Số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội đang tăng mạnh

Ngọc Anh

Ngành Y tế Hà Nội nhận định, dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay sẽ diễn biến phức tạp và công tác phòng, chống còn nhiều khó khăn. Trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội đã vượt mốc 1.000 ca/tuần tại 30 quận, huyện, gấp đôi so với trung bình nhiều tuần trước đó.

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, miền Bắc ghi nhận hơn 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó số ca mắc tại Hà Nội chiếm hơn 40%. Tính đến ngày 14/8, Hà Nội ghi nhận 3.512 ca (tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022) tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 440/579 xã, phường, thị trấn.

Đặc biệt, bệnh nhân có xu hướng gia tăng nhanh trong 4 tuần gần đây. Trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 500-600 ca mắc mới. Hiện tại, trong số 776 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại các bệnh viện có 8 ca nặng.

Nguyên nhân của sự gia tăng này là do thời tiết mưa nhiều, tạo thuận lợi phát sinh bọ gậy và muỗi, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh ở mức cao… Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội dự báo, đỉnh dịch sốt xuất huyết năm 2023 có thể rơi vào tháng 9 và 10 tới. Khi đó, số ca mắc sốt xuất huyết của Hà Nội trong năm nay có thể lên tới 19.000 ca bệnh.

Trước việc ổ dịch và số ca mắc mới tăng nhanh, các chuyên gia nhận định trong những tháng tiếp theo, số người mắc bệnh có thể tăng gấp 3 cho đến 5 lần. Mới đây, Sở Y tế Hà Nội dự báo đỉnh dịch có thể rơi vào tháng 9, tháng 10. 

Số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng gần 5 lần - Ảnh 1.

Lật úp các vật dụng chứa nước, nơi sinh sống của muỗi có thể đẻ trứng.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - ông Vũ Cao Cương, thời tiết mưa nhiều, nhiệt độ hằng ngày dao động trong khoảng 26-32°C, tạo thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi. Kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch với nhiều ca mắc trên địa bàn thành phố, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao. Thậm chí, nhiều điểm vượt ngưỡng nguy cơ dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh. Thêm vào đó, thời điểm này, sinh viên từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học, làm gia tăng đối tượng cảm nhiễm với bệnh.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu toàn thành phố chuyển sang vận hành theo cơ chế cao điểm phòng chống dịch sốt xuất huyết. Tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch tới từng hộ dân cư. Triển khai tổng vệ sinh môi trường. Trong đó, phát động, triển khai các đợt vệ sinh môi trường gắn với từng khu dân cư, hộ gia đình.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tích cực phối hợp với ngành y tế, chủ động diệt bọ gậy và nâng cao sức đề kháng là vô cùng quan trọng. Trường hợp không may mắc bệnh cần bổ sung vitamin, khoáng chất và sử dụng các sản phẩm thuốc kết hợp các thành phần đông y làm giảm nguy cơ bệnh trở nặng, giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng.

T/H