Sự quan tâm của Đảng đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Thảo Huyền

Ngay sau khi giành được độc lập dân tộc, thiết lập hệ thống chính trị để xây dựng xã hội mới, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, coi đây là một trong những thành tố quan trọng của hệ thống chính trị, là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ

Ngay sau khi giành được độc lập dân tộc, thiết lập hệ thống chính trị để xây dựng xã hội mới, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, coi đây là một trong những thành tố quan trọng của hệ thống chính trị, là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, nhằm phát huy vai trò và sức mạnh của "một nửa thế giới" trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chế độ mới, làm cầu nối giữa Đảng với đông đảo quần chúng phụ nữ.

Nhờ đó, vị trí trong gia đình, ngoài xã hội và trong quan hệ với nam giới của giới nữ Việt Nam được cải thiện căn bản kể từ khi có Đảng, có tổ chức Hội LHPN các cấp. Tại Hội nghị Trung ương ngày 20/10/1930, Đảng đã ra Nghị quyết đầu tiên về công tác vận động phụ nữ và xác định: "Đảng cần phải tổ chức ra các đoàn thể phụ nữ, phụ nữ hiệp hội, mục đích là mưu quyền cho phụ nữ, làm cho phụ nữ triệt để giải phóng" [1].

Sự quan tâm của Đảng đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - Ảnh 1.

Bác Hồ với đại biểu phụ nữ các dân tộc Việt Bắc năm 1959. Ảnh tư liệu

Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương về công tác phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam. Nghị quyết 04-NQ/ TW ngày 12/07/1993 của Bộ chính trị "Về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới" đã đề ra các quan điểm và công tác lớn nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của phụ nữ trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo điều kiện cho phong trào phụ nữ có những bước tiến mới và tăng số lượng, chất lượng cán bộ phụ nữ trong hệ thống Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế, xã hội. Trên cơ sở của Nghị quyết 04, ngày 29/9/1993, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 28/CT-TW, giao nhiệm vụ cho Đảng đoàn Hội LHPN Việt Nam giúp Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo phong trào phụ nữ, đổi mới nội dung, tổ chức và phương thức hoạt động của Hội LHPN Việt Nam trong tình hình mới.

Hơn 10 năm sau, Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007, của Bộ Chính trị "Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" đã bổ sung trách nhiệm "nòng cốt" [2] của Hội LHPN Việt Nam trong công tác vận động phụ nữ. Theo đó, vai trò đại diện của các cấp Hội ngày càng được coi trọng, phát huy theo hướng "thực hiện nghiêm túc trách nhiệm bảo đảm cho các cấp Hội tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; giám sát, phản biện xã hội; đảm nhiệm một số nhiệm vụ trong chương trình phát triển kinh tế-xã hội". Tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước về chủ trương chính sách liên quan đến phụ nữ. Tổ chức tập hợp, động viên đông đảo các tầng lớp phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với phụ nữ và có liên quan đến phụ nữ. Mở rộng tính liên hiệp, tập hợp rộng rãi các đối tượng là phụ nữ trên nguyên tắc tự nguyện…

Trong những năm gần đây, Đảng đã ban hành nhiều văn bản quy định, quy chế về giám sát, phản biện xã hội; về việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội. Tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII (7/3/2017), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: "Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tích to lớn của phong trào phụ nữ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua. Hoan nghênh và ghi nhận sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, bộ, ngành, đoàn thể trong công tác phụ nữ và bình đẳng giới…" [3].

Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên sự nỗ lực vượt bậc của toàn dân, trong đó có phụ nữ, đòi hỏi Đảng và các cấp chính quyền phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phụ nữ theo một số yêu cầu sau: Không ngừng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong hệ thống chính trị, từng bước xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách về công tác phụ nữ, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội; chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội một cách toàn diện, đồng bộ và phải đặt trong tổng thể đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; chú trọng công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Mặt khác, Hội LHPN Việt Nam chủ động, tích cực nghiên cứu, tham mưu, đề xuất luật pháp, chính sách liên quan đến công tác phụ nữ; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc đổi mới hoạt động của Hội các cấp để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn, chủ động hơn, đóng góp ngày càng lớn hơn cho sự phát triển của gia đình, cộng đồng, đất nước và thực hiện bình đẳng giới.