Trời Nghệ An ngày đầu tháng 7 không còn nắng rát nhưng vẫn hầm hập nóng dù theo thông tin từ khí tượng, nhiệt độ đã giảm xuống còn 34 độ C. Ròng rã cả tháng trời nay, thứ nắng bỏng rát, cháy da cháy thịt kèm gió phơn tây nam (mà ở đây vẫn gọi là gió Lào) thực sự khiến người ta cảm thấy ngột ngạt, mỏi mệt đến kiệt quệ sức lực.
Ở nhiều nơi, hoa màu, cỏ cây chết cháy và héo rũ vì nắng, hạn. Và nỗi sợ hãi lớn nhất cũng đã xảy ra: cháy rừng.
Được cho là xuất phát từ việc quét rác và đốt rác trong vườn của một hộ dân mà gần 50 hecta rừng tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh bị thiêu rụi. Vụ cháy kéo dài hàng chục giờ liền. Hàng trăm hộ dân phải di dời và cả nghìn người phải huy động để chữa cháy.
Tình trạng cháy rừng không phải chỉ tại một địa phương mà liên tiếp diễn ra ở nhiều nơi: huyện Hương Sơn, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh); huyện Quỳ Hợp, huyện Nam Đàn, huyện Thanh Chương, Huyện Quỳnh Lưu, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An). Chưa hết, nhiều khu rừng tại Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi… cũng chìm trong lửa cháy. Đã có người gặp nạn, tử vong khi chữa cháy rừng. Có người ngất xỉu vì kiệt sức trong “trận chiến bất cân sức” với giặc lửa.
Khi những đám cháy dần được khống chế, trước mắt người là tro than, là những cành cây đen sì sót lại. Lửa vẫn âm ỉ bùng lên bất cứ lúc nào. Gió Lào vẫn xát ruột xát gan.
Tôi thấy nhói lòng với những gương mặt thất thần của người dân khi rừng cháy. Rất nhiều người trong số họ, gia sản hoá thành than tro, trước mắt là nợ nần, trước mắt là một tương lai chưa đoán định.
Tôi bước ra ngẩng mặt lên bất lực nhìn trời, vẫn chỉ cái nắng hầm hập và oi bức. Mảnh đất này, nơi tôi sinh ra và lớn lên, nơi gắn bó với gia đình, người thân tôi hàng bao nhiêu thế hệ, đẹp vô cùng nhưng cũng gian khó đến vô cùng.
Chưa bao giờ dải đất miền Trung cầu mong một cơn mưa đến thế. Thế nhưng rồi, sau đợt hạn này sẽ là áp thấp nhiệt đới, là mưa lớn, lũ ống, lũ quét… Sau trận cháy rừng, hệ quả còn khôn lường hơn cả những thiệt hại về tiền, về của.
Mùa hè này dường như đã quá khốc liệt với đất, với người ở đây!
Nhìn lại những ngày kinh hoàng vừa mới đi qua, khi hàng nghìn con người cùng chung vai sát cánh với nỗ lực dập lửa mới thấm thía câu ca “Rằng qua hơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau”.
Tại Nghi Xuân, không chỉ có các lực lượng bộ đội, công an, kiểm lâm, đoàn thanh niên… tổng lực tham gia chữa cháy mà còn có gần 2.000 lượt người dân từ các xã lân cận đổ về khu vực cháy rừng cùng lực lượng chức năng dập lửa.
Còn có chủ một nhà hàng đã chủ động cung cấp hơn 1.000 suất ăn miễn phí cho các lực lược cứu hộ, nhân dân tham gia chữa cháy rừng. Nghĩa cử ấy thực sự đang trân trọng. Tình người trong những lúc hoạn nạn thực đáng quý vô cùng.
Một người bạn của tôi đang ở nước ngoài, vẫn ngày ngày mở mạng internet để cập nhật về vụ cháy thông qua báo chí. Bạn tôi đã khóc, khóc trong nỗi bất lực trước nỗi đau của đồng bào miền Trung. Và tôi biết, có rất nhiều người cũng như người bạn ấy của tôi, đã đau với nỗi đau chung, buồn với nỗi buồn chung của đồng bào mình.
Đâu đó, có người nhắc lại câu ca: “Bao giờ Ngàn Hống hết cây / Sông Rum hết nước thì đó với đây mới hết tình”. Ngàn Hồng hay là núi Hồng Lĩnh, sông Rum hay là dòng sông Lam. Ấy vậy mà, ai có thể ngờ, chỉ vì một hành động tưởng là vặt vãnh mà Ngàn Hống đã phải trải qua những ngày quá đỗi kinh hoàng như vậy. Biết đến bao giờ, rừng lại như xưa…?
Khi tôi viết dòng này, thông tin từ Khí tượng Thủy văn cho biết miền Trung sắp có mưa giông, lại phấp phỏng nỗi lo về những ngày bão lũ.
Chợt nhớ về bài hát “Thương lắm Miền Trung” của Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan, lời thơ Bùi Hoàng Tám: “Vừa mới hôm nào trong nắng lửa – Giờ lại gió giông bật gốc cành…”