Nếu xét theo luật hiện hành, đưa và nhận hối lộ là tội danh nguy hiểm, có hình phạt cao nhất lên đến tử hình.
Thế nhưng ở ta, hình như rất ít vụ án về tội danh này. Nếu tôi không nhầm, số vụ có lẽ mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó kể cả mấy ông nông dân nào đó ở Miền Tây Nam Bộ nhưng cũng mấy năm rồi.
Trong khi đó, ở không ít văn bản các loại thì hiện tượng đưa và nhận hối lộ không hiếm, thậm chí nhiều lúc, nhiều nơi hơi bị… phổ biến và được “biến ảo” thành các mỹ từ như “hoa hồng, hoa huệ”, “chạy”, “công chức trăm triệu”…
Vì sao có hiện tượng này? Có thể có nhiều lý do mà một trong những nguyên nhân rất quan trọng mà người viết này đã nói ở trên, đó là sự biến đổi “kỳ ảo”.
Xin đơn cử 03 vụ việc gần đây nhất để minh chứng cho sự “kỳ ảo” này.
Thứ nhất là trong vụ gian lận điểm thi khủng khiếp vừa qua tại Hòa Bình.
Trong khi những người nhận hối lộ đã thừa nhận có nhận tiền và nhiều tỉ đồng tang vật đã được nộp cho cơ quan điều tra thì trái lại, những người đưa tiền kiên quyết… từ chối.
Ơ hay! Thế thì số tiền khổng lồ ấy ở đâu ra nhỉ? Từ trên trời rơi xuống hay ai đó “bốc bạc bỏ tay người”? Không biết sau này, vụ việc sẽ được xét xử như thế nào bởi nếu xử người nhận thì phải có người đưa và ngược lại…?
Trái với vụ “bốc bạc bỏ tay người” ở Hòa Bình, vụ án thuốc ung thư giả tại Công ty Pharma, ông Ngô Anh Quốc, nguyên Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của công ty này đã đem cả chục tỷ đồng đi chạy án, hối lộ nhằm thoát tội lại chỉ có bản án trừng phạt những kẻ chạy án mà chưa làm rõ, buộc tội những người đã nhận hối lộ, tiếp tay cho họ.
Song, cao văn thủ hơn cả có lẽ là vụ việc tại Hà Giang. Họ đã “không vụ lợi”, không có chuyện tiền nong, chỉ là nhờ vả, quen bết, tức là “lòng tốt” mà nâng điểm cho 309 bài thì của 107 hí sinh để rồi mang tấm thân tù tội.
Vụ này thì không có ai đưa mà cũng chẳng có ai nhận hối lộ cả. Hãy tin họ đi. Chìm nghỉm rồi?
Tóm văn lại, một vụ thì có người nhận nhưng không có người đưa. Một vụ thì có người đưa nhưng lại không có người nhận và một vụ thì chả có ai đưa, cũng không có ai nhận, chỉ có “lòng nhân hậu”…
Có lẽ vì thế, người viết bài này loay hoay mãi không biết có hay không việc đưa và nhận hối lộ và nếu có, cũng không biết gọi nó như thế nào cho đích đáng bèn mượn từ “kỳ ảo” nằm trong ngặc kép!
Các bạn có thấy “kỳ ảo” không nhỉ?
Bùi Hoàng Tám