quá trời con ơi. Rồi hôm bữa, có người kia đến kêu chú bán công thức để ra nước ngoài bán, bao nhiêu cũng mua nhưng chú đâu có chịu. Này là công thức của chú mà, chú truyền lại cho hai đứa con thôi chứ không bán đâu". Nói đến đây, cái tui nhớ lại về mấy câu chuyện bên khu Chợ Lớn tui từng nghe, rằng người Hoa thường chỉ muốn kiểu "cha truyền con nối", người con nối nghiệp cha mẹ mình nên công thức thường không bao giờ truyền ra ngoài cả, gia đình nào có con chịu tiếp nối thì món ăn ngon cứ thế đi tiếp qua bao thế hệ, ngược lại thì sẽ biến mất như một huyền thoại. Có nhiều người tiếc nuối vì những món ăn mình thèm thuở nào giờ tìm cũng không ra hoặc tìm ra nhưng không đúng cái vị thân quen. Bản thân tui lại thấy đây là một đặc tính hay của người Hoa, những việc này làm họ không mất đi bản sắc mà vẫn giữ được giá trị tinh thần và cốt lõi.
Quên kể, chú tuy lớn tuổi nhưng theo kịp xu hướng lắm nha. Năm ngoái, tui hỏi ý chú về việc làm một tấm bảng khuyến khích người ta sử dụng bình cá nhân khi mua nước của chú để hạn chế lượng nhựa, chú đồng ý liền. Cái bảng được chú trân trọng để trên mặt tiền xe ai đến cũng thấy liền, chú còn khoe có nhiều bạn sau này đã mang bình tới làm chú vui lắm lắm. Hôm qua ghé chú, chú nói cái bảng bay màu nhẹ rồi, có tính làm lại thì làm to hơn tí xíu để người ta đến mua thấy nhen con. Hôm đó, vị trà tắc bỗng nhiên ngon hơn vài phần...