Trong buổi chiều muộn, chúng tôi men theo con đường độc đạo từ trung tâm xã vào bản Đửa. Phía xa là núi Pù Lôm, nơi các nhóm buôn ma túy một thời tác yêu tác quái. Ngọn núi trông có vẻ bình thường nhưng là nơi đắc địa của tội phạm ma túy ở miền Tây Nghệ An. Phía bên kia đã là địa bàn xã Mường Lống (Kỳ Sơn). Từ những năm 1990, các lối mòn qua Pù Lôm trở thành đường vận chuyển thuốc phiện và heroin từ Lào qua huyện Kỳ Sơn vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam và người ta ví nơi đây như “thủ phủ ma túy” của miền Tây xứ Nghệ.
Cho đến năm 2017, 2018, khi nhiều tụ điểm buôn bán ma túy ở Lượng Minh cũng như huyện Tương Dương đã bị triệt phá thì người ta vẫn kể với nhau rằng ở ngọn núi Pù Lôm cách không xa, cộng đồng 83 hộ dân này vẫn có những nhóm bán ma túy luôn sẵn vũ khí nóng để chống lại lực lượng công an bất cứ lúc nào. Gần đây, chúng ít hoạt động hơn nhưng không phải đã chấm dứt hẳn.
Bản Đửa nom xơ xác và vắng lặng. Những ngôi nhà sàn xen lẫn nhà trệt bằng gỗ bố trí san sát phía hai bên suối Huồi Đửa. Dưới lòng khe, có hàng chục tua-bin điện tự tạo. Bản cách không xa hai nhà máy thủy điện Bản Vẽ và Nậm Nơn nhưng lưới điện quốc gia vẫn chưa đến nơi.
Đã xẩm tối, những phụ nữ lặng lẽ rời nhà xuống suối tắm giặt. Đầu cầu thang, một vài bà cụ ngồi thêu váy. Mấy ông lão thò đầu ra từ cửa sổ ngó theo chúng tôi, tỏ vẻ ngạc nhiên khi có hai người lạ vào bản. Cách không xa con suối là một sân bóng chuyền với một mảnh lưới rách căng ngang trên sân. Giờ này ở những làng bản khác, đám thanh niên đã tập trung đánh bóng chuyền, phụ nữ, người già thì chơi bóng hơi. Khoảng sân này thì không hề có một bóng người. Trai gái bản Đửa hầu hết đều vắng nhà. Một phần tìm đến các doanh nghiệp trong Nam ngoài Bắc làm thuê. Một số không ít khác đang thụ án tại các trại giam. Chúng tôi biết được điều này khi tình cờ tìm được ông Vi Xuân Chính – Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi bản Đửa.
Ông Chính quê gốc xã Châu Khê, huyện Con Cuông. Từ năm 1998, ông đem theo vợ và 7 người con lên bản Đửa sinh sống. Ông bảo, ngày ấy muốn đưa vợ con đi tránh nghèo đói bởi ở quê cũ không còn đất làm rẫy. Đến nơi ở mới, những tưởng sẽ là lối thoát, ai dè đó cũng là lúc cơn lốc “cái chết trắng” kéo đến. Có những 5 cậu con trai đang tuổi ăn, tuổi lớn khiến ông lão lo ngay ngáy. Chưa đến tuổi 50 nhưng mái đầu ông Chính bắt đầu lốm đốm bạc. “Mình là đảng viên mà để con cái dính vào nghiện ngập thì đúng là có tội với họ hàng, tổ chức. Ông vừa cùng vợ con làm rẫy, vừa bảo ban chúng tránh xa nạn ma túy”, ông Chính day dứt.
Khi đứa con đầu lập gia đình ở một địa phương khác, ông quyết định cho anh ta về quê vợ sinh sống để tránh xa nạn nghiện hút. Thấy có vẻ ổn, đến lượt đứa thứ hai rồi thứ ba lấy vợ, ông Chính cũng tìm cách “đẩy” sang sinh sống đàng ngoại. Hai đứa con sau có vẻ chí thú làm ăn lại chuyên lao động xa nhà nên phần nào khiến ông Chính an tâm rằng họ sẽ không dính vào nghiện ngập như hàng chục trai bản khác.
Bây giờ đã ở tuổi 66, ông Chính không làm rẫy nữa mà ở nhà cùng vợ nuôi gà và chăm đàn cháu. Mỗi ngày, từ 3 giờ sáng, ông cầm chài lưới xuống suối đánh cá. Mọi sinh hoạt của gia đình gần như nhờ cậy vào 2 anh con trai đang đi lao động xa và cô con dâu đi xuất khẩu lao động gửi về. “Cho chúng nó “thoát ly” như vậy cũng tốt, các chú ạ. Vừa tránh được nghiện ngập, mình cũng đỡ phải đi làm lụng vất vả. Ai mà không muốn ở cùng các con, nhưng nạn ma túy nó như thế mình phải chấp nhận thôi”, ông Chính suy tư.
Sau bữa sáng cùng gia đình ông Chính, chúng tôi đi qua một căn nhà vắng chủ. Một người phụ nữ bên hàng xóm cho hay, đó là nơi cư ngụ của hai anh em Lương Như Ý và Lương Tuấn Kiệt. Cả hai đều ở tuổi ăn, tuổi học nhưng cha đang đi cai nghiện bắt buộc, mẹ lĩnh án 20 năm tù vì buôn bán ma túy nên phải bỏ học giữa chừng. Mới đây, Lương Tuấn Kiệt 14 tuổi lăn ra ốm phải đi bệnh viện tỉnh điều trị. Người anh là Lương Như Ý, 16 tuổi ở viện chăm em. Từ gần tháng nay, ngôi nhà trở nên hoang vắng. Những căn nhà hoang không khó tìm thấy ở bản Đửa. Có nhà cả vợ lẫn chồng đều lâm vào cảnh tù tội, người thì chồng đi tù, vợ ở nhà cũng bỏ đi làm thuê, làm mướn hay lao động chui ở Trung Quốc. Những đứa trẻ phải gửi nhờ họ hàng nội ngoại nuôi nấng.
Đã non trưa, chúng tôi gặp anh Lô Văn Du, một trong những người trẻ hiếm hoi còn ở lại bản. Anh Du hiện là Phó Trưởng bản và đang quáng quàng chạy đến tận nhà từng đảng viên để thông báo rằng chiều nay có họp chi bộ. Bản Đửa không có sóng điện thoại, cũng chẳng có điện lưới để gọi loa. Cả bản có 16 đảng viên nhưng phần lớn đều ở rẫy. Người ta thường phải thông báo trước một ngày khi bản tổ chức họp dân, họp chi bộ.
Anh Lô Văn Du cho hay, hiện trong bản có trên 20 người đang phải chấp hành án, hầu hết đều liên quan đến ma túy. Hiện nay, tình trạng buôn bán ma túy không còn diễn ra công khai. Các đối tượng chủ yếu giao hàng khi có điện thoại. Cả bản hiện có 4 người đang đi cai nghiện bắt buộc ở các trung tâm của huyện, tỉnh. Riêng những người nghiện đang đi làm ăn xa thì ban quản lý bản không nắm được số lượng. Giờ đây bản làng chủ yếu chỉ còn người già và trẻ nhỏ”, vẫn lời ông Chính, “Mình chỉ mong sao “con” ma túy mau đi khỏi nơi này”.
Có lẽ rằng, đó không chỉ là mong muốn mà còn là ước mơ của một người cha đang trong cảnh “sống mòn” khi về già. Để các con thoát được cảnh nghiện ngập, ông đành cho họ ở xa.