Lộ sai phạm khi được nâng hạng
Việc tuyển sinh 7 học sinh này đã vi phạm vào những điều nhà giáo không được làm: “Gian lận trong tuyển sinh, thi cử, cố ý đánh giá sai kết quả học tập, rèn luyện của người học” (Khoản 2, điều 75, luật Giáo dục). Ngoài sai phạm này, dư luận đang đặt thêm câu hỏi về trách nhiệm với nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa.
Sai phạm của bà Thúy chỉ bị phát hiện khi bà được điều chuyển, nâng hạng. Cụ thể, tháng 11/2018, bà Thúy được điều chuyển từ trường THPT Lưu Đình Chất (trường hạng 3 - phụ cấp chức vụ 0.45) lên trường THPT Hoằng Hóa 2 (trường hạng 2 - phụ cấp chức vụ 0.6) “hoán đổi” cho ông Nguyễn Văn Bát “xuống” trường THPT Lưu Đình Chất.
Việc hoán đổi hiệu trưởng của hai trường diễn ra khi trường THPT Lưu Đình Chất đang chờ hết năm học 2018-2019 để giải thể theo Nghị quyết số 103/2017 của HĐND tỉnh Thanh Hóa. Như vậy, bà Thúy đã được “nâng hạng” trước khi giải thể trường 7 tháng. Trong quá trình bàn giao công việc giữa hai hiệu trưởng, bà Thúy đã thẳng thắn bàn giao cho ông Bát danh sách 7 học sinh được “tuyển sinh chui” kèm thêm “gia thế” của từng học sinh.
Danh sách bàn giao học sinh cùng “gia thế”của học sinh
Trao đổi với phóng viên về lí do tại sao lại tiếp nhận những học sinh này, bà Hoàng Thị Thúy cho biết: Việc tiếp nhận này là vì mối quan hệ xã hội. Như vậy, có thể thấy bà Thúy bất chấp pháp luật, đã vì mối quan hệ xã hội mà “xé rào” tuyển sinh chui. Để chứng minh cho việc này, trong biên bản bàn giao danh sách học sinh cho hiệu trưởng mới, bà Thúy đã không quên ghi chú thích nhân thân của 7 học sinh này ở cột bên cạnh. Đó như một minh chứng để khẳng định “mối quan hệ xã hội” của bà Thúy.
Bà Hoàng Thị Thúy trong buổi làm việc với phóng viên
Sở không đưa ra phương án xử lý cụ thể đối với sai phạm
Điều đáng nói, vụ việc bà Thúy tuyển sinh chui bị phát hiện từ tháng 4/2019 và ngày 03/5/2019, hiệu trưởng trường THPT Lưu Đình Chất đã gửi công văn số 85/BC- báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa xin ý kiến chỉ đạo nhưng đến nay Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa vẫn chưa có phương án xử lý kỷ luật đối với cá nhân liên quan.
Báo cáo số 85/BC của trường THPT Lưu Đình Chất gửi Sở GD&ĐT
Trả lời phóng viên qua điện thoại, ông Hoàng Văn Thi – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa (hiện đã chuyển công tác) cho biết: “Các em ấy không có lỗi, nay đã đậu tốt nghiệp thì có quyền bình đẳng như thí sinh khác. Còn trách nhiệm thuộc về ai khi Sở tiến hành kiểm tra mới rõ".
Phóng viên đã nhiều lần liên hệ với bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa để làm việc về vấn đề này nhưng bà Hằng không nghe điện thoại hoặc là “chị đang họp” hoặc “em đặt lịch làm việc với Chánh văn phòng”. Phóng viên đặt lịch làm việc với Chánh văn phòng là ông Trịnh Văn Tâm nhiều lần nhưng đều nhận được câu trả lời là “các sếp bận”, “chờ anh xin ý kiến các sếp”…
Tính đến trước khi bà Phạm Thị Hằng thôi giữ chức Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa (tháng 11/2020) để làm Phó ban tuyên giáo tỉnh ủy Thanh Hóa, phóng viên đã nhiều lần liên hệ đặt lịch làm việc thông qua Văn phòng Sở nhưng vẫn không nhận được hồi âm.
Trước sự im lặng khó hiểu và chậm chễ trong việc xử lý vi phạm của cá nhân liên quan trong vụ việc này, dư luận băn khoăn về trách nhiệm của người đứng đầu Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa như thế nào? Có hay không việc bà Hằng chuyển công tác sang làm Phó trưởng Ban tuyên giáo tỉnh ủy Thanh Hóa sẽ làm trôi vụ việc theo cách của bà?
Khó hiểu hơn nữa là trong nhiệm kì Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo của mình, bà Phạm Thị Hằng đã xử lý kỷ luật rất khẩn trương một Hiệu trưởng trường THPT liên quan đến việc tuyển sinh chui.
Cũng liên quan đến vấn đề xé rào tuyển sinh chui, Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Thanh Hóa đã quyết định thi hành kỷ luật hàng loạt lãnh đạo của tỉnh Thanh Hóa, nguyên hiệu trưởng và một số trưởng đơn vị của Trường Đại học Hồng Đức. (Thông báo 377/UBKTTU, ngày 13/6/2020).
Như vậy có thể thấy, cùng một vấn đề tuyển sinh chui ở cùng một địa phương lại có nhiều cách xử lý khác nhau. Thậm chí, khi tính chất vụ việc, đối tượng vi phạm giống hệt nhau nhưng cách xử lý kỷ luật vẫn khác nhau(!?)
Trước việc làm bất thường của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, có những nghi vấn cần làm rõ như: Có mối liên hệ nào giữa “gia thế” của những học sinh được tuyển sinh chui và mối quan hệ xã hội của bà Hoàng Thị Thúy đối với việc bà Phạm Thị Hằng “để trôi” sự việc ?
Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Ngày 15/4/2021 Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã có buổi làm việc và công bố Quyết định Thanh tra trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục của UBND tỉnh Thanh Hóa. Thời kỳ thanh tra được xác định từ tháng 1/2019 đến tháng 12/2020. Trường hợp cần thiết sẽ mở rộng trước hoặc sau thời kỳ thanh tra. Đoàn Thanh tra sẽ thực hiện thanh tra việc xây dựng, ban hành và triển khai các văn bản quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn của UBND tỉnh Thanh Hóa. Các vấn đề thanh tra liên quan đến công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật viên chức và cán bộ quản lý ngành giáo dục; thanh tra về tài chính, cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục; công tác xây dựng, quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp, cơ sở giáo dục trên địa bàn; việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; thanh tra công tác quản lý liên kết đào tạo trên địa bàn và việc cấp phát văn bằng chứng chỉ; thanh tra công tác quản lý, chỉ đạo đối với các trường đại học công lập trực thuộc tỉnh, các cơ sở giáo dục khác đóng trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Thanh tra về công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc xử lý vi phạm về giáo dục thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn của UBND tỉnh Thanh Hóa. Dự kiến đoàn công tác của Bộ Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ làm việc trong thời gian 45 ngày, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra. |