'Soi' quản lý, sử dụng tài sản công: Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều đơn vị sai phạm

Biên tập viên

Quản lý, sử dụng tài sản công là một trong những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng lãng phí. Kiểm toán Nhà nước vừa qua đã kiến nghị xử lý sai phạm của nhiều đơn vị…

Tại cuộc họp tổng kết hoạt động kiểm toán trong 6 tháng đầu năm 2018 vừa qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, tính đến ngày 30.6.2018 Kiểm toán Nhà nước đã triển khai 135/229 cuộc kiểm toán theo kế hoạch và kết thúc kiểm toán 91 cuộc. Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đối với 48 dự thảo BCKT và 14 BCKT đã phát hành, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 22.669 tỉ đồng trong đó tăng thu NSNN 12.614 tỉ đồng, giảm chi NSNN 8.600,4 tỉ đồng; kiến nghị khác 1.454,6 tỉ đồng.

Ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước chủ trì Hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm 2018

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh việc phân giao rõ trách nhiệm cho các đơn vị trực thuộc và chú trọng vào các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, TCty nhà nước; đầu tư theo hình thức BOT, BT; quản lý vốn chủ sở hữu, cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước...Đặc biệt là tăng cường kiểm toán và kiến nghị các cơ quan xử lý những sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản công.

Thực tế cho thấy, mặc dù Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đã quy định rõ các hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công như: Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức; Sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật…nhưng nhiều cơ quan nhà nước vẫn để xảy ra tình trạng cho thuê, cho mượn tài sản công, đất đai, trụ sở cơ quan không đúng mục đích.

Kiểm toán Nhà nước và nhiều chuyên gia cũng đã chỉ ra rằng: Việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản…không chỉ làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao mà còn là lỗ hổng để phát sinh tiêu cực tham nhũng, lãng phí. Và không ít vụ việc, “lợi ích nhóm” đứng đằng sau những hành vi sai phạm ấy đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước, coi thường những phán ánh đúng của các cơ quan báo chí.

Điển hình như tình trạng “Trường đại học Thủ đô Hà Nội thiếu cơ sở vật chất giáo dục, thừa ki-ốt kinh doanh” mà báo chí và dư luận phản ánh nhiều lần nhưng tình hình chưa được giải quyết triệt để. Hay nhiều khu đất tại quận 6 Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng tùy tiện sai mục đích nhiều năm, sự việc chỉ bị phanh phui khi Thanh tra TP HCM tiến hành thanh tra.

Nghi vấn nhiều đơn vị hoạt động trong trụ sở KTNN tại 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội

Gần đây dư luận băn khoăn nghi vấn, có hay không việc Kiểm toán Nhà nước sau khi khánh thành trụ sở mới tại số 116 đường Nguyễn Chánh, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội thì trụ sở cũ tại số 111 đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội đã cho nhiều cơ quan thuê (hoặc mượn) làm trụ sở. Trong khi bên ngoài toà nhà số 111 đường Trần Duy Hưng vẫn đề biển “Trụ sở Kiểm toán Nhà nước” thì nhiều cơ quan đã công khai thông báo toàn quốc, thậm chí còn đăng báo nhiều kỳ khẳng định trụ sở của họ ở bên trong trụ sở của Tổng Kiểm toán Nhà nước…?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về nội dung trên.

Nhóm PV