Thư, nhật ký thời chiến Minh chứng tình yêu và sự dâng hiến cho Tổ quốc

Huy Hoàng

Trong hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, nhiều người con đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc nhưng bút tích của họ vẫn còn lưu lại.

Không chỉ chứa đựng bao tâm tình, nhiệt huyết, những bức thư, những dòng nhật ký nhuốm màu thời gian và khói bụi chiến trường còn là minh chứng cho sức mạnh tinh thần, lý tưởng sống cao đẹp của một thế hệ con người Việt Nam đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại nhất của dân tộc trong thế kỷ XX.

Trong những năm tháng chiến tranh, có thể nói những lá thư, những trang nhật ký đã trở thành vật bất ly thân và gắn bó mật thiết với mỗi người lính; là cầu nối giữa tiền tuyến và hậu phương; là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm, ước nguyện và mong ước hòa bình.

Không chỉ chứa đựng bao tâm tình, nhiệt huyết, những bức thư, những dòng nhật ký thời chiến còn là minh chứng cho sức mạnh tinh thần, lý tưởng sống cao đẹp của một thế hệ người Việt Nam đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. 

Những lá thư, những trang nhật ký thời chiến được viết mọi lúc, mọi nơi, khi dưới hầm trú ẩn, lúc dừng chân trên đường hành quân ra trận, tại góc rừng già bình yên hay bên trận địa còn vương khói súng; gửi gắm bao niềm thương nỗi nhớ, bao hy vọng mà không hề bi lụy, không hề nhụt chí. Bởi “…bom đạn có thể làm rung chuyển núi rừng, nhưng không thể làm rung chuyển trái tim chúng con…”

Đong đầy tinh thần lạc quan và ý chí, lý tưởng cao đẹp

Không chỉ ghi chép về cuộc sống, sinh hoạt, học tập, công tác và chiến đấu, mỗi trang thư, nhật ký chiến trường còn đong đầy tâm tư, tình cảm, tinh thần lạc quan và ý chí, lý tưởng cao đẹp của những chiến sỹ trong cuộc chiến ác liệt với kẻ thù.

Bức thư của Liệt sỹ thanh niên xung phong Võ Thị Tần, tiểu dội trưởng, tiểu đội 10 cô gái thanh niên xung phong gửi về cho mẹ ngày 19/7/1968 được trưng bày tại triển lãm chuyên đề “Thư, Nhật ký thời chiến” ngày 26/4/2018 tại Hà Nội.(Nguồn: Ban Tổ chức)

Dù mỗi người một hoàn cảnh, tâm thế, trạng thái riêng nhưng tất cả đều là những lăng kính soi chiếu cuộc sống, cuộc chiến đấu, với những tâm tư, tình cảm chung.

Ở họ luôn tràn đầy tinh thần lạc quan, lãng mạn hóa cả chiến tranh để làm yên lòng những người thân yêu nhất: “… Ở đây vui lắm mẹ ạ! Ban đêm giặc Mỹ soi sáng cho chúng con làm đường, ban ngày chúng ném bom giết cá cho chúng con cải thiện, bom đạn có thể làm rung chuyển núi rừng, nhưng không thể làm rung chuyển trái tim chúng con mẹ ạ!...” (Thư của liệt sỹ Võ Thị Tần, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, thuộc Đại đội 552, Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Hà Tĩnh, làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông ở Ngã Ba Đồng Lộc-Hà Tĩnh gửi mẹ ngày 19/7/1968).

Nếu như những lá thư gửi về hậu phương chan chứa niềm vui, lạc quan thì những dòng nhật ký của những người đi giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết lại thể hiện niềm tin son sắt vào một ngày hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước đang đến thật gần, những điều đã góp phần tiếp thêm sức mạnh, làm nên chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc.

Tất cả tạo nên những cung bậc cảm xúc đa dạng ở một giai đoạn khó quên của lịch sử đất nước. Trên đường ra trận, liệt sĩ Đỗ Đình Xô (chiến sỹ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 20, Quân khu 9) đã viết những dòng nhật ký đong đầy cảm xúc về niềm tin chiến thắng: “Ta lại ra đi, tiếp những con đường vào gian khó và vinh quang: Chiến đấu. Ta ra đi mang theo tất cả tình yêu đất nước quê hương… Phía trước là mặt trận, là nơi những trận đánh đang tiếp diễn, đất nước đang chờ đợi chiến thắng của chúng tôi.”

Một số nhật ký tiêu biểu tại triển lãm chuyên đề “Thư, Nhật ký thời chiến” ngày 26/4/2018 tại Hà Nội.(Nguồn: Ban Tổ chức)

Niềm tin ấy như càng mãnh liệt hơn trong chiến tranh ác liệt, ánh lên tinh thần thép của những người chiến sỹ cộng sản kiên trung. Họ khẳng định rằng: “Chiến tranh có thể tàn phá mọi thứ. Duy chỉ có một thứ chiến tranh không thể làm gì được, đó là mục tiêu lý tưởng, khát vọng hòa bình và ý chí đấu tranh của người lính Cụ Hồ” (Nhật ký của đồng chí Nguyễn Bá Hạnh (chiến sỹ Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 - Sư đoàn Sao Vàng, Quân khu 5).

Dưới “mưa bom, bão đạn,” nhiều trang thư, nhật ký đã được viết trên những tờ giấy xé vội hay tận dụng vỏ bao thuốc, mảnh vải quần… còn hằn nguyên dấu mồ hôi, khói bụi hoặc nhòe mờ vì thời gian. Nhiều dòng tâm sự được viết trong thời khắc người gửi đã dần tắt sự sống hay được gửi từ lao tù “địa ngục trần gian...”

Tất cả làm nên sự khác biệt đầy bi thương và hùng tráng của một thời gian khó mà kiêu hãnh của dân tộc.

“Ở hai đầu nỗi nhớ, yêu và thương sâu hơn”

Trong những năm tháng chiến tranh, có những mối tình vô cùng sâu nặng nhưng khi Tổ quốc cần, người chiến sỹ luôn sẵn sàng hy sinh tình yêu riêng để chiến đấu vì sự nghiệp chung của dân tộc.

Cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm tràn đầy chất lý tưởng và tình người của người con gái Hà Nội, một liệt sỹ, bác sỹ đã hy sinh anh dũng khi tuổi đời chưa đầy 28. đã được dịch ra khoảng 20 thứ tiếng.

Trong bức thư cuối cùng chưa kịp gửi về gia đình, liệt sỹ Lê Văn Huỳnh nhắn đến người vợ trẻ: “Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới công anh.”

Hay những dòng tâm sự trong bức thư duy nhất mà chiến sỹ Khương Thế Hưng gửi cho người yêu mình - bác sỹ Đặng Thùy Trâm: “Sự sống của tình yêu không cần sự có mặt của nhau, dù ở Nam hay Bắc, dù là gần nhau hay xa cách ngàn dặm đường nắng mưa cát bỏng. Ở đâu anh cũng vẫn là anh của 8 năm qua và nhiều năm nữa, để mà yêu em tha thiết. Hãy sống với nhau như một người thân yêu nhất trên đời.”

Dù không biết trước được ngày về nhưng trước khi ra chiến trường, họ vẫn dành cho nhau những lời hẹn ước vô cùng lãng mạn. Liệt sỹ Đỗ Đình Xô (chiến sỹ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 20, Quân khu 9) đã nói với người yêu trước lúc lên đường: “Em yên tâm ở nhà, anh đi đánh giặc sớm về, rồi chúng mình cùng đi trên con đường đỏ lửa nắng hè…”

Trong những lá thư sau gửi người yêu nơi hậu phương, anh còn khẳng định bằng thơ:

“Đóa hoa em để trên bàn
Hoa theo năm tháng thời gian đổi màu
Tình ta muôn thuở dài lâu
Nếu không nguyện để kiếp sau làm người.”

Đậm sâu một thế giới nội tâm da diết, mỗi trang thư, mỗi dòng nhật ký còn gửi gắm những điều tưởng chừng giản dị mà xa xôi, là những khát khao thương nhớ, những phút giây ngắn ngủi được gặp vợ, gặp con rồi lại chia tay lên đường đi chiến đấu.

Một số bức thư tiêu biểu tại triển lãm chuyên đề “Thư, Nhật ký thời chiến” ngày 26/4/2018 tại Hà Nội.(Nguồn: Ban Tổ chức)

Trong cuốn nhật ký của đồng chí Hoàng Quang Hưng (Đội điều trị 51, Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần) viết “… Ở nơi cuộc chiến tranh diễn ra ác liệt, hằng ngày bên các đồng chí, anh có thể khắc phục được tất cả… Song đôi khi anh vẫn thấy thiếu thốn về tình cảm, đó cũng là tâm trạng chung của những người đi xa, anh nhớ em…”

Không chỉ đong đầy nỗi nhớ, mỗi lá thư gửi đi, gửi đến từ hậu phương, từ tiền tuyến còn động viên, khích lệ tinh thần người chiến sỹ nơi tuyến đầu đánh giặc và làm an lòng người ở hậu phương: “Mẹ ơi, thời gian này mặc dù địch đánh phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới. Cuốn sổ tay mẹ mới gửi cho con dạo nọ đã gần hết giấy rồi, mẹ gửi thêm cho con ít giấy. Mới về thăm mẹ mà sao con thấy nhớ mẹ quá, mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con nhiều” (Thư của liệt sỹ Võ Thị Tần gửi mẹ ngày 19/7/1968).

Hay lá thư gửi vợ trước khi lên chiến trường Tây Nguyên (tháng 4-1968), Thượng úy Đỗ Sâm, phòng Pháo binh, Bộ Tham mưu Quân khu 5 đã động viên: “… Em hãy luôn tự hào có một người chồng xứng đáng đang ở trên tuyến đầu tiêu diệt kẻ thù của Tổ quốc và em hãy luôn xứng đáng là một người vợ đáng để anh suốt đời mến phục.”

Đó còn là lời dặn của người lính Ngô Bích Sen (quê xã Đông Xuân, huyện Kim Anh, Vĩnh phúc, nay là Sóc Sơn, Hà Nội) với người vợ trẻ trước ngày ra trận (tháng 11-1973):

“Hãy nhớ lời anh dặn em ơi
Nuôi con mình tới ngày vào lớp một
Ai thương yêu thì em bước tiếp
Thế là em trọn với anh rồi...”

 Những bức thư từ hậu phương gửi vào tiền tuyến trưng bày tại triển lãm chuyên đề “Thư, Nhật ký thời chiến” ngày 26/4/2018 tại Hà Nội.(Nguồn: Ban Tổ chức)

Đáp lại những cánh thư gửi về từ chiến trường, thư hậu phương gửi ra tiền tuyến cũng mang đầy nỗi nhớ thương da diết; những lời động viên ân cần, để các anh, các chị vững vàng tay súng, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng.

“… Em chỉ mong anh tích cực công tác, nắm chắc tay súng giữ lấy Cồn Cỏ thân yêu, quyết không để quân thù cướp lấy…, anh giữ lấy đảo như giữ lòng chung thủy của em không để cho một ai cướp mất” (Thư của chị Phạm Thị Hiền ở Cửa Tùng, Vĩnh Linh, Quảng Trị gửi chồng là chiến sỹ Võ Văn Phương, Đại đội 32, Trung đoàn 270, Quân khu 4).

Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, những cuốn nhật ký, những lá thư đi-về không trọn vẹn. Có khi phải mất cả năm người thân mới nhận được, hay có những lá thư đến tay người nhận thì người lính đã hy sinh, lại có những lá thư được trở về từ lòng đất mẹ. Mặc dù vậy nhưng những trang thư hay là những dòng nhật ký đã nhuốm màu thời gian vẫn vẹn nguyên lý tưởng cao đẹp của người lính cầm súng trong mưa bom, bão đạn hay trong những giây phút sinh tử cận kề.

Cảm hóa, thức tỉnh và dẫn dắt những người lính bên kia chiến tuyến

Không chỉ đong đầy cảm xúc và lý tưởng cao đẹp, những trang thư, nhật ký đầy lửa và chất thép này còn cảm hóa, thức tỉnh và dẫn dắt những người lính bên kia chiến tuyến tìm kiếm, trả lại những báu vật vô giá cho chủ nhân hoặc thân nhân của nó.

Cựu binh Mỹ Carl W. Greifzu một người Mỹ gốc Đức, một cựu binh trong chiến tranh Việt Nam, là người có công giữ cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” hơn 20 năm. đến ôm hôn mẹ anh hùng liệt sỹ Đặng Thùy Trâm, nghẹn ngào không nói lên lời. (Ảnh: Đặng Vương Hưng)

Nhiều năm qua, bằng con đường ngoại giao và thông qua một số dự án, nhiều cựu chiến binh Mỹ đã đưa những kỷ vật chiến tranh, trong đó có cả những cuốn nhật ký của chiến sỹ Quân Giải phóng Việt Nam được trở về đất mẹ - nơi sinh ra những người con dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc.

Điển hình như cuốn nhật ký của bác sỹ, liệt sỹ Đặng Thùy Trâm được sỹ quan quân báo Hoa Kỳ Frederic Whitehurst lưu giữ 35 năm và đã trao trả cho gia đình liệt sỹ Đặng Thùy Trâm vào tháng 4/2005.

Hay nhật ký bằng tranh của họa sỹ Lê Đức Tuấn, vẽ 109 bức tranh phong cảnh, chân dung và cảnh sinh hoạt diễn tập của bộ đội từ tháng 3-1967 đến tháng 3/1968, được con gái một cựu quân nhân Mỹ trao trả lại vào năm 2009.

Nhiều cuốn nhật ký sau này đã được xuất bản thành sách, như Nhật ký của liệt sỹ Đỗ Đình Xô, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc… và trở thành cuốn sách gối đầu giường của những thế hệ trẻ sau này.

Tính lý tưởng của thanh niên Việt Nam thời chiến vốn không phải là một khái niệm xa lạ với giới trẻ hiện nay. Nhưng sự xuất hiện hai cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” và “’Nhật ký Đặng Thùy Trâm” là cơ hội để thế hệ trẻ được tiếp xúc với những biểu hiện cụ thể và xác thực nhất của lý tưởng đã trở thành một thứ niềm tin của ông cha.

Bìa cuốn sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”

Ngày 26/4/2020, nhân kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020), Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” và Câu lạc bộ “Trái tim người lính” xuất bản bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” của nhiều tác giả.

Bộ sách do nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng chủ biên, gồm 4 tập, mỗi tập dầy hơn 1.000 trang.

Nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng cho biết ông được Hội đồng Quản lý “Quỹ mãi mãi tuổi 20” giao trách nhiệm tổ chức sưu tầm và biên soạn bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam,” phải mất 16 năm (2004-2020) ông và các cộng sự mới hoàn thành công trình tâm huyết này.

Đây là lần đầu tiên, những tác phẩm “Nhật ký thời chiến Việt Nam” hay nhất, nổi tiếng nhất một thời cùng đứng chung trong một bộ sách, với 30 tác phẩm của 30 tác giả.

Những lá thư thời chiến. (Ảnh: Nhà báo Đặng Vương Hưng cung cấp)

Không chỉ có nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm,” mà còn có hàng chục cuốn nhật ký đầy máu lửa chiến trường khác như “Gửi lại mai sau” của Nguyễn Hải Trường (tức liệt sỹ Công an Nhân dân Vũ trang Nguyễn Minh Sơn), những trang viết của các văn nghệ sỹ nổi tiếng: “Nhật ký chiến tranh” của anh hùng, nhà văn, liệt sỹ Chu Cẩm Phong; “Nhật ký chiến trường” của liệt sỹ, nhà văn Dương Thị Xuân Quý; “Những ngày trong vòng vây” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh; “Nhật ký vượt Trường Sơn” của tiến sỹ Phạm Quang Nghị; “Nhật ký Bê trọc” của nhà văn, tiến sỹ Phạm Việt Long và “Nhật ký đi B” của cố nhà văn Triệu Bôn...

Đánh giá về bộ sách này, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký thứ Nhất Hội Nhà văn Á-Phi khẳng định không có gì mang tính chính xác về cuộc chiến tranh hơn là những trang nhật ký của chính những người lính. Bởi họ viết những trang nhật ký này ngay tại chiến trường, viết những gì mà họ muốn nói nhất khi biết rằng sau đó họ có thể mãi mãi không thể trở về với gia đình, quê hương họ. Họ viết trong bom đạn, chết chóc.

Qua những dòng chữ và trang giấy mỏng manh đã ngả màu thời gian như có lửa, có thép, các thế hệ có thể nhận rõ khí phách Việt Nam - những điều đã làm nên sức mạnh trường tồn của cả dân tộc.

Chỉ khi cái chết cận kề thì tiếng nói con người mới vang lên trung thực nhất. Và sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do và sự dâng hiến trọn vẹn của họ cho Tổ quốc.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những bức thư, những dòng nhật ký thời chiến mãi là những chứng nhân lịch sử vô cùng sinh động về lý tưởng cống hiến cho đất nước của cả một thế hệ; tình yêu gia đình, tình yêu lứa đôi hòa cùng tình yêu đất nước, luôn vững tin vào một ngày mai chiến thắng.

Qua những dòng chữ và trang giấy mỏng manh đã ngả màu thời gian như có lửa, có thép, các thế hệ có thể nhận rõ khí phách Việt Nam - những điều đã làm nên sức mạnh trường tồn của cả dân tộc.

Cuốn “Nhật ký bằng tranh” của đồng chí Lê Đức Tuấn (chiến sỹ Đại đội 1, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 2019, Sư đoàn 312” được trưng bày tại triển lãm chuyên đề “Thư, Nhật ký thời chiến” ngày 26/4/2018 tại Hà Nội.(Nguồn: Ban Tổ chức)