"Thông chốt" vốn là từ dùng cho đám quái xế, chuyên rú ga, nẹt pô, không đội mũ bảo hiểm lượn lờ ngoài đường, chẳng may gặp lực lượng chức năng thì tìm cách tháo chạy. Tất nhiên, cũng có những cuộc bỏ chạy thành công, nhưng không ít lần, hành vi "thông chốt" khiến cho cả quái xế lẫn người thực thi công vụ phải đổ máu.
Ấy thế mà, trong đợt dịch bệnh đang có phần diễn biến phức tạp, một số công dân cũng “bẻ lái” thông chốt.
Mới đây thôi, bà Đỗ Thị M. (SN 1967, trú tại xã Nam Hồng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) bị UBND phường Trần Phú (TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương) xử phạt hành chính 3 triệu đồng vì có hành vi "thông chốt" vào khu cách ly để giao rượu. Hành vi này đã vi phạm quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Khu vực xóm Gốc Mít, phường Trần Phú vốn là ổ dịch phức tạp của TP.Hải Dương, đến nay đã ghi nhận hơn 10 ca bệnh. Vậy mà lợi dụng lực lượng chức năng mở hàng rào chắn cho xe rác vào khu vực cách ly y tế tại ổ dịch xóm Gốc Mít của phường Trần Phú để thu gom rác, bà M. đã đi xe máy bám theo đuôi xe rác này để lao vào trong. Tuy nhiên, hành vi của bà bị phát hiện khi chiếc xe mới di chuyển được khoảng 10m. Đáng buồn, phải hết hơi cơ quan chức năng mới “thông não” được cho bà M.. Sau khi bị xử phạt và có kết quả xét nghiệm âm tính, người phụ nữ này đã được hướng dẫn tự cách ly tại nhà.
Trước bà M., cơ quan chức năng cũng đau đầu với trường hợp một phụ nữ được phát hiện trốn khỏi khu phong toả ở Vĩnh Phúc, về bán hàng ở khu vực chợ Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội. Ngoài bị xử phạt 7,5 triệu đồng, người này được đưa trở lại khu phong toả để tiếp tục thực hiện cách ly.
Rõ ràng, các cơ quan ban ngành, từ Chính phủ đến bộ Y tế, bộ Thông tin truyền thông đã phối hợp tuyên truyền sâu rộng về dịch bệnh Covid-19. Chưa kể, trước đó, có rất nhiều “tấm gương” đã bị bêu tên, thậm chí xử lý hình sự về hành vi “thông chốt”, chống đối lực lượng chức năng. Một trong số những cái tên không thể không nhắc tới là Vũ Văn Tập (32 tuổi, trú xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang). Sau khi đấm thẳng vào mặt phó trưởng Công an xã Tân Việt, tổ trưởng chốt kiểm soát - ra hiệu dừng xe để vào khai báo y tế tại chốt kiểm dịch, Tập bị khởi tố, bắt tạm giam và lĩnh 15 tháng tù về tội chống người thi hành công vụ.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, các lực lượng chức năng đều đang căng mình chống dịch. Đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu được tăng cường đến những điểm nóng như Bắc Giang, Bắc Ninh… Xót xa thay, họ làm việc đến kiệt sức, rồi nằm xuống sàn đất thiếp đi từ lúc nào chẳng hay.
Cán bộ ngành quân đội, công an… cũng dốc lòng, dốc sức đảm bảo công tác chống dịch. Có người, có người hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, có người dù cha mất nhưng không thể về chịu tang. Để đảm bảo phục vụ phòng chống dịch, được sự cho phép của thủ trưởng đành dựng tạm bàn thờ để tưởng nhớ đấng sinh thành.
Đau lòng hơn, chỉ mới đây thôi, thiếu tá Nguyễn Thành Trí (SN 1970, cán bộ thị đội Phú Mỹ) - người đã 3 lần cùng đồng đội phục vụ đồng bào trở về từ vùng có dịch, lần này tiếp tục xung phong và cống hiến sức mình đến giây phút cuối cùng. Anh ra đi mãi mãi vì làm việc quá sức. Bỏ lại đồng đội, bỏ lại gia đình và những lời hứa, ước mơ dang dở.
Không ít người dân, vô tình trở thành thành F1, phải cách ly cũng thật sự đáng thương khi phải sống chuỗi ngày xa cách người thân, công việc thì dở dang. Có những đứa trẻ trong khu cách ly bỗng bơ vơ khi mẹ là F0, ông bà ốm đau không thể chăm lo…
Vậy thôi đã đủ xót xa, đã thấy nỗi đau nghẹn ngào!
Không rõ, động cơ của những người dân “thông chốt” kiểm dịch là gì? Nếu chỉ là để bán vài lít rượu, về đi chợ, hành vi đó liệu có đáng không?
Nếu quyết tâm, nếu đồng lòng chúng ta có thể nhanh chóng xóa bỏ dịch bệnh khỏi cộng đồng sớm nhất có thể. Còn nếu đặt lợi ích cá nhân lên trên, e rằng, bao nhiêu nỗ lực cũng chỉ như “muối bỏ biển” mà thôi.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)