Thanh Hóa: Hơn hai trăm nhân viên y tế nghỉ việc

Thảo Huyền

Từ năm 2020 đến nay, Thanh Hóa có 206 nhân viên y tế công lập nghỉ việc, trong đó có 96 bác sĩ (chiếm khoảng 47%) do áp lực công việc và thu nhập thấp.

Trong phiên thảo luận ngày 12/7 của kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2021- 2026, ông Trịnh Hữu hùng - Giám đốc sở y tế co biết: Nhiều cơ sở công lập thiếu vật tư y tế, hóa chất  xét nghiệm. Đặc biệt từ năm 2020 đến nay đã có 206 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó co 96 bác sĩ (chiếm khoảng 47%). Thực trạng này tuy nhiên chỉ là cục bộ, chưa tới mức trầm trọng nhưng cũng gây  ảnh hưởng tới công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Nguyên nhân khiến nhân viên y tế nghỉ việc do áp lực công việc nặng nề hơn, người bệnh ngày càng đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao cho nên nhân viên y tế, bác sĩ luôn cảm thấy mệt mỏi. Nhân viên y tế, bác sĩ còn phải đối mặt với mối nguy hiểm người bệnh và người thân của bệnh nhân, trong khi cơ chế bảo vệ nhân viên y tế còn nhiều bất cập, chưa được động viên đánh giá đúng mức từ người bệnh, từ xã hội đến cả cấp quản lý.

svde-1657677027.png
Do áp lực công việc, nhiều nhân viên y tế ở Thanh Hóa đã nghỉ việc

 

Thu nhập của nhân viên y tế không đảm bảo kể từ năm 2020 đến nay do đại dịch COVID-19, số lượng người đến khám chữa bệnh giảm, ảnh hưởng tới nguồn thu của cơ sở khám chữa bệnh, trong khi đó các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ nên ngân sách nhà nước không còn hỗ trợ được nhiều.

Theo đánh giá tình hình, tình trạng nhân viên y tế, bác sĩ có ý định xin nghỉ việc có thể lớn hơn gấp nhiều lần con số thực tế. "Tuy nhiên, trong số này những người muốn nghỉ việc lại chưa tìm được lối rẽ vì đã có nhiều năm cống hiến, công tác nên chuyển nghề cũng rất khó bởi có người cũng đã 40 rồi không biết chọn ngành gì để học tiếp đây. Mà dù có muốn tìm một cơ sở y tế ngoài công lập khác để làm cũng không dễ”, ông Hùng chia sẻ.

Để hạn chế tình trạng nhân viên y tế, bác sỹ nghỉ việc, ông Trịnh Hữu Hùng kiến nghị, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa ngoài hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị, cần có thêm chính sách hỗ trợ theo đầu giường bệnh; đồng thời đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam thanh toán chi phí vượt định mức kinh tế, kỹ thuật năm 2017-2018 cho các cơ sở khám, chữa bệnh, với tổng số tiền là 203 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực vật tư, thiết bị y tế, do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ bị thanh tra, kiểm tra trong khi do yêu cầu công việc, tình huống nên nhiều khi phải đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp e ngại cung cấp hàng hóa cho một số đơn vị công, do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thanh toán phức tạp.

Chia sẻ tại phiên thảo luận, ông Hùng cho biết: Mua sắm trong lĩnh vực y tế, có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong tình trạng khẩn cấp để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và nhu cầu chống dịch Covid-19.

Việc thực hiện Nghị định 60/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập về thẩm quyền mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị chưa có thống nhất, dẫn đến việc đấu thầu mua sắm của các đơn vị sự nghiệp cũng bị chậm. Một số loại thuốc hết hạn số đăng ký dẫn đến chậm thầu so với thời gian.

Lâm Ngọc