Từ tờ mờ sáng chúng tôi đã rậm rịch chuẩn bị tư trang, hành lý cho cuộc hành quân theo chân các chiến sỹ Đồn Biên phòng Nhôn Mai (Tương Dương) đi tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Đích đến là mốc Quốc giới 383, 1 trong 5 cột mốc thuộc địa bàn xã Nhôn Mai.
Để đến được Mốc 383, chúng tôi phải đi qua bản Huồi Cọ. Những ai chưa quen đi đường rừng, vượt đèo leo dốc sẽ thấy khá “sốc” khi bắt gặp ngay con dốc bắt đầu từ chân cổng chào với dòng chữ “Làng Văn hóa Huồi Cọ”. Con đường nhiều đoạn dốc đứng, trơn trượt, đất đá lổn nhổn. Ngay cả những chiến sỹ nhiều năm kinh nghiệm “đi mốc” như đồng chí Vừ Bá Zìa thuộc tổ công tác Thăm Thẩm gặp đoạn đường này cũng đành xuống xe dắt bộ bởi bánh xe máy quay tít mù không thể tiến lên. Lên đến bản Huồi Cọ, tổ công tác gửi lại xe máy ở dưới chân nhà văn hóa cộng đồng để luồn rừng, vượt núi nhắm hướng Mốc 383.
Đường đi men theo vách núi, chỉ cần trượt chân là ngã nhào xuống vực sâu. Đi được nửa quãng đường, bất chợt cơn mưa rừng xối xả ập đến, mọi người vội vã mặc áo mưa, anh lính trẻ nhất đoàn Vi Quang Linh chặt vội tàu lá chuối rừng che mưa rồi xăm xăm đi trước, dường như cơn mưa rừng và những lớp bùn nhão nhoét dưới chân không làm mất đi vẻ háo hức của người chiến sỹ quân hàm xanh lần đầu tiên được đi tuần tra đường biên, cột mốc. Vui nhất có lẽ là những phút giải lao ngắn ngủi, những ca từ tươi vui của bài hát “Tuổi trẻ trên đường quê hương” phát ra từ chiếc đài nhỏ đeo bên hông của một chiến sỹ làm ai nấy như quên hết mệt nhọc: “Bước chân ta đi hôm nay trên đường biên giới/Sương đêm ướt nặng vai/Đường đi vẫn còn dài/Xa xa thấp thoáng kia những bản làng… Bạn ơi! Núi cao nào ngăn được bước chân ta đi/Suối sâu nào ngăn được lòng người chiến sỹ/Ngày đêm đi tuần tra vì biên giới của ta…”.
Sau hơn 3 tiếng đi bộ, đến gần 11 giờ trưa chúng tôi mới đến được “đích”. Kết thúc cuộc hành trình, Thượng tá Nguyễn Xuân Phương – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhôn Mai cho chúng tôi biết: Đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ các tuyến đường biên giới và mốc quốc giới trên địa bàn 2 xã là Nhôn Mai (có đường biên giới dài 15 km tiếp giáp nước bạn Lào, 5 cột mốc Quốc giới từ Mốc 381 đến Mốc 385, ba bản giáp biên là bản Huồi Cọ, bản Huồi Măn và bản Phà Mựt) và Mai Sơn (đường biên giới dài 9,5 km với 3 cột mốc từ Mốc 386 đến Mốc 388, hai bản giáp biên đó là bản Piêng Cọoc, bản Phá Kháo). Hoạt động tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc được cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nhôn Mai thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức: Tuần tra đột xuất, tuần tra song phương hoặc tuần tra theo kế hoạch.
“Nếu là tuần tra khép kín thì để kiểm tra hết 8 cột mốc mà đồn phụ trách phải mất từ 6 – 7 ngày hành quân ròng rã với các địa hình đồi núi cheo leo, hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt và nhiều hiểm nguy rình rập. Dọc đường tuần tra nếu gặp nhà dân thì dừng chân nghỉ tạm, không gặp thì mắc võng ngủ trong rừng, nấu ăn tại chỗ, trời mưa không nhóm được lửa thì chấp nhận dùng số lương khô mang theo…”, Thượng tá Phương cho hay.
Rời Nhôn Mai chúng tôi tham gia chuyến hành trình tuần tra đường biên, cột mốc với Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Kỳ Sơn) được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 22,5 km đường biên giới và 8 cột mốc Quốc giới (từ Mốc 402 đến Mốc 409) nằm trên địa bàn 2 xã Nậm Cắn và Tà Cạ. Vượt qua những đoạn đường rừng với nhiều con dốc lớn nhỏ, mấy khe suối lổn nhổn đá trơn như rải mỡ, người đi trước phải nắm tay người sau để khỏi ngã, chúng tôi bắt đầu đuối sức, hơi thở nặng nề, bước chân cũng chậm lại.
Vượt qua quãng đường vừa đi vừa thở, chúng tôi cũng đến được Mốc 406. Tới nơi, sau công tác phát quang các cành cây rậm rạp, quan sát, kiểm tra các dấu hiệu cột mốc biên giới, nghi lễ chào cột mốc – chủ quyền Tổ quốc, được các chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn thực hiện một cách trang nghiêm. Giây phút ấy, mọi vất vả, mệt mỏi dường như tan biến, chỉ còn lại tình yêu và niềm tin mãnh liệt lấp lánh trong từng ánh mắt cương nghị của những người lính quân hàm xanh.
Đối với Đồn Biên phòng Mường Típ, cung đường tuần tra tưởng như có phần thuận lợi hơn khi trên địa bàn có tuyến đường tuần tra biên giới đã được xây dựng, một số mốc có thể đi tuần bằng phương tiện xe máy. Song thời điểm chúng tôi tham gia cùng tổ công tác của Đồn Biên phòng Mường Típ, tuyến đường tuần tra biên giới đã bị hư hỏng nặng do tác động của các đợt thiên tai, lũ quét. Bởi vậy, đi dọc 28 km đường tuần tra, tổ công tác phải có hơn chục lần xuống xe dắt bộ qua các đoạn đường bị đất đá vùi lấp hoặc sạt lở, nứt gãy. Nhiều vết nứt rộng toang hoác như những cái bẫy chỉ cần lạc tay lái thì cả người và xe sẽ bay xuống vực.
Đại úy Trần Văn Thế – Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Mường Típ cho biết: Đồn Biên phòng Mường Típ quản lý 54 km đường biên giới, 10 cột mốc, 6 cặp cọc dấu thuộc địa bàn 2 xã biên giới Mường Típ và Mường Ải. Đây là địa bàn khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn, người dân chủ yếu là làm nương, làm rẫy, trình độ dân trí thấp còn mang nặng nhiều hủ tục; bên cạnh đó tội phạm ma túy, mua bán người, di cư trái pháp luật qua biên giới diễn ra phức tạp. Bởi thế, nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc và bảo đảm an ninh biên giới của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Mường Típ càng nặng nề, khó khăn, vất vả…
Tỉnh Nghệ An có đường biên giới Quốc gia dài 468,281 km tiếp giáp với 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay của nước bạn Lào. Các tuyến biên giới hầu hết có địa hình hiểm trở, chủ yếu núi cao, vực sâu, hệ thống đường biên, mốc quốc giới xa khu dân cư. Bởi vậy, 22 đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn tỉnh là những đơn vị chủ lực gánh trách nhiệm đảm bảo an ninh, trật tự khu vực biên giới cũng như bảo vệ hệ thống mốc Quốc giới, tuyến đường biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
Bên cạnh tuần tra theo kế hoạch, công tác tuần tra song phương với lực lượng biên phòng, chính quyền và người dân của nước bạn Lào cũng được các đồn biên phòng chú trọng thực hiện. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, nhằm duy trì ổn định tình hình trên tuyến biên giới chung của hai nước, củng cố, phát triển mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực quản lý biên giới; kịp thời phát hiện, giải quyết các vụ việc xảy ra trên biên giới theo đúng tinh thần Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên tinh thần thẳng thắn, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Sau mỗi đợt tuần tra song phương hai bên đều tổ chức họp rút kinh nghiệm, trao đổi một số nội dung tình hình có liên quan, ký biên bản và thống nhất cho những lần tuần tra tiếp theo.
Trò chuyện với Đại úy Trần Thanh Hải – Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Hợp (Tương Dương) – người vừa trở về từ đợt tuần tra song phương khép kín đoạn biên giới Việt Nam – Lào từ khu vực cột mốc số 425 đến khu vực cột mốc số 426 và khu vực cọc dấu 426.2 (có độ cao 1. 767m so với mực nước biển) do Đồn Biên phòng Tam Hợp phối hợp với Đại đội Biên phòng 251 – Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bôlykhămxay (Lào) tổ chức, anh cho biết: Đây là hoạt động được đơn vị thường xuyên phối hợp với lực lượng nước bạn nhằm kịp thời phát hiện những vụ việc vi phạm quy chế biên giới, giải quyết các vụ việc xảy ra trên tuyến; phối hợp bảo vệ đường biên giới chung, duy trì ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới. Hoạt động tuần tra song phương cũng góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố thêm tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa 2 nước Việt Nam – Lào nói chung, giữa các đơn vị nói riêng.
Ngoài việc phối hợp tuần tra song phương giữa các đồn biên phòng, chính quyền, đoàn thể giữa các cụm bản hai bên biên giới Việt – Lào, thì 7 đồn biên phòng của Việt Nam còn kết nghĩa với 7 đại đội biên phòng của nước bạn Lào nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp bảo vệ cột mốc, đường biên giữa hai bên. Riêng Đồn BP Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắm còn kết nghĩa với 1 đồn công an biên phòng của khẩu của nước bạn Lào trong thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg.
Với những người lính quân hàm xanh khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, từ lâu đã trở thành mệnh lệnh thân thuộc từ trái tim. Chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc thêm về điều này khi có dịp tham gia hành quân cùng Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An tuần tra biên giới, thăm chốt biên phòng đóng chân tại bản Nhọt Lợt, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) – bản đối diện với bản Pung Vai, cụm bản Phà Đéng, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào. Chốt Nhọt Lợt được BĐBP Nghệ An thành lập và giao cho Đồn Biên phòng Mỹ Lý trực tiếp quản lý từ tháng 12/2016 sau khi xảy ra sự việc cột mốc 390 bị đập phá.
Mỗi tháng Đồn Biên phòng Mỹ Lý cử 2 tổ công tác 15 người luân phiên 2 tuần/ lần trực ở chốt làm nhiệm vụ tuần tra biên giới, bảo vệ cột mốc. Nhọt Lợt đến nay là tổ chốt biên phòng duy nhất đóng ở giáp biên giới với nước bạn Lào. Chốt nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi. Cuộc sống của cán bộ, chiến sỹ tổ chốt nơi đây không có điện lưới, không có sóng điện thoại. Trung úy Lương Đình Triều – Tổ trưởng tổ chốt Nhọt Lợt vui vẻ cho biết: “Đóng quân nơi này không sợ thú rừng, không sợ phỉ tấn công bằng nỗi sợ những vết cắn của vắt rừng, của loài ruồi vàng. Nhưng quen rồi, ở lâu lại thấy yêu miền biên viễn này, thấy gắn bó với những bước chân tuần tra vẫn đều đặn nơi núi rừng Trường Sơn”.
Khi màn đêm buông xuống, ngồi bên bếp lửa bập bùng, những câu chuyện cùng cán bộ, chiến sỹ tổ chốt biên phòng Nhọt Lợt như kéo dài mãi không hồi kết, tiếng hát vui vẻ, lạc quan của họ vang lên xua tan giá lạnh của núi rừng âm u khiến chúng tôi càng thêm cảm phục sự hy sinh, tinh thần vượt khó của những người lính biên phòng “Cỏ vẫn xanh dọc theo đường biên/ Chúng tôi đi không đếm bước chân/ Không đếm ngày nắng/ Không đếm ngày mưa/ Vì nơi đây đồn là nhà, biên giới là quê hương…”.