Tin tức Đời sống 9/4: Nhiều món ăn "đặc biệt" chống được gan nhiễm mỡ

Cập nhật tin tức đời sống ngày 9/4: Nhiều món ăn "đặc biệt" của người Việt chống được gan nhiễm mỡ; Đàn ông trầm cảm sau khi vợ sinh con...

Nhiều món ăn "đặc biệt" của người Việt chống được gan nhiễm mỡ

Công bố các phát hiện trên tạp chí Frontiers in Nutrition, nhóm tác giả từ các bệnh viện trực thuộc Đại học Thanh Đảo và Đại học Tôn Trung Sơn (Trung Quốc) chỉ ra việc bổ sung men vi sinh (probiotic) từ thực phẩm có thể giúp chúng ta kéo giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ.

Dữ liệu của gần 7.900 người, trong đó có hơn 4.300 bệnh nhân gan nhiễm mỡ, đã được đưa ra phân tích.

Họ được ghi nhận cụ thể về chế độ ăn uống, trong đó chú trọng lượng sữa chua probiotic được tiêu thụ.

Kết quả cho thấy chỉ với 0,4 cốc sữa chua (khoảng 100 g), nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ giảm được 16%.

Nghiên cứu chưa phân tích cụ thể cơ chế tiềm tàng của men vi sinh đối với gan nhiễm mỡ. Song, một số bằng chứng trước đó đã cho thấy men vi sinh có tác dụng kháng viêm, cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột, giảm cholesterol, giảm sự đề kháng insulin, tăng cường chức năng gan...

Các tác động này đều trực tiếp hoặc gián tiếp bảo vệ chúng ta khỏi bệnh gan nhiễm mỡ và các vấn đề về gan khác.

Đây là một phát hiện quan trọng bởi gan nhiễm mỡ là tình trạng có thể tiến triển thành xơ gan, thậm chí ung thư gan. Do tỉ lệ béo phì ngày càng tăng, những tác động có hại của gan nhiễm mỡ đang trở thành một thách thức ngày càng lớn với sức khỏe cộng đồng.

Bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến chuyển hóa (MAFLD), là loại phổ biến nhất, ảnh hưởng đến 30–40% nam và 15–20% nữ trong dân số nói chung, liên quan đến tình trạng kháng insulin, xơ vữa động mạch, béo phì, rối loạn lipid máu và tăng huyết áp.

Trong khi đó, bổ sung men vi sinh từ thực phẩm là một gợi ý dễ dàng để tăng cường sức khỏe. Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy các thực phẩm loại này còn giúp bảo vệ cơ thể khỏi các vấn đề chuyển hóa khác, bệnh tim mạch, suy giảm trí nhớ...

Thực phẩm giàu men vi sinh có thể kể đến bao gồm sữa chua, chao, Kefir, phô mai, tempeh, miso, các loại dưa muối chua, rau củ ngâm chua...

Như vậy, người châu Á - trong đó có Việt Nam - có thể hưởng lợi lớn vì một loạt món ăn lên men "truyền thống", từ chao đến dưa cải muối, rau củ ngâm.

Đàn ông trầm cảm sau khi vợ sinh con

Trước nay nhiều người thường cho rằng chỉ ở các bà mẹ mới bị trầm cảm sau sinh nhưng trên thực tế, ngay cả các ông bố cũng dễ rơi vào trạng thái trầm cảm cùng lúc với vợ mình.

Trầm cảm là rối loạn tâm lý khá phổ biến. Với phụ nữ, trầm cảm có thể xuất hiện trong quá trình mang thai và sinh con. Dữ liệu của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cho thấy khoảng 10 - 15% bà mẹ bị trầm cảm sau sinh. Nhiều người cũng bị trầm cảm trong lúc mang thai, theo Daily Mail.

Tuy nhiên, tình trạng trầm cảm sau sinh không chỉ xuất hiện ở các bà mẹ. Một nghiên cứu ở Anh phát hiện ngay cả những ông bố mới có con cũng có thể xuất hiện các triệu chứng của trầm cảm sau sinh, đặc biệt là những người trước đây từng bị trầm cảm.

Theo đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học College London (UCL) ở Anh đã phân tích hồ sơ y tế của khoảng 90.000 người đàn ông. Họ đối chiếu dữ liệu sức khỏe của những người mới có con và những người không có con.

Kết quả cho thấy trong năm đầu tiên có con, những người có tiền sử mắc trầm cảm và cần uống thuốc trị trầm cảm có nguy cơ tái phát cao gấp 30 lần bình thường. Với những người đã bị trầm cảm trước đó và đang dùng thuốc thì khi có con, họ vẫn sẽ cần tiếp tục dùng thuốc.

Các triệu chứng của trầm cảm sau khi sinh của các ông bố cũng tương tự như các bà mẹ, bao gồm mất hứng thú với em bé, cảm thấy tuyệt vọng, mệt mỏi, buồn bã, luôn muốn khóc và không thể nào suy nghĩ vui vẻ hoặc tận hưởng bất cứ điều gì cùng em bé mới sinh.

Một số trường hợp thậm chí còn bị hoảng loạn, lo lắng, chán ăn, có suy nghĩ tiêu cực gây tổn hại đến em bé.

Có một số nguyên nhân giải thích hiện tượng này. Theo Giáo sư Irene Petersen, tác giả chính của nghiên cứu tại UCL, những người từng điều trị trầm cảm sẽ ý thức rõ về vấn đề của mình và tìm đến sự hỗ trợ khi thấy bất ổn.

Vì nghiên cứu dựa trên dữ liệu có hay không uống thuốc trầm cảm nên trong thực tế, có thể nhiều người vẫn bị trầm cảm sau khi có con nhưng nghiên cứu không biết vì họ không dùng thuốc.

Ngoài ra, một yếu tố khác mà các tác giả nhận thấy sẽ làm tăng nguy cơ trầm cảm là sự thiếu kết nối với xã hội. Những ông bố thiếu hoặc không có các mối quan hệ xã hội lành mạnh, phải sống cô độc trong thời gian dài cũng sẽ dễ bị trầm cảm sau khi có con.

Cũng theo một số chuyên gia, các bà mẹ có nhiều nguy cơ sức khỏe tâm thần trở nên xấu đi trong hoặc sau khi mang thai nếu họ có một tuổi thơ không vui vẻ, các mối quan hệ xã hội bị thu hẹp hoặc bị bạo lực tinh thần và thể chất.

Trong khi đó, các ông bố dễ bị trầm cảm sau sinh nếu họ có trình độ học vấn thấp, thất nghiệp, gặp trục trặc trong hôn nhân hoặc từng gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần trước đó.

Khi cả hai đều bị trầm cảm sau sinh, họ rơi vào lo lắng cùng nhau và khó gắn kết với đứa con mới chào đời. Tình trạng khó chia sẻ với nhau càng khiến trầm cảm trở nên nặng hơn.

Một yếu tố khác được các nhà nghiên cứu phát hiện ra là rất ít phụ nữ được kiểm tra sức khỏe sau sinh, và đàn ông thì lại càng không ai thực hiện các cuộc kiểm tra khi trở thành bố.

Khoa học từ lâu đã biết tiền sử bị rối loạn tâm lý sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ bị trầm cảm sau sinh ở phụ nữ. Nhưng phát hiện của giáo sư Petersen và cộng sự là một trong những nghiên cứu đầu tiên về nguy cơ tái phát trầm cảm sau khi có con ở nam giới.

Các nhà nghiên cứu hy vọng kết quả nghiên cứu này sẽ khiến các chuyên gia sức khỏe và người thân trong gia đình lưu tâm đến sức khỏe tâm thần của cả các ông bố chứ không chỉ riêng các bà mẹ.

Ngoài các loại thuốc chống trầm cảm kê đơn, người thân nên tìm cách để các ông bố bà mẹ nhận ra rằng họ không có lỗi gì trong việc gặp tình trạng trầm cảm sau sinh và ngay cả khi bị tình trạng đó thì cũng không khiến họ trở thành một bậc cha mẹ tồi.

“Mối liên hệ giữa vai trò làm bố và trầm cảm là rất phức tạp. Sau khi đứa trẻ ra đời, sự chú ý thường tập trung đến sức khỏe của mẹ và bé. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy ông bố cũng cần được chăm sóc sức khỏe tâm lý một cách phù hợp”, TS. Holly Smith, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Viêm xương tuỷ sau vết xước nhỏ

Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận bệnh nhân nam 15 tuổi ở Thanh Hóa được chẩn đoán viêm xương tủy do tụ cầu vàng. Đây là vi khuẩn tụ cầu vàng kháng methicillin (tụ cầu kháng thuốc).

Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, chơi thể thao thường xuyên, gần đây bị đau khớp gối trái. Khi vào cơ sở y tế, bệnh nhân được chẩn đoán viêm mủ khớp gối trái, viêm xương tủy đầu dưới xương đùi trái.

Đời sống - Tin tức Đời sống 9/4: Nhiều món ăn 'đặc biệt' chống được gan nhiễm mỡ

Đến nay, trẻ có tiến triển tốt nhưng vẫn cần quá trình điều trị và theo dõi lâu dài.

Ngày 13/3, bệnh nhân đã phẫu thuật nạo vét xương chết, rạch mủ cấy ra tụ cầu vàng. Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị.

Được biết, trước khi bị bệnh, bệnh nhân có tham gia đá bóng bị xây xước chân, nhưng không để ý. Đây có thể là thời gian ủ bệnh tụ cầu vàng. Người nhà cho biết, ban đầu, bệnh nhân không có biểu hiện gì nặng, chỉ hơi đau, khó chịu. Khi bệnh nhân không duỗi được chân, gia đình chỉ nghĩ giãn dây chằng nên cho đi khám và được các bác sĩ kê đơn thuốc về nhà điều trị.

Tuy nhiên, bệnh tiến triển rất nhanh. Sau 2 ngày, bệnh nhân sưng đau nhiều hơn ở khớp gối trái, đau đến mức không chịu được, các khớp tay cũng sưng đỏ và được gia đình đưa vào nhập viện.

Theo ThS.BS Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trường hợp này là ca bệnh hiếm gặp vì bệnh nhân còn trẻ, không có bệnh lý gì mà bị nhiễm trùng nặng, viêm xương tủy do tụ cầu kháng thuốc.

Thông thường, tụ cầu kháng thuốc gặp nhiều ở trong môi trường bệnh viện, còn bệnh nhân này bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc ở ngoài cộng đồng - tụ cầu vàng kháng methicillin (tụ cầu kháng thuốc).

Vì vậy, việc điều trị các nhiễm trùng từ vi khuẩn lây nhiễm từ cộng đồng sau này có thể sẽ khó khăn hơn. Đây là ổ nhiễm trùng sâu, ở trong xương, nên cần nhiều thời gian điều trị. Đến nay, trẻ có tiến triển tốt. Tuy nhiên, vẫn cần quá trình điều trị và theo dõi lâu dài, đảm bảo phục hồi tốt nhất và tránh tái phát.

“Khi có các vết thương xây xát, hay các mụn mủ thì phải được xử lý vết thương đúng cách. Vệ sinh tránh nguy cơ nhiễm trùng và hình thành ổ di bệnh sâu, nguy hiểm. Đặc biệt là các viêm nhiễm ổ sâu như viêm khớp, viêm xương tủy, viêm nội tâm mạc, áp xe các cơ quan...”, chuyên gia y tế khuyến cáo.

T.M (tổng hợp)