Năm 2020, hàng loạt loại hình thiên tai diễn ra khốc liệt, dồn dập… gây biết bao đau thương, thiệt hại về người cũng như kinh tế cho người dân.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến ngày 22/12, cả nước xảy ra 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão; 264 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng…
Thiên tai đã làm 356 người chết và mất tích; 876 người khác bị thương; 3.429 nhà sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái; trên 198.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52.000 con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi… Uớc thiệt hại về kinh tế 35.181 tỷ đồng.
Năm 2020 sắp qua đi, hãy cùng chúng tôi điểm lại những loại hình thiên tai dị thường và khốc liệt nhất trong năm:
Ngay thời điểm bước vào năm mới Tết Canh Tý 2020, nhiều tỉnh thành ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ bất ngờ xuất hiện mưa dông lớn, kèm theo đó là những cơn mưa đá trút xuống. Một cảnh tượng hiếm gặp khiến người dân không khỏi bất ngờ.
Ông Trần Quang Năng-Trưởng phòng dự báo Thời tiết (Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết, hiện tượng mưa rào, sấm chớp, mưa đá xảy ra đêm Giao thừa Tết Canh Tý 2020 là “hiếm chứ không phải chưa gặp”.
Lý giải điều này, ông Năng nói, do không khí lạnh tràn về có tính chất ẩm, gây ra hiện tượng mây đối lưu phát triển mưa dông. Đây không phải hiện tượng bất thường, chỉ là 30 Tết trùng với thời điểm không khí lạnh bắt đầu tràn về.
Tiếp đó, trong khoảng tháng 3-4/2020, những cơn mưa đá vẫn tiếp tục trút xuống ở nhiều nơi thuộc miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Thậm chí, nhiều vùng thuộc các tỉnh như Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La… mưa đá xảy ra liên tiếp với mật độ dày.
Đá phủ trắng xóa, kích thước khoảng 1-3cm tuy không gây thiệt hại về người nhưng khiến hàng ngàn ngôi nhà hư hỏng phần mái, hoa màu gãy đổ…
Sau mưa đá hiếm gặp, rét lịch sử lại xảy ra ở miền Bắc trong tháng 4. Cụ thể, ngày 24/4, Hà Nội bất ngờ ghi nhận mức nhiệt thấp nhất còn 16,5 độ C. Đây là mức rét kỷ lục xuất hiện cuối tháng 4 trong vòng 50 năm (từ năm 1971) tại đây.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng-Trưởng phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), ngoài tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu nói chung thì đợt rét nhất sau ngày 20/4 trong 50 năm qua ở Hà Nội một phần nữa là do tác động của nhiều tổ hợp thời tiết xấu ảnh hưởng. Đó là sự kết hợp cùng lúc của khối không khí lạnh và hội tụ gió trên mực 5.000m.
Theo quy luật khí hậu, nắng nóng thường xuất hiện vào chính hè ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ (tháng 5-7), tuy nhiên, năm 2020, ngay từ tháng 3, nắng nóng đã xuất hiện sớm tại khu vực phía Tây Bắc Bộ và khu vực Trung Bộ. Điều đó báo hiệu một mùa hè khắc nghiệt sẽ xảy ra.
Và quả thực, tháng 6/2020, miền Bắc đã trải qua một mùa hè với nắng nóng gay gắt kéo dài. Trong tháng 6, ở Bắc Bộ đã xuất hiện khoảng 21 ngày nắng nóng diện rộng, riêng Thủ đô Hà Nội (tại trạm Hà Đông) xảy ra 26 ngày nắng nóng. Đây được đánh giá là đợt nắng nóng kéo dài nhất lịch sử trong chuỗi số liệu tính từ năm 1971 đến nay (49 năm) ở miền Bắc.
Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia giải thích, năm nay, do dải mưa dông ở phía bắc (rãnh thấp gió mùa) hầu như không dịch xuống nước ta mà chỉ ảnh hưởng đến khu vực phía nam Trung Quốc, thỉnh thoảng tác động nhẹ đến vùng núi phía Bắc nước ta, do đó không làm suy giảm được nắng nóng vào mùa hè ở Bắc Bộ.
Sau khi trải qua nắng nóng đỉnh điểm trong tháng 6, miền Bắc bước sang tháng 7 với những trận mưa lớn bất ngờ. Đêm 20 rạng sáng 21/7, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao nên các tỉnh vùng núi Bắc Bộ đã xảy ra một đợt mưa to đến rất to, nhiều nơi đã xảy ra dông lốc mạnh, sét, lũ quét và sạt lở đất.
Đặc biệt mưa lớn đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Lượng mưa phổ biến trong 24 giờ đạt từ 100 – 300mm. Tại Thành phố Hà Giang có mưa đặc biệt to, lượng mưa từ 19h ngày 20/7 đến 19h ngày 21/7 đạt 347mm. Đây là lượng mưa trong 24 giờ lớn nhất theo số liệu quan trắc từ năm 1961 đến nay.
Mưa lũ tại Hà Giang đã khiến 5 người chết; 2 người khác bị thương. Khoảng 600 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng do mưa lũ; hơn 200ha lúa và hoa màu thiệt hại; nhiều gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị ngập sâu, sạt lở gây ách tắc giao thông… Ước tính thiệt hại trên 80 tỉ đồng.
Đặc biệt, hai nhà máy thủy điện Thuận Hòa (huyện Vị Xuyên) và Thái An (huyện Quản Bạ) phải dừng hoạt động do lũ ống kéo theo hàng ngàn m3 đất đá vùi lấp toàn bộ hệ thống máy móc.
Năm 2020 cũng ghi nhận số trận động đất xảy ra kỷ lục. Đã có tới 90 trận động đất xảy ra, trong đó đa phần ở các tỉnh vùng núi phía Bắc.
Viện Vật lý địa cầu đã đo được một số trận động đất có cường độ mạnh như trận 4,9 độ richter xảy ra tại Mường Tè (Lai Châu) ngày 16/6; trận 5,3 độ richter xảy ra tại Mộc Châu (Sơn La) ngày 27/7… Những trận động đất khiến nhiều tỉnh ở cách xa tâm chấn hàng chục km vẫn cảm nhận được sự rung lắc.
Tiếp theo sau những trận động đất chính, hàng chục dư chấn lớn nhỏ vẫn xảy ra với cường độ khá dày khiến người dân hoang mang. Có ngày, người dân cảm nhận hàng chục lần rung lắc.
TS Nguyễn Xuân Anh – Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu lý giải, khu vực Tây Bắc là nơi có nhiều đới đứt gãy hoạt động động mạnh. Các đới đứt gãy đều được xác định có khả năng phát sinh động đất, do đó, các trận động đất xảy ra là điều bình thường. Hiện nay, động đất mới chỉ cảnh báo chứ chưa dự báo được.
Tuy chưa gây thiệt hại về người nhưng động đất đã làm thiệt hại nặng nề về tài sản cho người dân. Hàng loạt nhà dân và các công trình phụ vùng gần tâm chấn ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La đã bị sụt lún, nứt toác, hư hỏng.
Trong những tháng đầu năm 2020, miền Bắc và miền Trung liên tiếp hứng nhiều thiên tai “dị thường” như mưa đá, nắng nóng sớm, rét kỷ lục, động đất… thì đồng bằng sông Cửu Long cũng trải qua một đợt hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục.
Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) kéo dài từ cuối năm 2019 sang năm 2020 và mức độ vượt lịch sử 2016.
Lưu lượng nước về ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm (TBNN), thậm chí thấp hơn cả năm 2015-2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục). Xâm nhập mặn cũng vào sâu hơn TBNN và sâu hơn từ 3-7km so với cùng kỳ năm 2016 (sông Vàm Cỏ xâm nhập mặn tới 102km).
Còn tại các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ hạn hán kéo dài đã làm 14.390ha lúa, hoa màu, cây trồng bị ảnh hưởng, thiệt hại.
Sau miền Bắc và miền Nam, thiên tai ập đến miền Trung. Những trận bão, mưa lũ liên tiếp xảy đến với tần suất kinh hoàng. Chưa một năm nào mà mưa bão, lũ lại xảy ra dồn dập và khủng khiếp như năm nay tại miền Trung.
Từ giữa tháng 9 đến tháng 11/2020, có tới 9 cơn bão (số 5-13) và 1 áp thấp nhiệt đới xuất hiện, trong đó, chỉ tháng 10, đã có 4 cơn (số 6, 7, 8, 9) và 1 cơn áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Trung Bộ.
Điều đặc biệt là các cơn bão cứ “nối đuôi” nhau hướng vào miền Trung, cơn này vừa qua cơn khác lại tới. Tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” kéo dài nhiều ngày, gây bao đau thương khắp dải miền Trung.
Trong số 14 cơn bão năm 2020, cơn số 6 và số 9 là để lại những hậu quả nặng nề nhất. Các cơn bão còn lại cũng gây những thiệt hại đáng kể về người và tài sản cho người dân miền Trung.
Bão số 6 (Linfa) hình thành từ một áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông sáng sớm 11/10 với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Trưa chiều cùng ngày, bão đi vào đất liền các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi rồi suy yếu.
Bão số 6 tuy có cường độ không mạnh nhưng hoàn lưu trước và sau bão kết hợp với không khí lạnh trút những đợt mưa cực lớn xuống miền Trung. Nhiều nơi “lũ chồng lũ” khiến 23 người chết, 14 người mất tích. Bên cạnh đó, gần 150.000 ngôi nhà bị ngập, sập đổ, hư hỏng; gần 4.500 ha lúa, hoa màu bị ngập, vùi lấp; hơn 2.100ha thủy sản bị thiệt hại và hơn 151.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Bão số 9 (Molave) hình thành ngoài khơi Thái Bình Dương. Sáng 26/10, bão vượt qua Philippines đi vào Biển Đông. Lúc mạnh nhất trên biển, bão đạt cấp “cuồng phong” với sức gió mạnh cấp 13, giật cấp 15.
Khi bão vừa vào Biển Đông, ngay lập tức Thủ tướng đã ban hành Công điện ứng phó. Cùng thời điểm, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã phát tin bão khẩn cấp chứ không đợi tới khi bão gần bờ. Đây là việc làm chưa từng có tiền lệ.
Trưa ngày 28/10, bão số 9 bắt đầu đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 15. Đây được đánh giá là một trong những cơn bão mạnh nhất ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta trong vòng 20 năm trở lại đây.
Sức gió khủng khiếp, đủ quật ngã hàng loạt cây xanh, cột điện, đánh bay những ngôi nhà cấp 4 có kết cấu yếu… Đặc biệt, bão số 9 có thời gian lưu lại rất lâu trên đất liền (6-8 tiếng) nên sức tàn phá càng lớn hơn những cơn bão khác.
Cuồng phong bão số 9 đã khiến 23 người chết, 47 người mất tích và 45 người khác bị thương. Mưa bão cũng làm 2.642 nhà sập, 92.356 nhà tốc mái, hư hỏng, 2.415 nhà bị ngập; 32 trụ sở cơ quan và 157 điểm trường bị tốc mái, hư hỏng.
Về giao thông, 20 cầu, cống bị xói lở, hư hỏng. Nhiều tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ bị sạt lở. Ngoài ra, cuồng phong của bão số 9 còn khiến 8.773 cây xanh bị gãy đổ; 5.467 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 62 chiếc tàu cá bị chìm và sạt lở 2.100m kè biển…
Cùng với mưa bão, lụt lội liên miên thì sạt lở đất cũng là nỗi ám ảnh đối với người dân miền Trung trong năm 2020. Theo thống kê, có tới 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đã xảy ra, đặc biệt có những trận rất lớn với mức độ sạt hàng triệu m3 đất đá, rộng hàng chục ha, vùi lấp nhiều người.
Đầu tiên phải nhắc đến “thảm họa kép” ở Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế). Khoảng 00h ngày 12/10, nửa quả núi đã sạt lở, vùi lấp nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) khiến 17 công nhân mất tích.
Để ứng cứu 17 công nhân mất tích, một đoàn công tác gồm 13 cán bộ, chiến sĩ đã được cử lên đường. Trên đường vào thủy điện Rào Trăng 3, đoàn công tác nghỉ chân tại Trạm kiểm lâm 67 (xã Phong Xuân) thì bất ngờ đêm 13/10, một vụ sạt lở khác tiếp tục xảy ra, vùi lấp toàn bộ 13 cán bộ, chiến sĩ.
Không có phép màu nào xảy ra khi toàn bộ 13/13 người thuộc đoàn công tác đều thiệt mạng (đã tìm thấy thi thể). Còn đối với 17 công nhân thủy điện Rào Trăng 3, lực lượng chức năng đã tìm thấy 6 thi thể, hiện còn 11 người đang mất tích.
Khi nỗi đau ở Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) chưa nguôi ngoai thì một “thảm họa” khác lại tiếp tục xảy ra tại Quảng Trị. Đêm 17 rạng sáng 18/10, một vụ sạt lở xảy ra tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã vùi lấp 22 quân nhân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Đoàn 337).
Hàng triệu m3 đất đá đổ xuống đúng khu nhà Tham mưu của Đoàn 337 khi mọi người đang ngủ. 27 chiến sĩ nhưng chỉ có 5 chiến sĩ may mắn thoát nạn, 22 đồng đội của họ đã mãi mãi ra đi (đã tìm thấy thi thể).
Còn tại Quảng Nam, những đợt mưa to khủng khiếp do bão số 9 gây ra liên tục trút xuống tỉnh này. Hậu quả, 4 vụ sạt lở kinh hoàng đã xảy ra chỉ trong một buổi chiều 28/10.
Vụ thứ nhất xảy ra tại xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) vùi lấp 55 người trong một bản làng. 33 người may mắn được cứu sống, 22 người còn lại đã tử vong. Hiện cơ quan chức năng đã tìm thấy 9 thi thể, 13 người còn lại đang mất tích.
Vụ thứ hai xảy ra tại xã Trà Vân (huyện Nam Trà My) vùi lấp 8 người. Cả 8 thi thể đã được lực lượng chức năng tìm thấy.
Vụ thứ 3 xảy ra vào chiều tối 28/10. Khi người dân đang trú bão số 9 Molave trong những căn nhà ở thôn 6, xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) thì bất ngờ vạt núi phía sau đổ ụp xuống vùi lấp 11 người. Lực lượng chức năng đã tìm thấy 7 thi thể, 4 người còn lại đang mất tích.
Vụ thứ 4 cũng xảy ra tại xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn). Hai cán bộ xã Phước Lộc đang trên đường đi cứu hộ người dân thì bị đất đá sạt lở vùi lấp. Thi thể họ đã được tìm thấy và đưa về nơi an nghỉ cuối cùng.