Ngày 22/4, tại một ngôi trường THPT ở Thủ đô, bộ GD&ĐT tổ chức Lễ phát động “Triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc” với sự tham dự của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Cũng trong chính ngày này, báo chí đưa tin chấn động, một thầy giáo ở huyện Bảo Yên, Lào Cai bị tố cáo có hành vi hiếp dâm đến mang thai một học sinh lớp 8.
Khủng khiếp hơn, sự việc đã kéo dài được gần 2 năm, từ khi cô học trò còn học lớp 7 nhưng gia đình vẫn không hay biết gì. Thầy giáo đã bị bắt giữ khẩn cấp ngay trong đêm để điều tra về hành vi giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, theo điều 145 Bộ luật Hình sự.
Thông tin như một cú giáng trực diện vào lễ phát động mang tính chất hình thức của bộ Giáo dục đào tạo "vì một trường học hạnh phúc".
Xin khoan hãy hỏi, trách nhiệm của Bộ ở đâu khi ngành giáo dục đã có quá nhiều vấn đề nhức nhối cần giải quyết!
Tôi xin nói thẳng: Nếu thầy giáo dâm ô, hiếp dâm học sinh 1 lần vì "nhỡ tay", vì "uống rượu quá chén" hay vì "thấy cháu đáng yêu quá" như một vài lời biện hộ thường thấy gần đây, thì đó là lỗi của thầy.
Nhưng để sự việc kéo dài gần 2 năm, khi em học sinh bị hiếp dâm từ lớp 7 lên gần hết lớp 8 thì lỗi lớn nhất là của chính em học sinh đó, lỗi từ chính gia đình và lỗi của chính xã hội này.
"Mẹ ơi, con sinh ra từ đâu?" – đã có biết bao đứa trẻ nhận được câu trả lời: "Con sinh ra từ nách", "từ lỗ rốn" hay từ bất kỳ bộ phận nào đó của người mẹ, nhưng tuyệt nhiên – không phải là "âm đạo"?
"Tại sao con được sinh ra?" – đã có biết bao đứa trẻ nhận được câu trả lời là do: "Con cò mang con đến" hoặc "bố mẹ nhặt mày từ bãi rác", thay vì con là tạo vật được hình thành từ tinh trùng của bố và trứng của mẹ?
"Tại sao "chỗ đó" của bạn lại không giống của con?" – đã có biết bao bé gái nhận được câu trả lời qua quýt kiểu "lớn lên con sẽ hiểu" thay vì giải thích cho con biết rằng bộ phận sinh dục của con trai và con gái là hoàn toàn khác nhau?
Người lớn không đủ kiên nhẫn, thậm chí không đủ hiểu biết để lý giải như thế nào là âm đạo, là dương vật, là quá trình thụ thai… Và họ đẩy trách nhiệm đó cho nhà trường.
Đáng tiếc, em học sinh ở Lào Cai đã mang thai mà chưa kịp học hết quyển sách Sinh học lớp 8, cuốn sách giáo khoa hiếm hoi có chương nói về Sinh sản nhưng lại nằm khiêm tốn ở những trang cuối cùng, và thường xuyên được bỏ qua vì thầy cô giáo bận ôn thi cuối kỳ, hay vì ngại ngùng giải đáp những thắc mắc tuổi mới lớn. Và thầy cô giáo nghĩ, thời buổi công nghệ hiện đại, chỉ cần một cú click chuột đã có thể tìm kiếm cả một cuốn bách khoa toàn thư về sinh sản.
Đáng tiếc, thế giới mạng vốn nhiễu loạn thông tin, người ta như "lên đồng" khi nghe tin một đứa trẻ bị sàm sỡ, xâm hại, muốn lên án kẻ đồi bại nhưng lại rủ rỉ tai nhau "nhìn như thế kiểu gì chẳng bị hiếp dâm".
Khoan đổ lỗi cho nhà trường, khoan đổ lỗi một Bộ trưởng mà bạn còn chưa từng có dịp tiếp xúc, khoan đổ lỗi cho mạng xã hội mà bạn cũng không biết chính xác là ai, hãy nhìn vào chính mình!
Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình ấy còn chưa hoàn chỉnh thì đừng mong xây dựng được một xã hội hoàn chỉnh, không tì vết.
Cô bé ở Lào Cai bị xâm hại từ năm lớp 7 – khi mới 12 tuổi đã mang những tổn thương, nứt gãy đầu đời chẳng thể tâm sự cùng ai.
Đến 13 tuổi đã chuẩn bị làm mẹ trong khi bố của đứa trẻ - nếu như lời tố cáo đúng sự thật – đang đối mặt với mức án thích đáng từ pháp luật.
Rồi khi đứa trẻ ấy lớn lên, nó ngước mắt hỏi mẹ: “Con sinh ra từ đâu?”, tôi dám chắc nó sẽ lại nhận được câu trả lời: “Con sinh ra từ nách”.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Theo Người đưa tin