Theo đó, hiểu được mối liên hệ giữa lão hóa và ung thư là rất quan trọng để xây dựng chiến lược phòng ngừa và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi.
Ung thư có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng đối với người cao tuổi, đây là một yếu tố nguy cơ lớn, do sự kết hợp giữa sinh học, môi trường và lối sống.
1. Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư ở người cao tuổi
1.1. Yếu tố sinh học
TS. Nikhil S Ghadyalpatil, chuyên gia tư vấn cấp cao về ung thư và bác sĩ chuyên khoa ung thư huyết học tại Bệnh viện Yashoda (Hyderabad -Ấn Độ) cho biết, các yếu tố sinh học sau đây đóng vai trò quan trọng đối với ung thư ở người cao tuổi:
- Tích lũy đột biến gen: Điều này xảy ra theo thời gian, khi các tế bào trong cơ thể tích lũy đột biến gen. Cơ thể có sẵn các cơ chế để sửa chữa DNA và điều chỉnh sự phát triển của tế bào, nhưng chúng trở nên kém hiệu quả hơn theo tuổi tác, dẫn đến khả năng đột biến ung thư cao hơn.
- Chức năng miễn dịch giảm: Hệ thống miễn dịch suy yếu theo tuổi tác, khiến nó kém hiệu quả hơn trong việc phát hiện và tiêu diệt các tế bào ung thư. Điều này làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư.
- Lão hóa tế bào: Khi tế bào già đi, chúng chuyển sang trạng thái gọi là 'lão hóa', không còn phân chia nhưng vẫn ảnh hưởng đến các tế bào xung quanh. Các tế bào bạch cầu có thể tạo ra một môi trường thúc đẩy sự phát triển của ung thư thông qua việc giải phóng các yếu tố 'gây viêm'.
Nguy cơ ung thư vú tăng theo tuổi tác, đặc biệt là sau mãn kinh do sự thay đổi nồng độ hormone.
1.2. Yếu tố môi trường và lối sống
Theo TS. Nikhil S Ghadyalpatil, các yếu tố môi trường và lối sống làm tăng nguy cơ ung thư ở người cao tuổi như:
- Tiếp xúc lâu dài với các chất gây ung thư: Trong suốt cuộc đời, các cá nhân tiếp xúc với nhiều chất gây ung thư khác nhau như khói thuốc lá, bức xạ, hóa chất và tia UV... Chính tác động tích lũy này làm tăng nguy cơ ung thư.
- Viêm mạn tính: Viêm dai dẳng thường gặp ở nhiều bệnh liên quan đến tuổi tác, có thể góp phần vào sự phát triển của ung thư. Viêm gây tổn thương DNA và thúc đẩy môi trường hỗ trợ sự phát triển của khối u.
2. Loại ung thư nào thường gặp ở người cao tuổi?
Có 5 loại ung thư chủ yếu ảnh hưởng đến người cao tuổi, đó là:
- Ung thư vú: Nguy cơ tăng theo tuổi tác, đặc biệt là sau mãn kinh do sự thay đổi nồng độ hormone.
- Ung thư tuyến tiền liệt: Đây là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới lớn tuổi, thường được chẩn đoán khi họ bước qua tuổi 65.
- Ung thư đại trực tràng: Nguy cơ tăng theo tuổi tác, hầu hết các trường hợp xảy ra ở những người trên 50 tuổi.
- Ung thư phổi: Nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi cũng tăng theo tuổi tác, đặc biệt ở những người có tiền sử hút thuốc.
- Ung thư da: Việc tiếp xúc kéo dài với bức xạ tia cực tím trong suốt cuộc đời có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư này, khiến bệnh trở nên phổ biến hơn ở người lớn tuổi.
Ung thư tuyến tiền liệt thường được chẩn đoán ở nam giới bước qua tuổi 65.
3. Phòng ngừa và quản lý bệnh ung thư như thế nào?
Tiến sĩ Nikhil khuyến cáo làm những điều sau đây để phòng ngừa và điều trị ung thư ở người cao tuổi:
- Sàng lọc thường xuyên: Phát hiện sớm thông qua sàng lọc thường xuyên có thể cải thiện đáng kể kết quả điều trị cho người lớn tuổi.
- Thực hiện lối sống lành mạnh: Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất, tránh thuốc lá cũng như uống rượu vừa phải… có thể làm giảm nguy cơ ung thư.
- Tiêm chủng: Tiêm phòng vaccine như HPV có thể ngăn ngừa một số bệnh ung thư, ngay cả ở người lớn tuổi.
- Quản lý các bệnh mạn tính: Điều quan trọng là phải quản lý đúng cách các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp để cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ ung thư.
- Tư vấn di truyền: Đối với những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư, tư vấn và xét nghiệm di truyền có thể giúp xác định rủi ro và đưa ra các biện pháp phòng ngừa.