Tem phụ vốn là một loại tem nhãn được dán trên hàng hóa, bao bì sản phẩm, thể hiện thông tin cần thiết về hàng hóa bằng tiếng Việt và đính kèm theo nhãn nguyên gốc với tiếng nước ngoài trước khi đưa lưu thông trên thị trường. Tem phụ có chức năng giúp người tiêu dùng nắm bắt được các thông tin cần thiết của sản phẩm.
Cụ thể, tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP (14/4/2017) về nhãn hàng hóa nêu rõ, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đầy đủ nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có tem phụ và giữ nguyên nhãn gốc hàng hóa. Nội dung trên nhãn phụ ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
Mặc dù pháp luật đã quy định rất cụ thể nhưng Siêu thị thực phẩm cao cấp Tomita Mart có địa chỉ tại Tầng 1 CC1 Hà Đô Parkside, Khúc Thừa Dụ thuộc phường Dịch Vọng (gọi tắt là Siêu thị thực phẩm cao cấp Tomita Mart Khúc Thừa Dụ) vẫn ngang nhiên bày bán nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn phụ tiếng Việt.
Các sản phẩm được bày bán Siêu thị thực phẩm cao cấp Tomita Mart Khúc Thừa Dụ không có nhãn phụ bằng tiếng Việt
Được biết, Siêu thị thực phẩm cao cấp Tomita Mart Khúc Thừa Dụ là một trong những siêu thị có quy mô lớn của Công ty Cổ phần Trang trại Tomita Việt Nam (TOMITA FARM.,JSC) nằm trên địa bàn Hà Nội. Công ty và siêu thị hoạt động quảng cáo bán hàng trên trang mạng facebook có tên gọi “Tomita Mart” và trên web có tên miền là http://www.tomitamart.vn/ với lời giới thiệu: Tomita Mart – Hệ thống siêu thị thực phẩm cao cấp, là địa chỉ tin cậy cung cấp hóa mỹ phẩm, sản phẩm cho mẹ và bé, nông sản tươi, thực phẩm đã sơ chế/chế biến, đồ khô, gia vị. Tất cả các sản phẩm đều đảm bảo rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, có tiêu chuẩn chất lượng phù hợp.
Trước phản ánh của khách hàng, PV đã tới siêu thị nhiều lần và nhận thấy, siêu thị bày bán rất nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc, không nhãn phụ tiếng Việt, có dấu hiệu của hàng nhập lậu, hàng trốn thuế.
Trong đó, chiếm phần lớn là các loại sữa ngoại, mỹ phẩm cũng như sản phẩm dành cho mẹ và bé. Ngoài ra, các mặt hàng tiêu dùng khác như: Bánh kẹo, mì tôm, bim bim, dầu ăn, nước sát khuẩn… cũng xảy ra tình trạng không tem phụ bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
Phần lớn các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc là sữa ngoại
Hộp trà ko dán tem phụ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên ngoài thì toàn chữ Trung Quốc, bên trong lại dán nhãn Trà Tân Cương sản xuất tại Thái Nguyên
Trong vai một người đi mua hàng có nhu cầu mua sữa cho trẻ em, chúng tôi được nhân viên siêu thị cho hay: “Các sản phẩm không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt là hàng xách tay về nước, không phải hàng liên doanh Việt Nam”. Khi đưa ra thắc mắc về những loại sữa ngoại cho trẻ em mà không hề có bất cứ thông tin tiếng Việt nào trên sản phẩm thì người tiêu dùng sẽ làm thế nào để biết được thông tin về sản phẩm, thành phần, cách dùng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, nơi sản xuất, chỉ định đối tượng dùng… thì nhân viên này nói rằng: “Đây là sản phẩm của Hàn Quốc, hạn sử dụng thì đằng sau sản phẩm, còn cách pha thì khách có yêu cầu chúng em sẽ bảo bộ phận hỗ trợ giúp đỡ”.
Để thông tin khách quan, PV đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Kim Thoa – Đại diện của Công ty Cổ phần Trang trại Tomita Việt Nam. Qua trao đổi, bà Thoa cho biết, mình chỉ là nhân viên và hiện tại người quản lý vắng mặt nên chỉ tiếp nhận lại thông tin.
Đề cập tới việc Siêu thị thực phẩm cao cấp Tomita Mart Khúc Thừa Dụ bày bán nhiều sản phẩm có chữ nước ngoài mà không dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt cùng những trao đổi với nhân viên trước đó thì bà Thoa cho biết: “Nhân viên bán hàng chỉ được đào tạo kỹ năng bán hàng, còn những yêu cầu thông tin sản phẩm sâu hơn thì có một bộ phận khác. Nếu khách hàng thực sự có nhu cầu mua hàng thì nhân viên bán hàng sẽ tư vấn về cách dùng cũng như nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng ra làm sao đối với những trường hợp sản phẩm không có tem nhãn”.
Khi đưa ra câu hỏi về việc có đánh giá thế nào về việc đúng sai đối với các các sản phẩm chưa có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt nhưng đã được siêu thị bày bán thì bà Thoa thoái thác trách nhiệm: “Hôm nay không có quản lý ở đây nên tôi không cung cấp bất cứ thông tin nào. Tôi sẽ ghi nhận ý kiến và chuyển cho quản lý, nếu họ sắp xếp được lịch thì sẽ liên hệ lại”.
Tuy nhiên đến nay, đã gần 10 ngày trôi qua nhưng bà Nguyễn Thị Kim Thoa và phía siêu thị vẫn không có bất kỳ thông tin nào trao đổi lại.
Theo Điều 16 và 18 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 15/3/2015 của Bộ Tài chính, hàng hóa nhập vào Việt Nam phải thực hiện thủ tục hải quan, tất cả hàng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đều là hàng lậu, hàng trốn thuế. |
Hành vi không dán nhãn phụ sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 26 Nghị định 80/2013/NĐ-CP, trong đó mức phạt cao nhất là phạt tiền từ 10.000.000 – 15.000.000 đồng với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả, buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về nhãn đang lưu thông trên thị trường… |
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.